Ký ức hào hùng của Cách mạng Tháng Tám vẫn còn in đậm, vẹn nguyên trong tâm trí ông Nguyễn Văn Vương
Ký ức hào hùng
Vào một ngày đầu tháng 8, chúng tôi về xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ, được gặp và trò chuyện cùng ông Nguyễn Văn Vương (SN 1924), người từng đi qua các cuộc chiến tranh. Đã 76 năm trôi qua nhưng ký ức về cuộc Cách mạng Tháng Tám, những ngày đầu nổi dậy giành chính quyền vẫn nguyên vẹn trong tâm trí của người cán bộ tiền khởi nghĩa này. 98 tuổi đời, 75 năm tuổi Đảng, ông vẫn khỏe mạnh, đầu óc minh mẫn. Bên tách trà thơm, ông tự hào kể lại rành mạch về những ngày cùng nhân dân quanh vùng nổi dậy giành chính quyền từ tay thực dân, phong kiến. Theo lời kể của ông, trước Cách mạng Tháng Tám 1945, được sự bảo trợ của thực dân Pháp, ruộng đất bị bọn địa chủ chiếm hữu. Sống trong chế độ thực dân, phong kiến, người dân phải gánh chịu nhiều thứ thuế (thuế thân, thuế chợ, thuế đò, thuế cư trú,...). Người dân không có tiền đóng thuế thì bị hội tề bắt nhốt, đánh đập, nhiều người phải bỏ xứ đi nơi khác.
Với tinh thần yêu nước, thương dân, bức xúc trước sự đàn áp dã man của chính quyền thực dân, chàng trai Nguyễn Văn Vương khi ấy chỉ mới
20 tuổi đã sớm giác ngộ tinh thần cách mạng, nhiều lần cùng người dân trong vùng đứng lên đấu tranh. Cũng như nhiều người dân khác, ông nuôi giấu các chiến sĩ cách mạng, giữ bí mật, bảo vệ cán bộ, bảo vệ cơ sở nuôi dưỡng phong trào đấu tranh chống lại bọn thực dân, phong kiến. Sau đó, ông được các cán bộ cách mạng tin tưởng giao nhiệm vụ cảnh giới, phát giác mật thám; đồng thời, thâm nhập tuyên truyền cách mạng cho người dân. Ông được kết nạp Đảng khi tuổi đời còn khá trẻ (23 tuổi).
Sau Cách mạng Tháng Tám, năm 1955, ông Vương được giao nhiệm vụ Phó ban căn cứ tỉnh (xây dựng địa bàn căn cứ vùng hạ). Ông tiếp tục hoạt động cách mạng và bị địch bắt, đày ra nhà tù Côn Đảo năm 1958, đến năm 1973 được trả tự do.
Ông kinh qua nhiều vị trí công tác: Nguyên Bí thư Huyện ủy Tân Trụ, nguyên Giám đốc Sở Thủy lợi (nay là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An),... Trong quá trình tham gia cách mạng, ông cống hiến nhiều công lao to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta, được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương cao quý như Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất,…
Ông Vương là một trong số ít nhân chứng còn lại của địa phương từng chứng kiến những ngày tháng Tám mùa thu lịch sử. Trân trọng biết bao những người đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, vì hòa bình, độc lập hôm nay của quê hương!
Tiếp bước cha anh
Đại tá Trần Vinh Ngọc - Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, cho biết: Kế thừa truyền thống cách mạng và bề dày truyền thống lịch sử của Quân đội nhân dân Việt Nam, cũng như phát huy những thành tích mà quân và dân tỉnh nhà giành được trong kháng chiến, thời gian qua, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đề ra nhiều nội dung, biện pháp toàn diện trên các mặt công tác. Đơn vị chủ động tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh lãnh, chỉ đạo, điều hành công tác quân sự, quốc phòng địa phương, xây dựng “thế trận lòng dân”, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng, xây dựng khu vực phòng thủ, chú trọng xây dựng quốc phòng toàn dân và LLVT nhân dân vững mạnh, sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Phát huy truyền thống “Trung thành vô hạn, chủ động sáng tạo, bám trụ kiên cường, đoàn kết quyết thắng”, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thường xuyên quán triệt sâu sắc đường lối quân sự của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên; kịp thời tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng 20 chốt dân quân trên tuyến biên giới; triển khai, thực hiện hiệu quả Đề án của Quân khu 7 về xây dựng điểm dân cư liền kề các chốt dân quân biên giới; xây dựng các khu căn cứ hậu cần kỹ thuật; tham mưu xử lý các tình huống xảy ra, không để tạo thành điểm nóng trên địa bàn. Thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ. Triển khai và thực hiện hiệu quả Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”.
Xây dựng nền quốc phòng toàn dân và lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới (Ảnh tư liệu)
Hàng năm, cơ quan quân sự các cấp tổ chức huấn luyện, giáo dục chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ cho toàn lực lượng theo đúng chỉ tiêu, mệnh lệnh của cấp trên, bám sát phương châm huấn luyện “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện với rèn luyện kỷ luật, xây dựng nề nếp chính quy, thường xuyên phối hợp các lực lượng tổ chức các cuộc diễn tập khu vực phòng thủ các cấp, duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu.
Với những thành tích đã đạt, thời gian qua, LLVT tỉnh được Bộ Quốc phòng tặng Cờ thi đua xuất sắc trong phong trào thi đua Quyết thắng toàn quân giai đoạn 2015-2020, Thủ tướng Chính phủ tặng cờ thi đua xuất sắc 3 năm liên tục (2018-2020), Chủ tịch nước trao tặng Huân chương hạng 2 vì đã có thành tích trong sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
“Trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, LLVT tỉnh luôn phát huy cao độ truyền thống cách mạng, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua Quyết thắng kết hợp với phong trào thi đua yêu nước của tỉnh, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, bảo đảm cho LLVT tỉnh hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; đặc biệt chủ động phòng, chống dịch Covid-19; thực hiện tốt nhiệm vụ diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh, huyện. Tăng cường công tác quản lý, rèn luyện bộ đội, không để xảy ra vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, mất an toàn giao thông, đẩy mạnh xây dựng chính quy ở các cấp…” - Đại tá Trần Vinh Ngọc cho biết thêm./.
Văn Đát