Mỗi tiết dạy trực tuyến, giáo viên chuẩn bị kỹ để tiết học sinh động, thu hút học sinh và đạt hiệu quả
Mỗi trường có giải pháp dạy học trực tuyến phù hợp
Dạy và học trực tuyến tuy không còn xa lạ với GV và HS, nhưng để đạt hiệu quả cần sự nỗ lực rất lớn, đặc biệt là sự lãnh đạo, chỉ đạo của thủ trưởng đơn vị. Căn cứ vào tình hình thực tế, điều kiện về thiết bị phục vụ học trực tuyến, tinh thần học tập của HS, các trường có những giải pháp cụ thể, từng bước tháo gỡ khó khăn.
Ban Giám hiệu Trường THCS Lý Tự Trọng (TP.Tân An, tỉnh Long An) luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho GV, HS trong dạy và học trực tuyến. Trước và trong khi dạy học trực tuyến, trường tổ chức tập huấn kỹ cho GV về các thao tác, ứng dụng hỗ trợ, kỹ năng trong dạy học trực tuyến và tạo tài khoản không giới hạn thời gian cho mỗi GV để phục vụ dạy học trực tuyến.
Bên cạnh đó, trường chuẩn bị 12 phòng có đầy đủ thiết bị phục vụ dạy học trực tuyến; nâng cấp wifi để GV sử dụng nếu ở nhà thiếu thiết bị dạy học hoặc đường truyền Internet yếu. Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng - Lê Phát Hiển cho biết: “Lúc đầu, một số GV còn ngại khi dạy trực tuyến, tuy nhiên, sau khi tập huấn, đặc biệt là Tổ Tin học của trường theo sát hướng dẫn, hỗ trợ trong quá trình giảng dạy nên thầy, cô dần quen và thuần thục các thao tác; đồng thời, vận dụng hiệu quả các công cụ của phần mềm để giúp tiết học thêm sinh động, hấp dẫn”.
Trường THCS Lý Tự Trọng (TP.Tân An) trang bị đầy đủ thiết bị phục vụ dạy học trực tuyến cho giáo viên tại trường khi giáo viên cần
Không chỉ nỗ lực hỗ trợ GV, trường còn quan tâm điều kiện học tập trực tuyến của HS. Theo đó, trường có 2 HS lớp 6 không có thiết bị học trực tuyến. Sau khi thống nhất với phụ huynh, trường bố trí 2 phòng học có đầy đủ thiết bị học trực tuyến để các em học tại trường.
Ngoài ra, Ban Giám hiệu nhà trường cũng tham gia vào các nhóm Zalo của các lớp để kịp thời nắm bắt tình hình, phản ánh của HS và phụ huynh HS (nếu có).
Học sinh không có thiết bị phục vụ học trực tuyến được Trường THCS Lý Tự Trọng bố trí phòng học riêng tại trường với 1 học sinh/phòng
Còn Trường THPT Hùng Vương (TP.Tân An) chủ động xây dựng phương án dạy học linh hoạt, hiệu quả nhằm thực hiện phương châm “tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học”. Phó
Hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương - Đỗ Thành Hưng cho biết: “Trường phân nhóm theo điều kiện học tập của HS. Mỗi nhóm, trường có những biện pháp hỗ trợ, hình thức chuyển giao nhiệm vụ học tập và nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập của HS phù hợp, trong đó, đặc biệt quan tâm HS trung bình, yếu và HS gặp khó khăn về thiết bị phục vụ học trực tuyến, từ đó có những giải pháp hỗ trợ các em”.
Bên cạnh học trực tuyến với GV của trường, trường còn thông tin đến HS về khung giờ phát sóng dạy học trên truyền hình; hướng dẫn các em cách khai thác và sử dụng kho học liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo cũng như các hình thức học tập qua mạng khác;...
Thông qua hoạt động đó, trường mong muốn các em phát huy tinh thần tự học và mở rộng kiến thức dựa trên nền tảng do GV của trường cung cấp.
Giáo viên Trường THPT Hùng Vương (TP.Tân An) thường xuyên đặt câu hỏi trong lúc giảng dạy để tạo sự tương tác với học sinh
Mặc dù còn nhiều khó khăn trong dạy và học trực tuyến nhưng Trường THCS Tân Lập (huyện Mộc Hóa) cũng nỗ lực khắc phục với những giải pháp hiệu quả, phù hợp.
