Tiếng Việt | English

18/11/2022 - 09:11

Những 'người lái đò' thầm lặng

Nghề dạy học được tôn vinh là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý bởi các thầy, cô giáo luôn mang sứ mệnh cao cả vì sự nghiệp “trồng người”. Dẫu có gian nan, vất vả, các thầy, cô vẫn kiên trì bám trường, bám lớp dù là ở vùng sâu, biên giới để “gieo chữ”. Họ là những “người lái đò” thầm lặng, vẫn ngày ngày đưa từng thế hệ học trò đến bến bờ tri thức.

Dù gian khó vẫn bám trường, bám lớp

30 năm gắn bó với nghề cũng là ngần ấy thời gian Nhà giáo ưu tú Lê Kim Phương - giáo viên (GV) Trường Tiểu học Nguyễn Văn Dinh (thị trấn Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An), gắn bó với vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh. Trải qua bao gian khó, cô Kim Phương vẫn quyết tâm theo đuổi sự nghiệp “trồng người”, bám trường, bám lớp để “gieo chữ” cho học sinh (HS) vùng sâu.

Về trường năm 1992, thời điểm ấy, huyện Mộc Hóa còn nhiều khó khăn, điều kiện dạy và học cũng như đi lại rất gian nan, vất vả. Mùa lũ về, khó khăn tăng lên gấp bội, nhất là với những GV trẻ xa quê. Cô Kim Phương trải lòng: “Những ngày mới về vùng Đồng Tháp Mười công tác, tôi có chút bỡ ngỡ, chưa thích nghi kịp, nhất là vào mùa lũ. Cơ sở vật chất trường lớp thiếu thốn đủ bề. Mùa lũ thì nước ngập luôn bàn ghế, GV di chuyển từ nhà tập thể đến trường bằng xuồng. Lương GV khi ấy rất thấp nên nhiều người nản lòng, bỏ nghề. Khó khăn, gian khổ là vậy nhưng bù lại HS rất ngoan, có những em 14, 15 tuổi còn học cấp 1. Phụ huynh cũng quý mến thầy, cô. Vì thương HS và trót yêu nghề đã chọn, tôi quyết tâm bám trường, bám lớp để đồng hành cùng các em trên đoạn đường chinh phục tri thức”.

Nhà giáo ưu tú Lê Kim Phương luôn quan tâm, chuẩn bị chu đáo cho các tiết dạy

Chính tình cảm của HS và sự chân chất của người dân vùng Đồng Tháp Mười đã “níu chân” cô Kim Phương ở lại. Thương học trò vùng sâu, muốn bù đắp phần nào thiệt thòi của các em so với HS vùng thuận lợi, cô Kim Phương nỗ lực hết mình trong công tác giảng dạy. Từ lúc bước chân vào nghề đến nay, cô chuẩn bị kỹ cho từng tiết dạy, thường xuyên thay đổi phương pháp dạy nhằm truyền cảm hứng học tập cũng như phát huy năng lực của HS. Trong đó, cô thường xuyên cho các em hoạt động cá nhân, hoạt động nhóm trong quá trình tìm hiểu kiến thức mới.

Hiện cô Kim Phương vẫn không ngừng tìm tòi, học hỏi từ chuyên gia, đồng nghiệp, tài liệu,... để có thêm phương pháp dạy hay, hiệu quả, phát huy tinh thần tự học và sáng tạo của HS.

Truyền cảm hứng học tiếng anh cho học sinh vùng sâu

Sinh ra và lớn lên ở vùng Đồng Tháp Mười nên thầy Nguyễn Thanh Tuấn - GV Trường THCS Thị Trấn Tân Hưng (huyện Tân Hưng), hiểu rõ về những thiệt thòi của HS nơi đây trong học môn Tiếng Anh. Do vậy, suốt 11 năm qua, thầy luôn nỗ lực để truyền cảm hứng học tiếng Anh cho HS, bởi nếu có cảm hứng, đam mê, các em sẽ cố gắng học tập và hiểu được ý nghĩa của việc học. Thầy Thanh Tuấn tâm sự: “Tôi chọn và yêu nghề dạy học vì đây là nghề cao quý, đóng góp rất nhiều cho xã hội. Tình yêu nghề càng lớn dần khi ngày ngày tiếp xúc với HS, truyền cảm hứng học tập cho các em và chứng kiến các em tiến bộ, trưởng thành”.

Như bao GV khác, những năm đầu dạy học, thầy Thanh Tuấn gặp nhiều khó khăn trong việc giảng dạy tiếng Anh cho HS, bởi nhiều HS vùng sâu của huyện Tân Hưng chưa hiểu được tầm quan trọng của tiếng Anh, dẫn đến tâm lý học đối phó, không mục đích. Ngoài ra, cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học chưa bảo đảm, bài học tiếng Anh mang nặng kiến thức từ vựng và ngữ pháp càng làm cho các tiết học thêm nhàm chán.

