Tiếng Việt | English

17/12/2020 - 01:50

Những năm tháng không quên

Cựu chiến binh, thương binh 2/4 Nguyễn Thanh Bình (ấp 5, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) vinh dự cùng Đoàn đại biểu tỉnh dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X năm 2020 ở Hà Nội. Những ngày lịch sử này, ký ức một thời quân ngũ, những trận đánh hào hùng, tình đồng chí, đồng đội,... cứ lần lượt hiện về trong trí nhớ của người lính già.

Cựu chiến binh Nguyễn Thanh Bình dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X năm 2020

Cựu chiến binh Nguyễn Thanh Bình dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X năm 2020

Năm 14 tuổi, ông thoát ly đi làm cách mạng, sau đó được biên chế vào đơn vị Binh chủng Pháo binh thuộc Quân khu 7. Trên bước quân hành, trải qua nhiều cương vị, ông cùng đồng đội dọc ngang với những trận đánh oai hùng. Năm 1962, trên cương vị là Khẩu đội trưởng Khẩu đội Pháo DK57, đơn vị tham gia đánh trận Bình Long, ông bị thương nặng.

Sau khi hồi phục, ông tiếp tục trở lại đơn vị. Năm 1968, đơn vị pháo tập kích vào Sân bay Tân Sơn Nhất, sau đó tập kích vào đánh kho xăng Nhà Bè khiến địch hoang mang. Riêng trên chiến trường Long An, tại Bến Lức, năm 1967, ông và đồng đội tập kích đánh vào tiểu đoàn pháo hạng nặng của Mỹ, cùng với sự tiến công của các lực lượng, ta tiêu diệt 1 tiểu đoàn Mỹ, trận đánh lớn mở đầu của ta chuẩn bị tiến công đánh địch vào Tết Mậu Thân 1968.

Đến ngày 10/3/1969, ông giữ chức vụ Đại đội trưởng thuộc Tiểu đoàn Pháo binh Phân khu 3 Long An, trong một trận đánh, ông bị thương. Địch bắt ông đưa ra trại giam Phú Quốc. Chúng tra tấn dã man nhưng không khai thác được gì, sau đó chúng đưa ông về trại giam Biên Hòa và tiếp tục đưa trở lại nhà tù Phú Quốc giam cầm 3 năm 12 ngày.

Trở về, ông tiếp tục chiến đấu trên chiến trường Long An đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước. Với những chiến công đó, cựu chiến binh Nguyễn Thanh Bình vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Huân chương Chiến công hạng Nhất,...

Năm 1982, ông Bình về hưu với quân hàm thượng úy, tham gia vào Hội Cựu chiến binh của xã Thạnh Đức. Trên “trận tuyến” mới, ông tích cực tham gia phong trào của địa phương, của Hội và luôn gương mẫu, đi đầu trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Địa phương mở rộng tuyến đường giao thông nông thôn, phần lớn người dân đồng thuận cao nhưng vẫn còn một số hộ dân chưa thống nhất. Để kịp tiến độ thi công, sớm hoàn thành tuyến đường, ông đến từng nhà vận động, thuyết phục. Dần dần, với sự tận tâm, uy tín của người cựu chiến binh, các hộ hiểu và tự nguyện hiến đất làm đường. Bản thân ông tình nguyện hiến 480m2 đất để làm đường.

Đất nước hòa bình, thống nhất, cựu chiến binh Nguyễn Thanh Bình vẫn nặng lòng với đồng đội. Ông đã nhiều lần đến các xã của huyện Tân Trụ để tìm hài cốt liệt sĩ Nguyễn Thị Nguyên, khi ấy là trung đội phó, cùng đơn vị với ông, hy sinh trên đường chống địch càn. Ông thu thập thông tin, hoàn thiện hồ sơ để đề nghị danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang cho liệt sĩ Nguyễn Thị Nguyên. Vừa rồi, ông cũng đã tìm và xác định được một hài cốt liệt sĩ nữ hy sinh trên địa bàn ấp 5, xã Thạnh Đức, đưa vào nghĩa trang an táng. Bên cạnh đó, ông còn góp phần cùng địa phương thực hiện công tác chính sách của xã để những người có công trên địa bàn đều được hưởng chế độ của Nhà nước, góp phần thực hiện đạo lý tri ân.

Thời chiến, người chiến sĩ ấy đã chiến đấu anh dũng, không ngại gian khổ, vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều huân chương cao quý. Thời bình, ông tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, lặng thầm cống hiến cho quê hương./.

Thùy Trang

Chia sẻ bài viết