Trường THPT Nguyễn Thông (huyện Châu Thành) đạt chuẩn quốc gia
Nỗ lực thực hiện
Xác định tầm quan trọng của việc đầu tư xây dựng trường đạt CQG, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020) đề ra chỉ tiêu đến cuối nhiệm kỳ, toàn tỉnh có trên 50% số trường đạt CQG. Nửa nhiệm kỳ qua, bên cạnh những thuận lợi, việc xây dựng trường đạt CQG vẫn còn một số khó khăn nhất định, nhưng với sự quyết tâm của toàn ngành, sự quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức, cá nhân và sự đồng thuận của xã hội nên kết quả mang lại rất khả quan.
Giám đốc Sở GD&ĐT - Nguyễn Thanh Tiệp cho biết: “Để được công nhận trường đạt CQG cần có thời gian và phải huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Nơi nào có sự quan tâm, tạo điều kiện tốt của cấp ủy, chính quyền, sự đoàn kết, chung sức, chung lòng của tập thể sư phạm thì trường học nơi đó sớm đạt danh hiệu trường CQG”. Hàng năm, công tác xây dựng trường CQG của ngành GD tỉnh đều đạt và vượt chỉ tiêu: Năm 2016 đạt 27,37% số trường (chỉ tiêu 20%); năm 2017 đạt 41,11% (chỉ tiêu 31,9%); năm học 2017-2018, trên địa bàn tỉnh có 666 trường học các cấp, trong đó có 301 trường đạt CQG, chiếm 45,2% (chỉ tiêu 40%). Theo dự kiến của Sở GD&ĐT, đến năm 2019, toàn tỉnh đạt 50% và đến năm 2020 sẽ có 52-55% số trường đạt CQG.
Đoàn kiểm tra thẩm định trường chuẩn quốc gia mức độ 1 của tỉnh làm việc tại huyện Đức Hòa
Trường được công nhận đạt CQG phải hội đủ 5 tiêu chuẩn có tính chất quyết định đến việc thực hiện chất lượng GD: Tổ chức và quản lý nhà trường; cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh; cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học; quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội; hoạt động GD và kết quả GD. Do đó, để xây dựng trường đạt CQG đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất lớn của tập thể sư phạm nhà trường và phấn đấu trong nhiều năm. Các trường đạt CQG được đầu tư xây dựng khang trang, khuôn viên rộng, thoáng mát, nhiều cây xanh, có tường xây bao quanh, bảng tên, cổng trường đúng quy cách, khu nhà đa năng đáp ứng yêu cầu các hoạt động GD. Nhà trường bảo đảm mỗi lớp có một phòng học riêng, các phòng đều được trang bị bàn, ghế, bảng, đèn chiếu sáng đúng quy cách; các phòng học chuyên môn, chuyên biệt: Âm nhạc, mỹ thuật, ngoại ngữ, tin học đạt yêu cầu với diện tích hơn 70m2; phòng thư viện được xây dựng hiện đại, có nhiều sách, báo, tài liệu tham khảo;...
Trường THPT Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa
Hiệu trưởng Trường THPT Hậu Nghĩa (huyện Đức Hòa) - Trần Văn Truyến cho biết: “Trường phấn đấu xây dựng trường đạt CQG từ lúc còn gặp nhiều khó khăn về đội ngũ, cơ sở vật chất,... Đến nay, trường được đầu tư xây dựng phòng học, phòng làm việc khang trang, thiết bị dạy học được trang cấp mang tính hiện đại, đáp ứng yêu cầu ngày một tốt hơn cho việc dạy và học, từ đó chất lượng GD được nâng lên đáng kể”. Qua đó, một lần nữa cho thấy mục đích của việc xây dựng trường đạt CQG nhằm mang lại môi trường học tập thuận lợi, tốt nhất cho những chủ nhân tương lai của đất nước.
Không chạy theo thành tích
Hiện nay, có ý kiến cho rằng thực tế có một số trường đạt CQG nhưng phòng học xuống cấp, khuôn viên chưa thật sự xanh, sạch, đẹp,... Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Tiệp cho biết, hiện tại, có một vài trường được công nhận đạt chuẩn của nhiều năm trước nên cần có sự đầu tư tiếp tục về cơ sở vật chất và môi trường sư phạm để được công nhận ở chu kỳ tiếp theo, tất nhiên vẫn bảo đảm các tiêu chí của các chuẩn. Ông Tiệp nhấn mạnh: “Sở luôn hỗ trợ để các trường đủ điều kiện công nhận trường đạt CQG, nhưng không dễ dãi, không hạ chuẩn, nếu nơi nào chưa đủ điều kiện thì kiên quyết không công nhận, không vì chạy theo thành tích mà cho nợ tiêu chuẩn. Các trường chưa đủ điều kiện công nhận trong năm nay thì phấn đấu hoàn thiện để được công nhận trong những năm sau”.
Giờ thực hành môn Hóa tại Trường THPT Hậu Nghĩa
Trong năm học 2017-2018 và 2018-2019, ngành GD tỉnh đã và đang tập trung giải quyết vấn đề trường lớp ở các khu, cụm công nghiệp bị quá tải do tình trạng tăng dân số cơ học. Đây là áp lực rất lớn đối với ngành, mặc dù vậy, công tác xây dựng trường đạt CQG vẫn luôn được quan tâm. Ngân sách địa phương và sự đóng góp của xã hội đã đầu tư rất nhiều để vừa xây dựng trường chuẩn các cấp, vừa giải quyết tình trạng quá tải về trường lớp ở các khu công nghiệp. Theo ghi nhận, phần lớn trường học được công nhận đạt CQG đều nằm ở vùng nông thôn, kể cả ở địa bàn vùng sâu, vùng xa. Điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước; đồng thời cũng là sự đầu tư đúng hướng để phát triển GD đối với những nơi khó khăn. Điểm thuận lợi của các trường vùng nông thôn là có quỹ đất lớn, số lượng học sinh ít nên cơ bản đáp ứng được các tiêu chí về diện tích khuôn viên nhà trường, cơ sở vật chất, sĩ số học sinh trên lớp,... Đối với khu vực thị trấn, khu đông dân cư ở các xã vùng thuận lợi do chưa đạt quy định về diện tích đất tính bình quân trên mỗi học sinh nên còn nhiều trường chưa đạt CQG mặc dù đã được sự quan tâm đầu tư rất lớn từ lãnh đạo ngành và địa phương.
Hiện nay, trường đạt CQG là một trong những tiêu chí quan trọng để hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Việc xây dựng trường đạt CQG mặc dù còn gặp nhiều khó khăn cần tháo gỡ trong thời gian tới nhưng với sự nỗ lực của ngành, quan tâm của cấp ủy, chính quyền, sự đồng thuận của nhân dân, tin rằng ngành GD&ĐT tỉnh sẽ đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra trong nửa nhiệm kỳ còn lại./.
Hoàng Lê