Phân luồng học sinh chưa đạt yêu cầu
Hơn 3 năm tỉnh thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS trong giáo dục phổ thông” tuy đạt kết quả bước đầu nhưng vẫn còn thấp so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trong đó, năm 2021, toàn tỉnh có 13,19% HS tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (CSGDNN) đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp (chỉ tiêu kế hoạch là 21,39%).
Kết quả cho thấy, công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng HS còn nhiều khó khăn và cần có những giải pháp căn cơ hơn. Ngoài những nguyên nhân khách quan do tâm lý xã hội, phụ huynh, HS còn “trọng thầy hơn thợ” thì nguyên nhân chủ quan là do công tác lãnh, chỉ đạo của một số đơn vị chưa quyết liệt, tập trung.
Học sinh lớp 9 được giáo viên giải thích về đặc thù môn học cũng như ngành, nghề
Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo - Phan Thị Dạ Thảo, thời gian qua, các trường học chỉ chú trọng đầu tư chuyên môn, nâng cao chất lượng dạy và học các bộ môn văn hóa, tập trung cho “luồng” HS học lên THPT, chưa tận dụng được các giờ học hướng nghiệp trong chương trình để tư vấn cho HS một cách hiệu quả. Ngoài ra, tài liệu để thực hiện công tác giáo dục hướng nghiệp còn rất hạn chế; công tác phối hợp giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các trường THCS, THPT trong việc tư vấn, hướng nghiệp cho HS chưa thật sự chặt chẽ; các địa phương chưa có nhiều mô hình hay, hiệu quả, sáng tạo trong giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS.
Nhiều năm nay, tỷ lệ HS chọn học nghề sau khi tốt nghiệp THCS tại Trường Tiểu học và THCS Bình Hòa Đông (huyện Mộc Hóa) khá thấp. Thầy Nguyễn Thanh Lâm - Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Trường Cao đẳng Long An cơ sở Đồng Tháp Mười cách địa bàn xã khoảng 15km nên nhiều phụ huynh không an tâm cho con học xa nhà. Ngoài ra, phụ huynh còn nặng tâm lý trọng tấm bằng đại học nên muốn con học tiếp lên THPT thay vì chọn học nghề. Một số gia đình có hoàn cảnh khó khăn thì muốn con nghỉ học sau khi có bằng tốt nghiệp THCS để đi làm sớm, phụ giúp gia đình”.
Bên cạnh đó, các kênh thông tin về giáo dục nghề nghiệp và thị trường lao động còn ít, phụ huynh, HS thiếu thông tin, chưa hiểu hết được ý nghĩa của việc phân luồng HS. Đặc biệt, công tác phân luồng HS chưa có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Những giải pháp mới, căn cơ
Công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng HS có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần cung ứng nguồn nhân lực có cơ cấu phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế. Để tháo gỡ khó khăn, khắc phục hạn chế và nâng cao hiệu quả giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS, tỉnh đề ra các giải pháp mới, căn cơ.
Ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục định hướng phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS, THPT vào học các ngành nghề phù hợp với năng lực, nhu cầu xã hội. Trong đó, các trường học thay đổi hình thức tư vấn hướng nghiệp HS, đặc biệt là phối hợp các trường nghề tổ chức cho HS tham quan và tìm hiểu về các ngành nghề đào tạo đang là nhu cầu của thị trường lao động.
Khi học nghề, học sinh, sinh viên được chú trọng thực hành
Theo Hiệu trưởng Trường THCS Hướng Thọ Phú (TP.Tân An) - Trần Văn Ca, sắp tới, trường đẩy mạnh tư vấn, tuyên truyền về hướng nghiệp và định hướng phân luồng đến HS cuối cấp, từ đó tạo sự đồng thuận của phụ huynh, dần xóa tư tưởng “trọng thầy hơn thợ”. Đặc biệt, trường thông tin rõ các ngành nghề đang là nhu cầu của xã hội, chế độ ưu đãi khi HS chọn học nghề ngay sau khi tốt nghiệp THCS, điều kiện học tập ở trường nghề,...
Chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh trong tiến trình hội nhập và bảo đảm cho sự phát triển bền vững của địa phương, đất nước, trong đó giáo dục nghề nghiệp có vai trò quan trọng. Do vậy, đầu tư cho CSGDNN và nâng cao chất lượng đào tạo của CSGDNN là một trong giải pháp quan trọng. Hiện toàn tỉnh có 25 CSGDNN (10 cơ sở công lập, 15 cơ sở ngoài công lập), bao gồm 3 trường cao đẳng, 7 trường trung cấp, 7 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 8 cơ sở, doanh nghiệp tham gia hoạt động dạy nghề. Thời gian qua, các CSGDNN chủ động phối hợp các huyện, thị xã, thành phố tổ chức hội nghị tư vấn, tuyển sinh, phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS, THPT; đồng thời, tư vấn tuyển sinh trực tiếp, tổ chức cho HS lớp 9, lớp 12 tham quan, trải nghiệm học nghề tại trường nghề,...
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Đại Tánh, để nâng cao năng lực của các CSGDNN tham gia công tác phân luồng, ngành đề ra giải pháp là đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các CSGDNN; đồng thời, đầu tư Trường Cao đẳng Long An thành trường cao đẳng chất lượng cao; tham mưu UBND tỉnh có chính sách thu hút để tuyển dụng giáo viên; có kế hoạch chọn cử giáo viên định kỳ đi thực tập ở doanh nghiệp để tiếp cận công nghệ mới, nâng cao kỹ năng giảng dạy.
Học sinh lớp 9 tham quan, trải nghiệm thực tế các ngành, nghề đào tạo tại Trường Cao đẳng Long An
Các CSGDNN, đặc biệt là Trường Cao đẳng Long An chủ động liên kết với doanh nghiệp, các trường đại học, CSGDNN ngoài tỉnh có thương hiệu để cập nhật, đổi mới chương trình đào tạo, giúp HS, sinh viên (SV) ra trường có khả năng tiếp cận ngay với công việc, không mất thời gian đào tạo lại sau khi tuyển dụng. Đặc biệt, các CSGDNN còn chú trọng giải quyết việc làm cho HSSV tốt nghiệp. Theo đó, hàng năm, Trường Cao đẳng Long An tổ chức ngày hội giới thiệu việc làm cho HSSV và mời các doanh nghiệp đến phỏng vấn, tuyển dụng các em ngay tại trường. Kết quả thống kê, HSSV Trường Cao đẳng Long An sau tốt nghiệp năm 2022 có việc làm ngay, đúng nghề đào tạo đạt 95% với mức thu nhập từ 7 - 10 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp sẵn sàng vào cuộc trong công tác hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS thông qua nhiều hình thức như tổ chức cho HS tham quan nhà xưởng, trải nghiệp hoạt động sản xuất thực tế tại công ty (Cty); tạo điều kiện cho HSSV thực tập; đồng thời, nêu lên những nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề cao, giúp các trường nghề tăng cường, bổ sung vào chương trình đào tạo;...
Giám đốc Nhân sự Cty TNHH Giầy ChingLuh Việt Nam (huyện Bến Lức) - Ngô Thành Lập khẳng định: “Cty rất thiện chí và sẵn sàng hợp tác với ngành Giáo dục và Đào tạo, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội để thực hiện hướng nghiệp và phân luồng HS trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả hơn. Theo đó, năm 2019, Cty tổ chức buổi tham quan thực tế quy trình sản xuất giày cho các HS lớp 9 trở lên là con của người lao động trong Cty, với hơn 100 em tham gia. Được tận mắt chứng kiến các công đoạn sản xuất, gặp gỡ lãnh đạo, nghe những chia sẻ hoạt động của Cty, các em có những trải nghiệm thú vị và hiểu hơn về môi trường làm việc tại doanh nghiệp. Hướng tới, Cty tiếp tục tổ chức hoạt động này, giúp HS trải nghiệm thực tế hoạt động sản xuất và có cái nhìn mới về học nghề”.
Với sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là những giải pháp mới, căn cơ được đề ra trong năm 2022 hứa hẹn giải được “bài toán” khó về phân luồng HS./.
Đặng Tuấn