Theo đó, trường lập danh sách HS có hoàn cảnh khó khăn trình các cấp lãnh đạo để có hướng hỗ trợ. GV chủ động liên hệ phụ huynh HS, trình bày chủ trương của trường và thuyết phục phụ huynh HS phối hợp; đồng thời, tạo các nhóm Zalo, quay các video hướng dẫn các em vào link lớp học.
Trường hợp HS và phụ huynh HS không thực hiện được các thao tác để vào học trực tuyến, trường mời phụ huynh hoặc HS đến trường để GV hướng dẫn trực tiếp. Bên cạnh đó, GV hướng dẫn các em kỹ năng sử dụng công cụ, thiết bị phục vụ học trực tuyến để tương tác với GV trong quá trình học.
Riêng những HS không có điều kiện học trực tuyến, trường giới thiệu các trang học online, các video bài giảng trên YouTube, các kênh truyền hình,... và đặc biệt là chuẩn bị tài liệu giấy theo nội dung tiết học để phụ huynh HS đến trường nhận cho các em học. Trong quá trình học, các em có thắc mắc gì có thể liên hệ GV để được hướng dẫn, giải đáp.
Giáo viên nỗ lực trong dạy học trực tuyến
Gặp không ít khó khăn, nhất là các tình huống xảy ra trong thực tế dạy học trực tuyến nhưng các GV vẫn nỗ lực để tiết học đạt hiệu quả. Tùy theo trình độ và tinh thần học tập của HS, GV có những phương pháp dạy phù hợp.
Thầy Nguyễn Lê Thanh Nam - GV môn Tiếng Anh, Trường THPT Rạch Kiến (huyện Cần Đước), chia sẻ: “Khi dạy học trực tuyến, GV khó quan sát và kiểm tra việc học của HS nên sự tương tác giữa GV và HS còn hạn chế. Ngoài ra, đường truyền mạng đôi khi gặp trục trặc dẫn đến gián đoạn, ngắt quãng trong quá trình dạy và học.
Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn cho các em, dạy và học trực tuyến là giải pháp hiệu quả. Do vậy, tôi cố gắng khắc phục những khó khăn, tạo không khí học tập sôi động và thường xuyên đặt câu hỏi để HS chú tâm vào bài giảng, tiếp thu kiến thức mới”.
Theo thầy Nam, việc dạy học trực tuyến là cơ hội giúp GV tiếp cận và làm quen với ứng dụng công nghệ thông tin, từ đó bổ trợ cho bài giảng thêm sinh động và tạo được sự hứng thú với HS. Đây cũng là giải pháp hiệu quả để bảo đảm chất lượng dạy và học trực tuyến cho nhà trường.
Ngoài học trực tuyến với giáo viên của trường, học sinh còn học trên truyền hình
Để việc dạy học trực tuyến đạt hiệu quả, cô Nguyễn Thị Mỹ Lạc - GV môn Toán, Trường THCS Tân Lập, nỗ lực không ít. Cô Lạc chủ động trang bị thiết bị phục vụ dạy học trực tuyến để giảng dạy tại nhà. Trong quá trình giảng dạy, cô quan tâm đến từng HS, đặc biệt là về điều kiện học trực tuyến của HS.
Cô Lạc tâm sự: “Khó khăn nhất của HS là thiết bị phục vụ học trực tuyến. Đa số các em học bằng điện thoại nên màn hình, âm thanh nhỏ, khó khăn trong việc theo dõi bài giảng. Chưa kể, một số em sử dụng gói 3G, 4G nên đường truyền yếu, không ổn định, hay rớt mạng. Nhiều em lúng túng trong quá trình học bởi phần lớn phụ huynh HS không rành các thao tác để hướng dẫn các em học trực tuyến.
Với những khó khăn đó, tôi nỗ lực hướng dẫn các em sử dụng thuần thục phần mềm học trực tuyến; đồng thời, giảng lại kiến thức cho những em chưa hiểu, chưa nghe rõ. Sau giờ học, tôi cũng sẵn sàng hướng dẫn, giúp đỡ để các em nắm kỹ bài và biết cách làm bài tập”.
Được biết, tại Trường THCS Tân Lập, nhiều HS có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ đi làm xa, các em chưa được sự quan tâm đúng mức của gia đình. Do vậy, GV luôn chủ động và tìm mọi cách để hỗ trợ các em, đặc biệt vấn đề về học tập.
Tuy còn nhiều khó khăn nhưng các trường đã và đang làm tốt công tác dạy và học trực tuyến. Đó là sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của tập thể ban giám hiệu, GV và HS nhà trường.
Đây cũng là cơ hội để GV ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy và HS phát huy tinh thần tự học./.
Ngọc Thạch