Học sinh THCS tham quan lớp học nghề tại Trường Cao đẳng Long An
Mang khái niệm học nghề đến gần học sinh
Tâm lý “trọng thầy hơn thợ” vẫn còn in sâu trong suy nghĩ của nhiều phụ huynh (PH) và HS. Do vậy, để nâng cao chất lượng phân luồng HS, một trong những nhiệm vụ quan trọng là tư vấn hướng nghiệp, giúp PH, HS có cái nhìn đúng về học nghề. Từ đó, HS có lựa chọn hướng đi tương lai sau tốt nghiệp THCS, THPT phù hợp với năng lực, sở trường và nhu cầu của xã hội. Đặc biệt, HS sau tốt nghiệp THCS, nếu lựa chọn học nghề sẽ rút ngắn thời gian học tập và có tay nghề cao để tự tin gia nhập thị trường lao động.
Để làm được những điều đó, cả hệ thống chính trị phải cùng chung tay vào cuộc, từng bước tháo gỡ những khó khăn, tìm ra những giải pháp phù hợp, hiệu quả để nâng cao chất lượng công tác phân luồng HS. Mỗi trường học, địa phương, ngành liên quan có những cách làm riêng, phù hợp nhưng cùng chung một mục tiêu mang khái niệm học nghề đến gần với HS.
Các em được xem, nghe hướng dẫn về nhiều ngành nghề tại Trường Cao đẳng Long An
Tại huyện Thủ Thừa, công tác phân luồng HS luôn được quan tâm thực hiện, nhất là năm 2022 càng quyết liệt hơn trong việc tìm và thực hiện các giải pháp hiệu quả. Theo đó, các trường THCS trên địa bàn nỗ lực trong thực hiện tư vấn hướng nghiệp cho HS, đặc biệt là phối hợp Trường Cao đẳng Long An đến tư vấn trực tiếp cho HS. Một số trường đưa HS đến Trường Cao đẳng Long An tham quan trường, lớp học nghề để có cái nhìn chính xác hơn về học nghề và tìm hiểu về ngành nghề mình quan tâm. Nhờ vậy, một số HS chọn học nghề và không tham gia Kỳ thi tuyển sinh lớp 10.
Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thủ Thừa - Trần Thị Kim Nhãn, hiện Phòng lập danh sách, thông tin những HS không trúng tuyển vào lớp 10 công lập và tham mưu UBND huyện chỉ đạo ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động huyện và các xã, thị trấn tổ chức các buổi tư vấn hướng nghiệp cho các em. Trong buổi tư vấn sẽ có sự tham gia của Trường Cao đẳng Long An, một số doanh nghiệp trên địa bàn để nói kỹ hơn về học nghề và các ngành nghề đang là nhu cầu của xã hội cũng như những ưu đãi khi lựa chọn học nghề.
Trong mỗi năm học, Trường Tiểu học và THCS Tuyên Bình Tây (huyện Vĩnh Hưng) luôn chú trọng công tác tư vấn, hướng nghiệp cho HS, giúp các em lựa chọn nghề phù hợp với năng lực, điều kiện gia đình. Theo đó, trường tập huấn, hướng dẫn giáo viên chủ nhiệm tư vấn định hướng cho HS theo nhóm đối tượng gồm: Kết quả học tập, sở trường, hoàn cảnh gia đình, xu hướng việc làm,... Từ đó, giáo viên giải thích cho HS hiểu rõ về học nghề để giúp các em lựa chọn hướng đi tương lai phù hợp. Ngoài ra, nhà trường còn phối hợp Trường Cao đẳng Long An - Cơ sở Đồng Tháp Mười tổ chức các buổi tư vấn, hướng nghiệp để HS có thêm cơ hội lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức của HS, PH và xã hội đối với học nghề. Hướng tới, trường tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp để góp phần đẩy mạnh công tác phân luồng HS; đặc biệt là phối hợp Trường Cao đẳng Long An tổ chức các chuyến tham quan thực tế về trường, lớp học nghề, giúp HS và PH an tâm về công tác đào tạo nghề của trường.
Nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả phân luồng học sinh
Sự nỗ lực của ngành Giáo dục và Đào tạo, nhất là các trường học là “chìa khóa” then chốt trong thực hiện phân luồng HS. Tuy nhiên, sự chung tay của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là ngành Lao động - Thương binh và Xã hội là một trong những yếu tố quan trọng thu hút HS học nghề.