Thầy Nguyễn Thanh Tuấn chụp ảnh cùng học sinh trong Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm học 2022-2023

Nhận thấy điều này, thầy quyết tâm thay đổi phương pháp giảng dạy môn Tiếng Anh. Thầy Thanh Tuấn chia sẻ: “Tôi áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy nhiều hơn; đồng thời, nghiên cứu thêm các bài giảng bằng giáo án tương tác, các tiết dạy E-Learning, các phần mềm, ứng dụng học và kiểm tra trực tuyến như Kahoot và Quizizz,... Nhờ vậy, tiết học tiếng Anh trở nên sinh động, nhiều HS hứng thú học hơn”.

Ngoài giảng dạy kiến thức tiếng Anh, thầy Thanh Tuấn còn chia sẻ đến HS vai trò của tiếng Anh trong cuộc sống nhằm truyền cảm hứng học tập và khơi dậy niềm đam mê tiếng Anh cho các em. Từ đó, HS lớp thầy ngày càng tiến bộ, tự tin về năng lực tiếng Anh của mình và có nhiều HS đoạt giải HS giỏi cấp tỉnh cấp THCS môn Tiếng Anh.

Bên cạnh đó, thầy Thanh Tuấn còn tích cực tham gia các cuộc thi về chuyên môn để đúc kết thêm kinh nghiệm, phục vụ công tác giảng dạy. Sự nỗ lực của thầy Thanh Tuấn được ghi nhận với nhiều thành tích nổi bật như Bằng khen Nhà giáo trẻ tiêu biểu của tỉnh năm 2019, Bằng khen Công dân trẻ tiêu biểu tỉnh năm 2021, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm học 2020-2021, đoạt giải Khuyến khích cuộc thi Thiết kế bài giảng điện tử do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức năm 2021,... Đặc biệt, thầy Thanh Tuấn còn là 1 trong 68 gương mặt tiêu biểu của cả nước có nhiều sáng kiến, đổi mới trong phương pháp giảng dạy trong điều kiện khó khăn tham gia chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2022 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long tổ chức.

Hết lòng vì học sinh

30 năm theo nghề thì có 24 năm gắn bó với HS vùng biên, dù trải qua bao khó khăn, vất vả cô Nguyễn Thị Thu Nga - GV môn Ngữ văn, Trường THCS và THPT Mỹ Quý (huyện Đức Huệ), luôn hết lòng vì HS. Với cô, tình yêu nghề lớn hơn tất cả. Cô Thu Nga bộc bạch: “Trường thuộc địa bàn xã biên giới nên điều kiện dạy và học thời trước khó khăn lắm. Đường sá thì “mưa lầy, nắng bụi”. Những ngày mưa, vì là đường đất đỏ nên việc đi lại rất khó khăn. Thêm vào đó, lương GV thấp, nhiều người chọn bỏ nghề. Riêng tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ bỏ nghề dạy học bởi thương HS vùng biên và tình yêu nghề được vun đắp ngày càng lớn”.

Cô Nguyễn Thị Thu Nga - giáo viên môn Ngữ văn, Trường THCS và THPT Mỹ Quý (huyện Đức Huệ), luôn hết lòng vì học sinh

Thương HS, cô Thu Nga nỗ lực trong công tác giảng dạy và hết lòng vì HS thân yêu. Ngoài dạy kiến thức theo chương trình học, cô còn lồng ghép giáo dục đạo đức, kỹ năng sống và định hướng nghề nghiệp cho HS. Từ các tác phẩm văn học, những mẩu chuyện về Bác hay gương thực tế, cô nhắn gửi các em bài học kinh nghiệm; đồng thời, chia sẻ về những hướng đi tương lai phù hợp năng lực, sở trường, nhu cầu xã hội,...

Bên cạnh đó, cô Thu Nga còn đặc biệt quan tâm đến những HS học yếu, chưa ngoan. Cô thường trò chuyện, tìm hiểu kỹ nguyên nhân để có hướng hỗ trợ, giúp đỡ các em. Tùy trường hợp, cô chọn biện pháp cứng rắn hay mềm mỏng nhằm giúp các em tiến bộ.

Cô Nguyễn Thị Thu Nga

Cô Thu Nga còn tích cực tham gia các hoạt động phong trào bởi theo cô, các hoạt động phong trào giúp mình năng động hơn; đồng thời là cơ hội để gắn kết tập thể tốt hơn, từ đó đồng nghiệp cùng nhau chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ cũng như những vấn đề trong cuộc sống.

Nhờ sự tận tâm, tận tụy, hết lòng cống hiến của các nhà giáo, nhiều thế hệ HS trưởng thành, trở thành người con ưu tú của quê hương, góp phần không nhỏ vào sự phát triển của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh./.

An Nhiên

Chia sẻ bài viết