Tiếng Việt | English

05/11/2015 - 10:56

Bến Lức - Long An

Những cây cầu từ sức dân  

Để thuận tiện cho việc đi lại, nhiều hộ dân ở xã Thạnh Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An tự đóng góp công sức, kinh phí làm cầu giao thông nông thôn. Từ khi có cầu mới, học sinh đi lại dễ dàng, hàng hóa lưu thông thuận lợi.

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, xã Thạnh Hòa thành lập các tổ, nhóm đi vận động bắc cầu nông thôn. Chỉ sau thời gian ngắn được thành lập, các tổ, nhóm vận động được trên 300 triệu đồng để xây dựng 3 cây cầu liên xã, ấp. Nhờ vậy, giao thông đi lại ở vùng sâu nơi đây không còn trở ngại, rút ngắn khoảng cách với trung tâm xã và huyện.

Cầu T4 nối liền ấp 2 và 3, được người dân và các hội, đoàn thể gấp gút thi công để đưa vào sử dụng là một điển hình. Cây cầu này, trước đây được người dân bắc bằng ván tạm bợ, hoặc phải dùng xuồng mới qua được bờ bên kia và đã có rất nhiều trường hợp bị té sông khi muốn sang bờ bên kia.

Thấy vậy, chính quyền địa phương và tổ vận động xây cầu ấp 2 vận động người dân và các mạnh thường quân đóng góp kinh phí, ngày công để bê tông hóa cây cầu này. Thế là cây cầu bề ngang 2,2m, chiều dài 27m được xây dựng với kinh phí gần 200 triệu đồng, điều đáng nói là toàn bộ kinh phí để xây cầu và ngày công lao động đều được thực hiện từ nguồn vận động xã hội hóa.

Muốn xây dựng một tuyến đường hay cây cầu nào đó thì lãnh đạo xã tiến hành họp dân để bàn bạc, một khi người dân đồng tình mới triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện thì mọi thông tin về kinh phí và tiến độ xây dựng đều được công khai minh bạch để người dân biết và giám sát. Nhờ phát huy tốt công tác dân vận và thực hiện dân chủ nên người dân tích cực hưởng ứng các phong trào do chính quyền địa phương phát động, đặc biệt là trong xây dựng giao thông nông thôn.

Về Thạnh Hòa, điều dễ nhận thấy nhất là những cây cầu gỗ được thay thế bằng những chiếc cầu bê tông kiên cố từ sự đóng góp công sức của nhân dân. Thực tế đã chứng minh phong trào chung tay góp sức xây dựng giao thông nông thôn của người dân đã làm thay đổi rõ nét bộ mặt nông thôn của một xã vùng sâu, góp phần tạo điều kiện đi lại dễ dàng cho nhân dân. Phong trào này còn thắt chặt tình làng nghĩa xóm, rất cần được phát huy và nhân rộng./.

CTV V.Hằng – Thanh Tâm

Chia sẻ bài viết