Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân
Theo kết quả cập nhật Bộ chỉ số theo dõi đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cuối năm 2019, toàn tỉnh có 1.547 trạm cấp nước nông thôn, công suất cấp nước khoảng 153.090m3/ngày đêm, cấp cho 251.209 hộ gia đình. Từ việc quan tâm, đầu tư xây dựng các công trình cấp nước của tỉnh, đời sống của người dân từng bước được nâng lên. Mặt khác, người dân cũng nâng cao hơn ý thức sử dụng nước sạch và bảo vệ nguồn nước, giảm thiểu các bệnh liên quan đến nguồn nước, tạo điều kiện phát triển KT-XH tại địa phương.
Người dân ở nhiều địa phương còn thiếu nước sử dụng, nhất là vào mùa khô. Vì vậy, hàng năm, một số địa phương phải vận chuyển nước cấp cho người dân
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai kế hoạch đầu tư; trong đó, chú trọng xây dựng các công trình có quy mô lớn, liên xã, liên huyện. Qua đó, từng bước xóa bỏ các công trình có quy mô nhỏ, chất lượng nước không đạt chuẩn; hạn chế mô hình UBND xã và cộng đồng quản lý là những mô hình hoạt động kém hiệu quả, thiếu tính chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch cấp nước vùng tỉnh; tranh thủ nguồn tài trợ của các tổ chức trong và ngoài nước, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư cấp nước các dự án lớn, nguồn nước mặt ổn định, cấp nước liên huyện, liên tỉnh; tăng cường giám sát, xử phạt các doanh nghiệp cấp nước không thực hiện đúng theo thỏa thuận về dịch vụ, phân vùng cấp nước đã ký kết với địa phương.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền, kết quả điều tra, cập nhật Bộ chỉ số theo dõi đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cuối năm 2019 thì tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh trên địa bàn tỉnh đạt 99%, cao hơn trung bình cả nước 7%. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch chỉ đạt 51,81%, thấp hơn trung bình cả nước 0,19%.
Nước sạch là nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày của người dân. Vì vậy, thời gian tới, tỉnh tiếp tục nỗ lực thực hiện các giải pháp để tăng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch. Điều này cũng được thể hiện rõ trong chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 phấn đấu đến năm 2025 có 65% hộ dân vùng nông thôn sử dụng nước sạch.
Đầu tư công trình cấp nước
Với con số đánh giá trên cho thấy, hiện nay, nhiều địa phương vẫn mong mỏi được đầu tư các công trình cấp nước sạch phục vụ nhu cầu của người dân. Như xã Thuận Nghĩa Hòa, huyện Thạnh Hóa hiện có khoảng 20 trạm cấp nước nhưng quy mô nhỏ, phần lớn được xây dựng từ 15 năm về trước nên chất lượng nước khá kém. Vì vậy, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch ở xã chỉ hơn 6%.
Trạm cấp nước cho người dân
“Để cấp nước có chất lượng tốt, an toàn, thích ứng biến đổi khí hậu, từng bước xóa bỏ các trạm cấp nước nhỏ cũ, lạc hậu thì mong muốn Nhà nước xem xét đầu tư, xây dựng hệ thống cấp nước mới bảo đảm hơn. Trong đó, cấp thiết là đầu tư, xây dựng hệ thống cấp nước tập trung ở ấp Nhơn Xuyên để cấp nước cho khoảng 900 hộ dân ở khu vực” - ông Nguyễn Văn Tiến, hộ dân ở đây, bày tỏ.
Còn ở xã Mỹ Thạnh Bắc, huyện Đức Huệ, hiện có 5 trạm cấp nước quy mô nhỏ cấp nước cho gần 400 hộ dân. Thông tin từ chính quyền địa phương, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch ở xã rất thấp, chỉ khoảng 4%. Vì vậy, thời gian tới, người dân mong muốn sẽ được tỉnh quan tâm đầu tư, xây dựng trạm cấp nước tập trung tại xã để cấp nước cho khoảng 1.500 hộ dân.
Còn 3 xã: Bình Đức, Thạnh Hòa, Thạnh Lợi (huyện Bến Lức) được biết đến là vùng thiếu nước, bởi nguồn nước ngầm ở đây bị nhiễm phèn nặng nên rất khó tìm được nguồn nước bảo đảm chất lượng. So với nhiều vùng khác, người dân ở đây đặc biệt khó khăn về nguồn nước sạch để sử dụng. Thực tế càng được chứng minh khi đến nay, ở cả 3 xã này, tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch vẫn là 0%.
Bà Nguyễn Thị Hải Lý, ngụ xã Thạnh Lợi, cho rằng: “Thời gian qua, người dân ở 3 xã nhiều lần kiến nghị huyện, tỉnh xem xét sớm đầu tư, xây dựng tuyến ống và trạm bơm tăng áp cấp nước cho 3 xã. Nếu công trình này được thực hiện sẽ góp phần cấp nước cho cả ngàn hộ dân”.
Được biết, những địa điểm tại các xã nói trên, ngành chức năng đã khảo sát, nắm tình hình. Từ tính bức thiết và nhu cầu đặt ra, tỉnh đã đưa vào danh mục đầu tư công trung hạn các công trình cấp nước nông thôn trong giai đoạn 2021-2025.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cách đây chưa lâu, HĐND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng mới 31 danh mục công trình cấp nước nông thôn trong giai đoạn 2021-2025. Theo kế hoạch đưa ra, 31 công trình này sẽ tăng mức cung cấp nước sạch cho gần 29.000 hộ trên địa bàn tỉnh (tăng thêm 9,07%). Tổng mức đầu tư chương trình dự kiến hơn 394 tỉ đồng. Cơ cấu nguồn vốn từ ngân sách tỉnh, huyện, xã và nhân dân đóng góp. Theo chủ trương đầu tư thì các công trình cấp nước nông thôn này sẽ được triển khai, thực hiện tại các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Thủ Thừa, Bến Lức, Đức Hòa, Đức Huệ, Tân Trụ, Cần Đước và thị xã Kiến Tường.
Khi những công trình cấp nước cho vùng nông thôn trên được đầu tư, xây dựng và đưa vào hoạt động, ngoài nâng cao tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch trên địa bàn tỉnh, nâng cao đời sống, bảo vệ sức khỏe người dân, còn giúp tháo gỡ cho nhiều địa phương trong việc thực hiện tiêu chí 17.1 về tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch trong Bộ tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới./.
Qua cập nhật Bộ chỉ số theo dõi đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cuối năm 2019 thì tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh trên địa bàn tỉnh đạt 99%, cao hơn trung bình cả nước 7%. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch chỉ đạt 51,81% thấp hơn trung bình cả nước 0,19%. Chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 phấn đấu đến năm 2025 có 65% hộ dân vùng nông thôn sử dụng nước sạch. |
Lê Đức