Tiếng Việt | English

13/10/2015 - 03:31

Long An: Đầu tư xây dựng, nâng cấp chợ góp phần phát triển thương mại nông thôn

Trên địa bàn tỉnh Long An, nhất là ở khu vực nông thôn đã hình thành rất nhiều chợ. Ngày nay, bên cạnh chợ truyền thống còn xuất hiện nhiều loại hình chợ mới như: Chợ đầu mối, chợ chuyên kinh doanh hàng nông sản, chợ thực phẩm,... Sự phát triển đa dạng cả về quy mô và hình thức của hệ thống chợ góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy thương mại nông thôn ngày càng phát triển. Chợ nông thôn không chỉ phục vụ nhu cầu mua sắm thiết yếu hằng ngày của người dân mà còn thể hiện sự văn minh thương mại ở nông thôn, thu dần khoảng cách giữa nông thôn - thành thị, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương ngày một phát triển.

 

Chợ Bình Lãng, xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ được đầu tư xây dựng mới vào năm 2014, góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại nông thôn ngày càng phát triển

Để thương mại nông thôn phát triển

Thị trường nông thôn trên địa bàn tỉnh Long An hiện nay vẫn là thị trường phát triển vừa chậm, vừa yếu. Việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm vẫn là vấn đề bức xúc. Tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng còn phổ biến. Việc chấp hành pháp luật về đăng ký kinh doanh, đăng ký nhãn mác hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường còn lỏng lẻo. Thương mại nông thôn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng hiện có.

Giai đoạn 2011-2015, Long An có 23 chợ trên địa bàn các xã được đầu tư xây dựng mới với tổng số vốn trên 196,5 tỉ đồng, trong đó, chợ Gò Đen (xã Phước Lợi, huyện Bến Lức) đạt chuẩn của Bộ Xây dựng. Tỉnh còn đầu tư kinh phí sửa chữa, nâng cấp 24 chợ trên địa bàn các xã với tổng số vốn trên 42,8 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước 15,8 tỉ đồng và vốn huy động trên 2,4 tỉ đồng. Tổng nguồn vốn đầu tư cho xây dựng mới và sửa chữa, nâng cấp các chợ Lifsap ở các xã trên địa bàn tỉnh khoảng 50 tỉ đồng.

Phó Giám đốc Sở Công Thương - Nguyễn Xuân Hồng thông tin: “Hiện nay, hệ thống chợ nông thôn đã và đang được tỉnh đầu tư, nâng cấp, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người dân trong mua bán, trao đổi, tiêu thụ sản phẩm, giao thương hàng hóa trên địa bàn. Các chợ biên giới, chợ cửa khẩu cũng được chú trọng đầu tư, chủ yếu theo hình thức xã hội hóa, góp phần làm thay đổi bộ mặt khu vực nông thôn, thúc đẩy phát triển thương mại của tỉnh”.

Kết quả khả quan

Để phát huy thế mạnh hoạt động thương mại ở vùng nông thôn, việc phát triển, đầu tư quy hoạch hệ thống chợ hết sức cần thiết. Nhưng đầu tư quy hoạch phải phù hợp với tình hình KT-XH từng địa phương.

Chị Nguyễn Thị Hải Yến, một người nội trợ ấp Bình An, xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ chia sẻ: “Các chợ nông thôn hiện nay nguồn hàng hóa rất đầy đủ, đa dạng, có đủ những mặt hàng tiêu dùng hằng ngày, dịch vụ ăn uống, sản phẩm điện máy, điện lạnh, thủ công mỹ nghệ, trang sức,... giá cả hợp lý, cân, đo đầy đủ, không xảy ra tình trạng gian lận”.

Trưởng ban Quản lý chợ Bình Lãng - Nguyễn Phan Huy cho biết: “Chợ Bình Lãng hoạt động gần 2 năm qua, có gần 20 tiểu thương tham gia buôn bán. Từ khi có chợ đạt chuẩn nông thôn mới, hàng nông sản của nông dân sản xuất được tập trung vào đây, người tiêu dùng cũng an tâm hơn khi mua sắm ở ngôi chợ khang trang như thế này. Theo quy định, các chợ nông thôn mới phải có tổ chức quản lý, nhà điều hành; nội quy chợ niêm yết công khai làm cơ sở hoạt động, xử lý vi phạm; sử dụng cân đối chứng, thiết bị đo lường để người tiêu dùng tự kiểm tra về số lượng, khối lượng hàng hóa; có hệ thống phòng cháy, chữa cháy,... Những điều kiện đó góp phần làm cho người dân yên tâm hơn khi đến mua sắm, trao đổi hàng hóa tại chợ”.

Chợ Rạch Kiến được đầu tư nâng cấp năm 2012 với tổng số vốn 350 triệu đồng

Còn theo Trưởng ban Quản lý chợ Rạch Kiến, xã Long Hòa, huyện Cần Đước - Nguyễn Hữu Thọ, chợ Rạch Kiến được đầu tư nâng cấp, sửa chữa vào năm 2012 với tổng vốn 350 triệu đồng từ ngân sách Nhà nước. Chợ nông thôn được đầu tư xây dựng khang trang, thuận lợi trong việc buôn bán của người dân, góp phần mở ra một hướng mới trong việc phân phối và tiêu thụ nông sản.

Và những phiên chợ hàng Việt

“Phiên chợ hàng Việt về nông thôn” là một trong những yếu tố góp phần thúc đẩy thương mại nông thôn phát triển, nhằm tuyên truyền đến người tiêu dùng thói quen sử dụng hàng Việt Nam. “Phiên chợ hàng Việt về nông thôn” được triển khai từ năm 2012 đến nay đã mang lại hiệu quả thiết thực. Trước đây, bình quân mỗi năm tổ chức khoảng 5-6 phiên chợ, nhưng từ năm 2014, mỗi năm, Trung tâm Xúc tiến thương mại tổ chức từ 12-15 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, thu hút hàng ngàn lượt người dân đến mua sắm. Hoạt động này góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế thương mại ở nông thôn.

Để thúc đẩy hoạt động thương mại, nhất là thương mại nông thôn, Long An tiếp tục vận động, thu hút các doanh nghiệp, đơn vị tiếp nhận quản lý, đầu tư xây dựng các chợ nông thôn ở các xã theo quy hoạch trên địa bàn. Từ đó, dần thay đổi bộ mặt nông thôn, tạo môi trường giao lưu, mua bán, trao đổi hàng hóa lành mạnh, phát triển thương mại-dịch vụ, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu KT-XH chung của tỉnh.

Đề án Phát triển thương mại nông thôn đến năm 2020 của Chính phủ đang mở ra một bức tranh thương mại nông thôn hiện đại, gắn kết thương mại-dịch vụ với sản xuất, tiêu dùng; cải thiện một bước quan trọng kết cấu hạ tầng thương mại nông thôn theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển nông thôn góp phần đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa trong nước và xuất khẩu./.

Song Hồng

Chia sẻ bài viết