Tiếng Việt | English

07/02/2016 - 09:09

Nỗi lo an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp tết

Mỗi dịp tết đến, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng lên rất nhiều và đi liền với đó là nỗi lo về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Thời gian gần đây, qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta được biết nhiều nông dân, người kinh doanh vì muốn có lợi nhuận cao, bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, dùng hóa chất bảo quản thực phẩm gây bức xúc trong dư luận. Dù biết độc hại nhưng chúng ta vẫn phải mua, vẫn phải ăn, đặc biệt là những mặt hàng thịt, cá, rau, củ, quả,...


Thực phẩm bày bán được bảo quản ở những nơi đủ điều kiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm     Ảnh: Thanh Hiểu

Nỗi lo của người tiêu dùng

Những ngày Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 đang cận kề, người tiêu dùng lại một lần nữa bị rơi vào “ma trận” của thực phẩm sạch và bẩn. Liên tục trong thời gian qua, các cơ quan chức năng phát hiện nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng về VSATTP: Chất cấm trong chăn nuôi, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, củ, quả; bánh, mứt, kẹo, hạt dưa được nhuộm màu hoặc tẩm ướp những hóa chất độc hại,... Tuy nhiên, hằng ngày, người tiêu dùng vẫn phải ra chợ để lựa chọn nguyên liệu, với hy vọng có được những bữa cơm đủ dinh dưỡng và bảo đảm vệ sinh cho gia đình.

Theo chị Phan Cẩm Huỳnh, ngụ phường 6, TP.Tân An: “Hiện nay, vấn đề người tiêu dùng luôn lo ngại vẫn là thực phẩm không rõ nguồn gốc. Tại một số chợ ở TP.Tân An, tôi thấy nhiều loại bánh, kẹo, mứt,... được đóng trong các bao nylon hoặc bao tải trong tình trạng “3 không”: Không nguồn gốc, địa chỉ sản xuất; không nhãn mác; không hạn sử dụng nhưng vẫn được bày bán tràn lan”.

Còn chị Nguyễn Thị Thúy Liên, ngụ ấp 1, xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ chia sẻ: “Ngoài các mặt hàng bánh, kẹo, người tiêu dùng rất quan tâm các sản phẩm thịt heo, bò, gà, vịt,... không rõ nguồn gốc hay có sử dụng chất cấm, vì chúng ta rất khó phân biệt được bằng mắt thường. Mặt khác, nhiều cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm vẫn nằm ngoài tầm quản lý của cơ quan chức năng khiến cho thị trường tồn tại các loại thực phẩm không sạch. Vì vậy, ngành chức năng cần tăng cường quản lý, kiểm tra và xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm, tránh để những sản phẩm bẩn đến tay người tiêu dùng”.


Người tiêu dùng lo ngại thực phẩm không rõ nguồn gốc

Nâng cao đạo đức, ý thức của người kinh doanh

Để bảo đảm các nguồn thực phẩm an toàn, chất lượng phục vụ người dân, nhất là trong dịp tết, ngành chức năng thành lập đoàn thanh tra liên ngành tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tết, cơ sở giết mổ,... Từ đầu năm 2015 đến nay, ngành kiểm tra 1.805 lượt cơ sở, xử lý 284 trường hợp, phạt 1.056 triệu đồng, chủ yếu các lĩnh vực vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, bên cạnh việc các cơ quan chức năng ráo riết vào cuộc thì vấn đề tự ý thức và đề cao đạo đức của những người sản xuất, kinh doanh là yếu tố vô cùng quan trọng, quyết định chất lượng thực phẩm.

Chủ cửa hàng kinh doanh tạp hóa Hai Mận ở chợ phường 1, TP.Tân An cho rằng: “Có một thực trạng khá phổ biến hiện nay là nhiều cơ sở sản xuất chấp hành đầy đủ việc đăng ký, công bố tiêu chuẩn sản phẩm một đằng, nhưng đến khi sản xuất thì lại làm một nẻo. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở giết mổ lén lút nhập động vật không qua kiểm dịch. Chính vì vậy, ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác kiểm tra nhằm đánh giá tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm trên thị trường, khi phát hiện các sai phạm, phải xử lý nghiêm.

Tuy nhiên, trong “cuộc chiến” chống lại tình trạng mất VSATTP, thái độ của người tiêu dùng cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Nếu mọi người cùng đồng lòng tẩy chay các loại thực phẩm kém chất lượng, lựa chọn thực phẩm tại các cơ sở có uy tín, thực phẩm được kiểm định, có nguồn gốc rõ ràng thì sẽ an toàn hơn cho sức khỏe. Riêng cửa hàng của tôi, vào những dịp tết, kinh doanh bánh, kẹo rất nhiều. Để bảo đảm VSATTP cho người tiêu dùng, tôi đều lấy những mặt hàng có nhãn mác, hạn sử dụng và nguồn gốc rõ ràng”.


An toàn vệ sinh thực phẩm nỗi lo trong dịp tết

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Phạm Văn Đấu cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 6.038 cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm (trong đó, có 245 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm; 117 cơ sở kinh doanh thực phẩm; 5.194 cơ sở dịch vụ ăn uống; 381 bếp ăn tập thể; 101 cơ sở chế biến suất ăn sẵn).

Nhằm tăng cường công tác bảo đảm VSATTP trong dịp tết, hạn chế tối đa các vụ ngộ độc và bệnh truyền qua thực phẩm, Ban Chỉ đạo liên ngành về VSATTP tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm với mục tiêu nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc quản lý tình hình an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh, trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là các loại thực phẩm như: Bánh, mứt, kẹo, bia, rượu, nước giải khát, thịt, giò chả, thủy hải sản,... Đồng thời, vận động tối đa các kênh truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng đến người dân./.

Hải Phong

Chia sẻ bài viết