Theo đó, để thực hiện tốt chủ trương phân luồng, thu hút nhiều HS sau tốt nghiệp THPT, THCS vào học các cấp trình độ của giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề ra giải pháp mới, phù hợp hơn. Trong đó, Sở tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về những điển hình học nghề, có việc làm, giảm nghèo hiệu quả đến HS và PH; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (CSGDNN) phối hợp trường THPT, trường THCS mời các chuyên gia của các trường đại học, các CSGDNN có thương hiệu, Hiệp hội Doanh nghiệp đến nói chuyện chuyên đề, tư vấn nghề nghiệp, việc làm cho HS lớp 9, lớp 12.
Ngoài ra, Sở sẽ quan tâm việc nâng cao năng lực của các CSGDNN tham gia công tác phân luồng HS như tiếp tục đầu tư để tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị ở các CSGDNN nhằm mở rộng ngành nghề, tăng quy mô tuyển sinh, nâng cao năng lực tiếp nhận HS sau phân luồng vào học nghề; tham mưu UBND tỉnh có chính sách thu hút để tuyển dụng giáo viên, nhất là giáo viên giảng dạy những nghề trọng điểm cấp quốc gia, khu vực Asean, quốc tế và những nghề phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh,... Đồng thời, Sở tiếp tục triển khai, thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách thu hút HS sau tốt nghiệp THCS vào học ở các CSGDNN; các CSGDNN tiếp tục phối hợp doanh nghiệp tổ chức đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động;...
Học sinh xem các thông tin về ngành nghề đang là nhu cầu xã hội hiện nay
Tại các địa phương, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc trong thực hiện phân luồng HS. Nhiều địa phương đưa chỉ tiêu phân luồng HS vào tiêu chí thi đua của các trường, xã, thị trấn. Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cần Giuộc - Lương Bá Tuệ, năm 2021, huyện thực hiện không đạt chỉ tiêu về phân luồng HS nên năm 2022 huyện rất quyết liệt trong công tác này. Huyện giao chỉ tiêu thực hiện phân luồng HS cho từng trường và các xã, thị trấn để nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ về phân luồng HS. Trong năm học 2021-2022, toàn huyện có khoảng 200 HS đăng ký học nghề sau khi tốt nghiệp THCS. Hiện huyện tiến hành rà soát những HS không đậu vào lớp 10 để vận động các em tham gia học nghề.
Cả hệ thống chính trị đã và đang nỗ lực thực hiện công tác phân luồng HS, góp phần tạo nền tảng quan trọng cho việc chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh./.
Ngành Giáo dục huyện đề ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng phân luồng HS như chú trọng các giải pháp đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông; huy động nguồn lực xã hội tham gia giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng HS phổ thông; nhà trường phối hợp cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thực hiện tốt việc dạy học gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương, giúp HS nắm được các ngành nghề phát triển tại địa phương,...”.
Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đức Huệ - Đỗ Ngọc Ngân Hà
Nhiều HS chọn học tiếp lên THPT và không theo kịp chương trình dẫn đến bỏ học, gây lãng phí tiền, thời gian. Nếu lựa chọn đúng, trong đó có chọn học nghề, các em có hướng đi phù hợp với năng lực, sở thích của mình. Phân luồng HS là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta trong hoạt động giáo dục. Hội Cựu giáo chức các cấp trong tỉnh không đứng ngoài cuộc mà nỗ lực tham gia tuyên truyền, góp tiếng nói trong người dân, từ đó tạo sự đồng thuận của xã hội có cái nhìn đúng, rõ về phân luồng HS, đặc biệt là lựa chọn học nghề sau khi tốt nghiệp THCS”.
Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh - Tôn Thọ Nuôi
Khi học môn Vật lý ở cấp 2, em đặc biệt hứng thú với những kiến thức về điện và tập tành thực hành. Sau khi tốt nghiệp THCS, em quyết định theo đuổi ngành Điện công nghiệp của Trường Cao đẳng Long An - Cơ sở Đức Hòa thay vì học tiếp lên THPT. Em cảm thấy mình có lựa chọn đúng khi học nghề vì được học ngành yêu thích và tham gia thị trường lao động hơn học tiếp lên THPT”.
Em Đặng Gia Kiệt - HS Trường Cao đẳng Long An - Cơ sở Đức Hòa
Học nghề sau khi tốt nghiệp THCS là hướng đi phù hợp với em, bởi em muốn được đi làm sớm để phụ giúp gia đình. Em chọn ngành Công nghệ thông tin là hướng đi tương lai. Hiện bước vào học kỳ 2 năm cuối hệ Trung cấp, em càng khẳng định lựa chọn trước đó của mình là chính xác. Được học, thực hành và thực tập, em thấy ngành này rất phù hợp với em”.
Em Lê Tiếng Đạt, ngụ ấp 5, xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ
|
An Nhiên