Tiếng Việt | English

29/06/2020 - 13:53

Những người “đem chữ đắp quê nhà”

Họ đều là những nông dân chân chất, thật thà, bám đất, bám vườn làm giàu chân chính. Vượt qua khó khăn, họ vẫn giữ vững niềm tin xây đắp tương lai bằng “con chữ”. Nhờ vậy, dù cuộc sống có vô vàn vất vả, họ vẫn quyết tâm cho con được học hành. Có kiến thức, có truyền thống cần lao của gia đình, những người con lớn lên xây dựng cho mình cơ ngơi ổn định rồi quay về, cùng cha mẹ chung tay xây đắp quê nhà.

Nếu mỗi người dân, mỗi gia đình đều chung tay thì công cuộc xây dựng quê hương sẽ sớm đạt thành (ảnh tư liệu)

Đóng góp xây dựng quê hương

Đoạn đường đi qua trước ngõ nhà ông Mai Văn Bịch (Út Bịch), ngụ ấp Lập Điền, xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, vừa hoàn thành. Đường rộng, được đổ bêtông giúp việc đi lại dễ dàng hơn. Cũng như những lần khác, ông Bịch và các con tham gia đóng góp, hiến đất để làm đường, chỉ mong sao có tuyến đường thuận tiện để người dân đi lại. Ở ấp Lập Điền, không ai không biết ông Út Bịch - Bí thư Chi bộ ấp, người thường “đến từng ngõ, gõ từng nhà” vận động dân đóng góp làm đường, lắp đặt hệ thống đèn thắp sáng đường giao thông nông thôn, nạo vét kênh,… Hầu như ở ấp có công trình nào, ông Bịch đều tham gia đóng góp và tham gia vận động người dân thực hiện công trình đó.

Ông Mai Văn Bịch tự hào về truyền thống hiếu học của gia đình, dòng họ nên ông luôn nhắc nhở các cháu chuyên tâm cho việc học hành (Trong ảnh: Bảng vinh danh Dòng họ hiếu học của UBND tỉnh luôn được ông trân trọng)

Ngoài 70 tuổi, ông vẫn tâm huyết với phong trào của địa phương. Làm nhiều việc, đóng góp nhiều công trình nhưng khi được hỏi về thành tích của mình, ông trả lời ngắn gọn: “Không cần nhớ việc đó đâu cháu! Ngày xưa cuộc sống khó khăn, tôi hiểu hơn ai hết, giờ tốt hơn rồi thì đóng góp cho xã, cho ấp cũng có phần lợi ích của mình”.

Ông Bịch có 4 người con, tất cả đều có cuộc sống ổn định, kinh tế khá giả và ủng hộ ông trong việc đóng góp xây dựng quê hương. Ông Bịch kể, để được như ngày hôm nay, cả nhà ông đã trải qua những tháng ngày vô cùng vất vả, khi các con còn nhỏ. Thời điểm đó, dù cuộc sống khó khăn nhưng ông bà vẫn cố gắng cho con ăn học. Chỉ có con đường học vấn mới giúp con có cuộc sống tốt hơn. Đúng như ông dự định, các con ông sau khi tốt nghiệp THPT thì đều có hướng đi riêng và gặt hái những thành công nhất định. Ông Bịch kể: “Tôi ham học từ hồi nhỏ. Khi đất nước còn chiến tranh, học hành khó khăn nhưng tôi cũng cố gắng học được hết lớp 12. Có con, tôi cũng tâm niệm phải “chắp cho con đôi cánh” bằng kiến thức, phần còn lại là do con tự quyết định. Mấy đứa con tôi giờ đứa thì kinh doanh, đứa làm công chức nhà nước,… Giữ truyền thống gia đình, mấy đứa cháu trong nhà cũng chăm lo việc học”.

Để khuyến khích các cháu thi đua học tập, mỗi dịp cuối năm học, các gia đình trong dòng họ nhà ông Bịch lại tập trung về nhà thờ, khen thưởng các cháu có thành tích học tập tốt. Ông Bịch cho biết, ông rất tự hào về việc truyền thống hiếu học của gia đình, dòng họ nên ông luôn nhắc nhở các cháu chuyên tâm cho việc học hành. Khi có kiến thức trong tay thì việc làm giàu sẽ không quá khó. Cuộc sống, kinh tế ổn định sẽ có điều kiện đóng góp xây dựng quê hương, gần gũi nhất là xóm ấp, làng xã nơi mình sinh sống.

