Ảnh: USA Today
Theo báo USA Today, đã có rất nhiều cảnh báo về những hệ lụy nảy sinh từ việc trẻ dành quá nhiều thời gian tiếp xúc với màn hình thiết bị điện tử.
Đó không chỉ là TV, mà còn là điện thoại di động, máy tính bảng, máy tính và các thiết bị đeo tay tân tiến nhất. Trong đời sống hiện nay, những thứ đó có ở khắp nơi và không mấy khó khăn để trẻ tiếp cận được.
Bà Jenny Radesky, phó giáo sư nhi khoa chuyên về sự phát triển của trẻ em tại Bệnh viện nhi đồng C.S. Mott thuộc đại học Michigan, cho rằng có một vài lưu ý cha mẹ cần biết về các hệ lụy khôn lường liên quan tới việc trẻ dành quá nhiều thời gian dán mắt vào thiết bị công nghệ.
Ảnh: USA Today
Nguy cơ chậm nói
Một kết quả nghiên cứu mới đây được trình bày tại hội nghị của Hiệp hội hàn lâm nhi khoa (PAS) Mỹ năm 2017 cho biết, những trẻ sơ sinh dành từ 30 phút trở lên mỗi ngày dán mắt vào màn hình thiết bị di động có nguy cơ bị chậm nói cao hơn những trẻ khác.
Nghiên cứu này được thực hiện trong khoảng thời gian từ 2011-2015 với khoảng 890 trẻ em trong độ tuổi từ 6 tháng đến 2 tuổi.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy, cứ mỗi 30 phút sử dụng thiết bị điện tử cầm tay, nguy cơ chậm nói của trẻ sơ sinh nhiều hơn 50% so với bình thường.
Bà Jenny Radesky nói: “Xin quý vị đừng tin vào những lời quảng cáo của các kênh truyền hình dành cho trẻ em hay những thông tin truyền thông nhắm tới trẻ em, vì các chứng cứ nghiên cứu cho thấy chúng chỉ nhìn vào những ánh sáng trên thiết bị thôi, và thực sự không hiểu những nội dung trên màn hình đâu”.
Chuyên gia nhi khoa này khẳng định: “Những khoảng thời gian đầu đời là các tháng đặc biệt quan trọng về phương diện phát triển ngôn ngữ, do đó hãy giúp trẻ tiếp xúc và khám phá thế giới bên ngoài của chúng”.
Ảnh: Poshtiger
Ảnh hưởng tới hành vi và gây tăng cân
Một nghiên cứu của Đại học bang California cho biết công nghệ rõ ràng có tác động tới sức khỏe của trẻ em. Việc tăng tiếp xúc với thiết bị điện tử có liên quan tới những trục trặc tâm lý, trong đó có yếu tố giảm chú ý, các vấn đề về sức khỏe thể chất như tăng cân và bệnh tật.
Một bài báo khác đăng tải trên tạp chí Pediatrics năm 2015 nêu vấn đề, phải chăng việc sử dụng quá nhiều thiết bị điện tử trong giai đoạn đầu đời của trẻ có thể tác động tới khả năng đồng cảm của trẻ với người khác, ảnh hưởng tới các kỹ năng giải quyết vấn đề xã hội và theo đó dẫn tới những khó khăn trong tương tác trực tiếp với người khác của chúng về sau.
Hiện vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về vấn đề này, tuy nhiên đã có khá nhiều nghiên cứu cho thấy những ích lợi của việc cha mẹ và con cái duy trì trao đổi thường xuyên cũng như hoạt động vui chơi trong đời sống.
Hiệp hội nhi khoa Mỹ (AAP) khuyến cáo trẻ em dưới 18 tháng tuổi cần được tránh tiếp xúc màn hình thiết bị điện tử.
Với trẻ từ 2-5 tuổi nên giới hạn khoảng thời gian này là 1 tiếng/ngày. Với trẻ em từ 6 tuổi trở lên cũng sẽ có những mức giới hạn tương ứng về chuyện tiếp xúc màn hình thiết bị.
Truyền thông ảnh hưởng giấc ngủ của trẻ
Năm ngoái một phân tích đăng trên tạp chí nhi khoa JAMA Pediatrics cho biết, trẻ từ 6-19 tuổi nếu xem các nội dung truyền thông trên các thiết bị trước khi ngủ sẽ ngủ không ngon. Nghiên cứu này đã xem xét 467 nghiên cứu liên quan tới hơn 100 ngàn trẻ em.
Các nội dung truyền thông mang tính bạo lực, trong đó có các chương trình truyền hình, phim ảnh và video game, liên quan chặt chẽ tới việc trẻ gặp ác mộng trong khi ngủ.
AAP khuyến cáo các bậc phụ huynh nên tắt các màn hình thiết bị trước 30 phút so với giờ ngủ và không để các thiết bị này trong phòng ngủ của trẻ.
Ảnh: ISTOCK/ LORADO
Biết dùng đúng cách mới quan trọng
Tuy nhiên, ở một phương diện khác, cũng theo các chuyên gia về sự phát triển trẻ em, nếu chỉ nói tới khoảng thời gian trẻ tiếp xúc với màn hình thiết bị thôi là chưa đủ.
Đó cũng là quan điểm của ông Michael Robb, giám đốc nghiên cứu của tổ chức phi lợi nhuận Common Sense Media có trụ sở tại San Francisco.
Ông nói: “Đó không phải là vấn đề thời gian, mà là vấn đề nội dung, là bối cảnh sử dụng thiết bị của trẻ”.
Tổ chức Common Sense Media cung cấp các xếp hạng và đánh giá, đồng thời nêu ra những khuyến nghị về nội dung truyền thông dành cho trẻ căn cứ theo độ tuổi.
Những khuyến nghị của họ không chỉ chuyên chú về các nguy cơ liên quan tới nội dung khiêu dâm hay bạo lực, mà còn cả nội dung mang tính giáo dục.
Chẳng hạn theo ông Robb, với những trẻ ở độ tuổi còn đang chập chững, chúng sẽ học hỏi được nhiều hơn cả từ các chương trình và ứng dụng có tốc độ hiển thị hình ảnh chậm. Những nội dung truyền thông có tốc độ quá nhanh sẽ khiến chúng khó hiểu, bối rối.
Theo chuyên gia này, nhìn chung, nếu các nội dung truyền thông giáo dục được hiển thị với tốc độ phù hợp với trẻ, cộng thêm đó là sự tham gia thường xuyên của cha mẹ với con cái thì các thiết bị công nghệ sẽ trở thành công cụ giáo dục vô giá trong mỗi gia đình.
Phó giáo sư Radesky cũng chia sẻ: “Quý vị hãy nghĩ tới việc sử dụng truyền thông như một cách giúp trẻ quan sát những gì chúng không có điều kiện nhìn thấy trong thực tế. Chẳng hạn bạn có thể cho con mình xem các đoạn video trên mạng Youtube ghi lại cảnh phun trào của các ngọn núi lửa hãy cảnh phóng một con tàu vũ trụ vào không gian”.
Nói tóm lại theo bà Radesky, trong vấn đề tiếp xúc với thiết bị công nghệ, câu hỏi thực sự rốt ráo không phải là chuyện con bạn dành bao nhiều thời gian cho nó, mà sẽ là “Tôi đang sử dụng các thiết bị đó trong nhà mình như thế nào?”
D.Kim Thoa/tuoitre.vn