Chọn giải pháp tốt nhất cho học sinh
Khác với dạy học trực tiếp, dạy trực tuyến đòi hỏi GV phải ứng dụng công nghệ thông tin, soạn nội dung, bài giảng phù hợp với hình thức học và đặc biệt là phát huy tinh thần tự học của HS. Thời gian đầu áp dụng dạy học trực tuyến, nhiều GV bỡ ngỡ, gặp khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự quyết tâm, nỗ lực và với phương châm tất cả vì HS thân yêu, thầy, cô dần thích nghi và có những giải pháp dạy học phù hợp.
Với môn Âm nhạc, dạy học trực tuyến là một thách thức với GV bởi môn học này đòi hỏi cảm xúc, chất lượng âm thanh, sự quan sát để cảm nhạc của cả thầy và trò. Trong điều kiện dạy và học thích ứng với tình hình dịch Covid-19, thầy Nguyễn Phú Cường (GV Âm nhạc, Trường THCS Lý Tự Trọng, TP.Tân An) chọn những giải pháp tốt nhất cho HS. Thay vì dạy tại nhà như các thầy, cô khác, thầy Cường quyết định dạy tại trường với đầy đủ thiết bị phục vụ dạy học, chất lượng wifi được bảo đảm và có không gian yên tĩnh.
Thầy Cường tâm sự: “Dạy môn Âm nhạc đa số là thực hành nên chất lượng âm thanh rất quan trọng. Các em phải nghe rõ các nốt tôi đánh đàn hoặc hát. Nếu dạy ở nhà, đôi lúc wifi gặp sự cố hoặc có tạp âm sẽ ảnh hưởng đến chất lượng bài giảng. Do vậy, mỗi khi có tiết, tôi lại đến trường để dạy và thường đến trước 1 tiếng để chuẩn bị máy, nhạc cụ, âm thanh,... nhằm bảo đảm tiết học diễn ra thuận lợi nhất”.
Bài giảng của thầy Cường có nội dung nhẹ nhàng, phù hợp với học trực tuyến bởi thầy không đặt nặng số lượng mà tập trung vào chất lượng. Trong quá trình dạy, thầy quan sát biểu cảm của HS để đặt câu hỏi và kịp thời giảng lại, thực hành lại khi các em chưa hiểu, chưa nghe rõ. Đối với HS gặp sự cố về kết nối Internet khi đang học, thầy sẵn sàng hướng dẫn lại và giải đáp mọi thắc mắc của các em.
Giáo viên thường xuyên đặt câu hỏi nhằm tăng tính tương tác trong tiết học
Khi dạy học trực tuyến, thầy Trần Vũ Hoàng Đảo (GV môn Toán, Trường THPT Chuyên Long An) cũng có phương pháp riêng, phù hợp với điều kiện học của HS. Thầy Đảo chia sẻ: “Tôi chọn nội dung trọng tâm và đi sâu vào những nội dung đó vì trong tiết học, dạy quá nhiều nội dung, tâm lý HS sẽ ngán, khó tiếp thu. Ngoài ra, tôi cho các em làm bài tập và giải quyết dứt điểm trong tiết học, bài tập về nhà thì giao ít để các em có thời gian tự học, tự tìm hiểu, mở rộng kiến thức từ tổng quan của bài học”. Tạo điều kiện cho HS phát huy tinh thần tự học, thầy Đảo giới thiệu tài liệu, trang web để HS nghiên cứu, khám phá những kiến thức mới và nâng cao. Trong quá trình học tập, HS chưa hiểu vấn đề nào, thầy Đảo sẵn sàng hướng dẫn, giải đáp thắc mắc cho các em.
Phối hợp phụ huynh kịp thời hỗ trợ học sinh
Nhờ giáo viên áp dụng nhiều phương pháp giảng dạy phù hợp, học sinh hứng thú hơn với học trực tuyến
Trong tổ chức dạy học trực tuyến, công tác phối hợp phụ huynh HS là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các trường. Bởi khi học ở nhà, phụ huynh là người theo sát việc học của các em. Ngoài tạo nhóm Zalo với HS, Trường THCS Tân Lập (huyện Tân Thạnh) còn tạo nhóm Zalo với phụ huynh theo từng lớp. Thông qua nhóm Zalo, GV chủ nhiệm thông tin về lịch học và tình hình học tập của các em; thường xuyên trao đổi với phụ huynh về việc động viên, nhắc nhở các em học tập nghiêm túc. Những HS vắng không phép, chưa nghiêm túc hoặc gặp khó khăn trong việc học, GV chủ nhiệm trao đổi riêng với phụ huynh để có giải pháp khắc phục.
Phó Hiệu trưởng Trường THCS Tân Lập - Trần Thị Ánh Tuyết chia sẻ: “Không chỉ thường xuyên nhắc nhở, động viên các em học tập, GV còn phối hợp phụ huynh, nhất là với những HS có tâm lý chán học, gặp khó khăn trong học tập để tìm hiểu nguyên nhân, tìm cách hỗ trợ, động viên. Nếu HS chán học do học yếu, GV chủ nhiệm phối hợp GV bộ môn hướng dẫn các em phương pháp học hiệu quả. Riêng HS có hoàn cảnh khó khăn, thiếu trang thiết bị phục vụ việc học, GV chủ nhiệm gửi tài liệu và hướng dẫn các em tự học tại nhà”.
Dù gặp nhiều khó khăn nhưng các thầy, cô luôn nỗ lực để HS được tiếp cận kiến thức một cách tốt nhất trong quá trình học trực tuyến. Và không chỉ dành thời gian soạn bài giảng sao cho hấp dẫn, phù hợp với dạy trực tuyến, ngoài giờ lên lớp, thầy, cô còn giải đáp thắc mắc, hướng dẫn lại cho những HS chưa nắm vững bài học. Tất cả đều hướng đến mục tiêu chung là vì HS và chất lượng giáo dục của đơn vị./.
Đặng Tuấn