Chuẩn hóa cơ sở vật chất
Cơ sở vật chất đạt chuẩn là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng trường đạt CQG. Do đó, từ tỉnh đến địa phương đều lập kế hoạch, xây dựng lộ trình cụ thể trong đầu tư cơ sở vật chất nhằm xây dựng trường đạt CQG. Đặc biệt, trong 2,5 năm thực hiện chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020) về xây dựng trường đạt CQG, tỉnh có thêm bước tiến mới về chuẩn hóa cơ sở vật chất trường học. Theo đó, quy mô, mạng lưới trường lớp phát triển mạnh. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được tăng cường, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy học theo mục tiêu GD mới của các cấp học, từng bước đáp ứng nhu cầu xây dựng trường đạt CQG. Mỗi năm học, có nhiều phòng học, phòng chức năng được xây mới và đưa vào sử dụng, trong đó, năm học 2018-2019 có 231 phòng học mới được đưa vào sử dụng trong đợt khai giảng.
Trường đạt chuẩn quốc gia, học sinh được học tập trong điều kiện thuận lợi
Trường Mẫu giáo Mỹ Phú (xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa) là một trong những trường đang nỗ lực xây dựng trường đạt CQG trong năm 2018. Hiện trường được đầu tư xây dựng mới 3 phòng học, 8 phòng chức năng. Dự kiến cuối năm 2018, công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ngoài ra, trường còn chủ động sửa chữa la phông, nâng cấp sân trường, sơn lại toàn bộ phòng học và nhà ăn; đồng thời mua sắm trang thiết bị, phục vụ tốt công tác chăm sóc và GD trẻ trong năm học 2018-2019.
Hiệu trưởng Trường Mẫu Giáo Mỹ Phú - Ngô Thị Phước cho biết: “Được bổ sung về cơ sở vật chất, đặc biệt là các phòng chức năng, trường có thêm điều kiện thuận lợi trong công tác chăm sóc và GD trẻ. Nhờ vậy, trẻ sẽ được phát triển năng khiếu một cách tốt nhất khi tham gia học tại các phòng chức năng nghệ thuật, âm nhạc,...”.
Ngoài ra, các địa phương khác trong tỉnh cũng nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm chuẩn hóa cơ sở vật chất, xây dựng trường đạt CQG. Trưởng phòng GD và Đào tạo huyện Mộc Hóa - Phạm Thị Thái Thanh cho biết: “Xây dựng trường đạt CQG, Mộc Hóa đã và đang thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, huyện quy hoạch mạng lưới trường lớp theo hướng phát triển của trường CQG. Trường lớp, các cấp học tiếp tục phát triển về quy mô và từng bước có sự điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện địa lý, KT-XH của địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho HS đến trường, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới. Huyện cũng chú trọng thực hiện công tác xã hội hóa GD để có thêm nguồn lực xây dựng trường đạt CQG”.
Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên
Chuẩn hóa đội ngũ GV cũng là yếu tố quan trọng xây dựng trường đạt CQG. Do vậy, hàng năm, ngành GD tỉnh đều tổ chức nhiều lớp tập huấn cho cán bộ quản lý, GV, nhất là những lớp cập nhật, bổ sung kiến thức, phương pháp dạy học nhằm đáp ứng nhu cầu đổi mới trong dạy học hiện nay. Ngoài ra, các trường còn thực hiện đổi mới sinh hoạt chuyên môn, tổ chức dự giờ, thao giảng,…
Tại Trường THPT Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Hưng), ở mỗi tổ bộ môn, trường xây dựng một đến vài GV cốt cán. Những GV đó sẽ hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm với các GV còn lại trong tổ. Đặc biệt, trường thực hiện đổi mới sinh hoạt chuyên môn. Theo đó, các GV tham gia thảo luận bài giảng để soạn giáo án phù hợp với nội dung bài học, nhất là những bài có nội dung khó. Đó có thể là phương pháp nghiên cứu bài học, dạy tích hợp liên môn, dạy học gắn với hoạt động ngoại khóa,...
Giáo viên chú trọng việc thay đổi phương pháp dạy
Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Hưng - Nguyễn Thị Bé Hai chia sẻ: “Ngoài tạo điều kiện cho GV tham gia tập huấn, trường thường xuyên tổ chức các buổi dự giờ, giúp GV học hỏi, rút kinh nghiệm. Trường cũng tạo điều kiện và khuyến khích GV tham gia các cuộc thi về chuyên môn để cọ xát và thử sức mình. Bên cạnh đó, trường còn phát huy triệt để vai trò, trách nhiệm của mỗi GV, nhất là trong việc bồi dưỡng HS giỏi, củng cố kiến thức cho HS yếu, quan tâm HS có hoàn cảnh khó khăn, có nguy cơ bỏ học. Đây cũng là giải pháp nhằm nâng cao chất lượng GD, giảm tỷ lệ HS bỏ học, góp phần xây dựng trường đạt CQG trong thời gian tới”.
Trường THPT Rạch Kiến (huyện Cần Đước) cũng rất quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ GV. Trường luôn tạo điều kiện thuận lợi cho GV tự học tập nâng cao trình độ. Hiện trường có 10 GV có trình độ thạc sĩ, 2 GV đang học cao học. Tập thể GV nhà trường còn tự học, tự nghiên cứu kiến thức mới hàng ngày thông qua sách, Internet,... Nhờ vậy, GV mạnh dạn áp dụng nhiều phương pháp dạy học mới.
Thầy Nguyễn Thanh Hoàng - GV môn Toán, Trường THPT Rạch Kiến, bộc bạch: “Đáp ứng nhu cầu đổi mới của GD hiện nay, GV phải không ngừng học hỏi và đổi mới phương pháp giảng dạy. Tùy theo nội dung bài học, tôi áp dụng phương pháp đổi mới khác nhau. Trong đó, giải nhanh đề là một trong những phương pháp quan trọng và áp dụng thường xuyên; phương pháp dạy học gắn với thực tế, vận dụng kiến thức giải quyết các vấn đề thực tiễn có tác động mạnh mẽ trong việc thu hút sự chú ý, khơi gợi niềm say mê học toán của HS”.
Nhờ sự chuẩn hóa về cơ sở vật chất cũng như đội ngũ GV, HS có môi trường học tập thuận lợi, phát huy năng lực, sự sáng tạo của bản thân, góp phần nâng cao chất lượng GD của từng đơn vị nói riêng và toàn tỉnh nói chung./.
Qua gần 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020), tỉnh có 666 trường học từ mầm non đến phổ thông, tăng 21 trường so với năm 2015, trong đó có 301 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 45,2%, tăng 122 trường so với năm 2015. Cụ thể, mầm non có 69/224 trường (đạt 30,8%); tiểu học có 133/258 trường (đạt 51,55%); THCS có 88/136 trường (đạt 64,71%); THPT có 11/48 trường (đạt 22,92%). |
Ngọc Thạch