“Phát pháo đầu” cho các công trình

Cùng quan điểm như ông Bịch, ông Nguyễn Chí Trãi (Bí thư, Trưởng ấp 3, xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng) cũng tích cực tham gia đóng góp cho các công trình của địa phương. Mỗi công trình cầu, đường trong ấp được làm là gia đình ông Trãi hỗ trợ trên dưới 10 triệu đồng. Các con ông đã có gia đình riêng cũng tham gia đóng góp như bao nhiêu người dân khác. Với vai trò Bí thư, Trưởng ấp, ông từng là người khởi xướng vận động thay mới 3 cây cầu tạm trong ấp bằng cầu bêtông kiên cố.

Từ sự vận động của ông Nguyễn Chí Trãi, người dân ấp 3 có cầu giao thông nông thôn kiên cố

Thời điểm đó, thấy cầu giao thông trong ấp xuống cấp, nguy hiểm cho người qua lại nên ông Trãi quyết tâm phải xây cầu mới. Ông hỏi dân rồi xin ý kiến UBND xã và lên dự toán kinh phí. Được hỗ trợ 50% chi phí, ông lập tức họp dân bàn phương án đóng góp. Ông “phát pháo đầu” ủng hộ 10 triệu đồng, phần còn lại hơn 20 triệu đồng do người dân chung tay góp sức. Chẳng bao lâu, công trình hoàn tất, ông lại khởi động tiếp công trình thứ hai. Cũng như lần trước, ông ủng hộ 10 triệu đồng. Nhờ vậy, người dân ấp 3 có cầu giao thông nông thôn kiên cố. Ông nói: “Thấy mình làm được thì dân tin, sau này vận động các công trình khác cũng dễ”.

Với ông, được tham gia cùng địa phương làm cầu, lắp hệ thống chiếu sáng hay tráng bêtông đường giao thông nông thôn cũng là một cách giúp chính mình, nên ông không hề ngần ngại. Ông tâm niệm: “Giờ kinh tế ổn định thì mình hỗ trợ”. Quan niệm đó của ông được các con ghi nhớ và học theo.

Nhấp ngụm trà, ông Trãi nhớ về những ngày đầu “khẩn hoang, lập ấp”: “Hồi đó khó khăn, vất vả lắm! Vợ chồng tôi lên xứ này vỡ đất, gửi các con ở lại nhà với ông, bà nội tại Tân An cho tiện việc học hành. Xa con thì nhớ, thương con nhưng vì việc học của con phải chịu. Không thể nào đưa con lên đây để rồi vất vả quá khiến con không thể đến trường. Lúc đó lỗi thuộc về mình”. Nghĩ vậy nên vợ chồng ông chuyên tâm làm việc để gầy dựng cuộc sống tốt hơn, có tiền lo cho các con học hành đến nơi, đến chốn. 4 người con của ông, ai cũng có việc làm ổn định, người kinh doanh riêng, người làm cơ quan nhà nước. Người ở lại cùng ông, người sống ở TP.Tân An. Nhưng dù ở đâu, cả 4 người đều nhiệt tình ủng hộ các phong trào, hoạt động tại địa phương, lúc góp công, khi góp của, không khi nào “vắng mặt”.

Học ở cha mẹ tính chịu thương, chịu khó và tấm lòng vì mọi người, các con ông ai cũng đều chí thú làm ăn, để cuộc sống ngày càng ổn định hơn. Các cháu của ông đều đạt thành tích học tập tốt, là học sinh tiêu biểu trong trường, lớp. Để các cháu có thêm động lực và niềm vui phấn đấu, ông Trãi hay “treo thưởng” là những món quà có giá trị phục vụ việc học: Xe đạp điện, máy tính,... Ông cười: “Làm vậy cho mấy cháu có động lực. Thực ra, nếu tôi không treo thưởng thì cha mẹ mấy đứa cũng mua. Nhưng làm vậy các cháu sẽ vui hơn”.

Ở độ tuổi xế chiều, ông Bịch, ông Trãi có niềm vui đóng góp cho quê nhà, niềm tự hào con, cháu thành đạt, là người có ích. Vất vả đã qua, cố gắng của các ông đã được đền đáp, nguyện vọng “đem chữ đắp quê nhà” đã thực sự thành công!

Phương Phương

Chia sẻ bài viết