Giáo viên lồng ghép định hướng nghề nghiệp cho học sinh trong các tiết dạy
PV: Thưa ông, kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 có những điểm mới gì so với năm trước?
Giám đốc Sở GD&ĐT - Nguyễn Thanh Tiệp: Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 theo hướng giữ ổn định về phương thức tổ chức như các năm 2017, 2018 để không ảnh hưởng đến quá trình dạy và học của giáo viên, HS. Đồng thời, thực hiện một số điều chỉnh kỹ thuật trong quy trình tổ chức thi nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập để bảo đảm tổ chức kỳ thi nghiêm túc, khách quan, an toàn. Cụ thể, những điểm mới cơ bản như sau:
Thứ nhất, đề thi có nội dung thi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12. Theo đó, nội dung đề thi nằm trong chương trình cấp THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12; bảo đảm ngưỡng cơ bản để xét tốt nghiệp THPT và có độ phân hóa phù hợp để các cơ sở giáo dục đại học (ĐH), giáo dục nghề nghiệp làm cơ sở
tuyển sinh.
Thứ hai, công tác coi thi thì điều động cán bộ, giảng viên ĐH, học viện, trường ĐH và các trường cao đẳng (CĐ) nhóm ngành đào tạo giáo viên (gọi chung là trường ĐH, CĐ) đến các hội đồng thi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh) để phối hợp tổ chức thi theo nguyên tắc trường ĐH, CĐ, địa phương không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương mình. Ngoài ra, quy định chặt chẽ về sắp xếp phòng thi, nhất là đối với các thí sinh tự do; hướng dẫn chi tiết kỹ thuật niêm phong, lưu trữ, bảo quản bài thi, đề thi để tăng cường bảo mật; đặc biệt là đặt camera giám sát phòng chứa tủ đựng đề thi, bài thi 24 giờ/ngày và tăng cường trách nhiệm của các đối tượng có liên quan trong bảo quản đề thi, bài thi tại điểm thi, hội đồng thi.
Thứ ba, Bộ GD&ĐT trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chủ trì, đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ; đồng thời, sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng tăng cường tính bảo mật và chức năng giám sát nhằm ngăn ngừa các can thiệp trái phép. Theo đó, mã hóa dữ liệu tạo ra trong quá trình xử lý bài thi trắc nghiệm để tránh người dùng can thiệp và bảo đảm trong suốt quá trình xử lý bài thi, cán bộ xử lý bài thi không thể có được thông tin về mối liên hệ giữa thông tin cá nhân của thí sinh với phần nội dung trả lời trắc nghiệm (đây là một hình thức “đánh phách” điện tử Phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh). Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát của Bộ GD&ĐT và các trường ĐH, CĐ đối với việc chấm bài thi tự luận (môn Ngữ văn) do Sở GD&ĐT chủ trì.
Thứ tư, tỷ lệ xét tốt nghiệp THPT thay đổi. Điểm xét tốt nghiệp THPT gồm: 70% điểm trung bình các bài thi THPT quốc gia dùng để xét tốt nghiệp THPT + 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh + điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có). Bên cạnh đó, tăng tính tự chủ của các cơ sở giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp trong tuyển sinh ĐH, CĐ. Cụ thể, các trường chủ động xây dựng và công bố đề án tuyển sinh bảo đảm nguyên tắc tự chủ. Theo đó, ngoài phương thức sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia làm cơ sở tuyển sinh, có thể sử dụng các phương thức khác để tuyển sinh.
Thứ năm, điểm ưu tiên: HS hệ THPT, giáo dục thường xuyên nếu có bằng trung cấp nghề, chứng chỉ nghề sẽ được cộng điểm ưu tiên (cộng 2 điểm nếu loại xuất sắc; 1,5 điểm nếu loại khá, trung bình khá; 1 điểm với loại trung bình).
PV: Với những điểm mới ấy, các trường, HS cần lưu ý những gì, thưa ông?
Giám đốc Sở GD&ĐT - Nguyễn Thanh Tiệp: Các trường cần tuyên truyền, thông tin đầy đủ về kỳ thi đến toàn thể HS và phụ huynh HS, nhất là những điểm mới trong kỳ thi năm nay; đồng thời, hướng dẫn thí sinh điền Phiếu đăng ký dự thi đầy đủ và đúng thông tin; rà soát hồ sơ đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT nhằm bảo đảm chính xác các thông tin thí sinh điền vào phiếu đăng ký xét công nhận tốt nghiệp, đặc biệt thông tin về diện ưu tiên để được cộng điểm
ưu tiên; xem xét và quyết định các điều kiện dự thi của thí sinh. Đặc biệt, các trường được lưu ý tuyệt đối không tiếp nhận hồ sơ không hợp lệ.
Thí sinh cần cân nhắc trong lựa chọn bài thi tổ hợp có những môn là thế mạnh của mình để tối ưu điểm số; khi đăng ký dự thi cả hai bài thi tổ hợp thì bắt buộc phải thi cả hai bài này vì nếu bỏ một trong hai bài thi đã đăng ký, thí sinh sẽ bị coi là dự thi không đủ số bài thi và không được xét công nhận tốt nghiệp THPT.
PV: Xin ông cho biết, thuận lợi và khó khăn của Long An trong công tác chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia năm nay?
Giám đốc Sở GD&ĐT - Nguyễn Thanh Tiệp: Kỳ thi năm nay cơ bản ổn định như năm 2018 nên các trường đã có những định hướng, chuẩn bị tốt cho việc ôn tập giúp HS thi đạt kết quả tốt nhất. Sở GD&ĐT đã tổ chức các đoàn kiểm tra (đợt 1) tại tất cả trường THPT về việc thực hiện nhiệm vụ năm học 2018-2019 và công tác ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Công tác tư vấn hướng nghiệp trước kỳ thi được các trường quan tâm và thực hiện hiệu quả. Sở tổ chức hội nghị tập huấn về nghiệp vụ thi cho lãnh đạo, cán bộ phụ trách thu nhận hồ sơ và nhập dữ liệu của các trường THPT.
Học sinh tham gia phát biểu và xây dựng bài học
Tuy nhiên, cũng còn một số khó khăn về trang thiết bị, Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh mua các trang thiết bị để phục vụ tốt cho kỳ thi như camera,...
PV: Những giải pháp, định hướng sắp tới để kỳ thi diễn ra thuận lợi, HS thi đạt kết quả cao là gì, thưa ông?
Giám đốc Sở GD&ĐT - Nguyễn Thanh Tiệp: Ngành tiếp tục phối hợp các cơ quan liên quan, Báo Long An, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An để tuyên truyền về kỳ thi THPT quốc gia năm 2019; phối hợp trường ĐH, CĐ theo sự phân công của Bộ GD&ĐT để tham mưu UBND tỉnh xây dựng phương án và tổ chức kỳ thi. Sở GD&ĐT sẽ tham mưu UBND tỉnh ra quyết định thành lập ban chỉ đạo thi cấp tỉnh; chỉ đạo các đơn vị tổ chức kiểm tra chéo hồ sơ thi và thí sinh tự đăng nhập vào tài khoản của mình để kiểm tra thông tin; tổ chức triển khai phương án thi và tổ chức tập huấn thi cho toàn thể cán bộ làm công tác thi; chỉ đạo các đơn vị phối hợp các tổ chức, đoàn thể thực hiện công tác tiếp sức mùa thi.
PV: Xin cảm ơn ông!
Ngọc Thạch(thực hiện)