Tiếng Việt | English

28/06/2021 - 15:40

Phát huy truyền thống gia đình

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng, vợ chồng ông Nguyễn Văn Bình (82 tuổi) và bà Nguyễn Thị Yến, ngụ ấp 1, xã Tân Thành, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An luôn giữ gìn, phát huy truyền thống cách mạng của gia đình; đồng thời, trao những điều tốt đẹp nhất cho các thế hệ con, cháu.

Ông Bình, bà Yến tự hào về truyền thống của gia đình

Ông Bình, bà Yến tự hào về truyền thống của gia đình

Nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), chúng tôi được UBND xã Tân Thành giới thiệu về gia đình ông Nguyễn Văn Bình và bà Nguyễn Thị Yến vừa nhận Bằng khen của UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa giai đoạn 2000-2020. Theo chân cán bộ Văn hóa xã, chúng tôi đến nhà ông Bình. Ấn tượng đầu tiên với chúng tôi là căn nhà nhỏ nằm giữa vườn cây ăn trái trĩu quả xen lẫn là tiếng vui đùa của trẻ thơ.

Tại đây, chúng tôi được vợ chồng ông Bình kể cho nghe về truyền thống cách mạng của gia đình được giữ gìn và phát huy đến hôm nay bằng giọng đầy tự hào và nhiệt huyết. Ông Bình kể: “Bây giờ, tôi đã lên chức ông cố rồi, con cháu tôi đứa nào cũng có của ăn, của để, nghề nghiệp ổn định; đồng thời, đóng góp tích cực cho các hoạt động an sinh xã hội ở địa phương như xây cầu, nhà tình thương, tặng quà cho người nghèo,… Riêng bản thân tôi với vai trò Chủ tịch Hội Khuyến học trong giai đoạn 2015-2020 đã vận động nhà hảo tâm đóng góp cho các hoạt động khuyến học, khuyến tài trên 2 tỉ đồng. Còn vợ tôi đang là thành viên của Chi hội Phụ nữ ấp 1, thường đi vận động người dân trồng hoa, hiến đất, ngày công xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn, góp phần giữ vững ấp văn hóa nhiều năm liền”.

82 tuổi - cái tuổi đáng lẽ phải được nghỉ ngơi, thế nhưng vợ chồng ông Bình vẫn sống đầy trách nhiệm với quê hương, đất nước. Và đây cũng là cách vợ chồng ông giáo dục truyền thống, nề nếp gia đình cho thế hệ con cháu trong gia đình. Bà Yến nói: “Vợ chồng tôi đều là người có công với cách mạng nên hiểu được sự hy sinh, mất mát của thế hệ cha ông đi trước cho nền hòa bình, độc lập dân tộc hôm nay. Do đó, tôi luôn khuyên răn con cháu phải học thật giỏi để trở thành người có ích xã hội”.

Trò chuyện cùng ông bà, chúng tôi khá bất ngờ khi biết trong một lần qua tỉnh Tiền Giang thăm người quen, ông Bình thấy đứa trẻ 5 tuổi đi lạc ở bến xe đang khóc vì không tìm được cha mẹ. Thấy vậy, ông cùng người dân đi tìm cha mẹ cho đứa trẻ nhưng tìm mãi không được. Thương hoàn cảnh đứa trẻ, ông đã dẫn về nhà làm con nuôi dù kinh tế gia đình lúc đó cũng rất khó khăn. Anh Nguyễn Văn Hoàng (con nuôi ông Bình) chia sẻ: “Khi nhận tôi làm con nuôi, cha mẹ quan tâm, chăm sóc không khác 3 người chị trong gia đình. Những lúc bị bạn bè giễu cợt chỉ là con nuôi, tôi luôn được cha mẹ đứng ra bênh vực và dùng tình thương để bù đắp. Từ lâu, tôi xem cha mẹ nuôi như cha mẹ ruột, hết lòng hiếu thảo”.

Giờ đây, con cháu của ông Bình, bà Yến người là chủ một doanh nghiệp lớn, người là giáo viên,… Song, không phân biệt giàu, nghèo, nghề nghiệp, đến hẹn lại lên, cứ vào ngày 30/4 và Tết Nguyên đán, con cháu tụ họp về gia đình ăn bữa cơm đoàn viên. Trong ngày tụ họp, con cháu sẽ kể cho nhau nghe về những chuyện buồn, vui trong cuộc sống, còn ông Bình, bà Yến sẽ giáo dục, nhắc nhở con cháu phải sống biết yêu thương, chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau. Đây là cách gia đình ông Bình, bà Yến duy trì ngọn lửa yêu thương qua nhiều thế hệ.

Bằng tình yêu thương, sẻ chia và trái tim nhân ái, vợ chồng ông Bình, bà Yến luôn trao những điều tốt đẹp nhất cho các thế hệ con cháu. Điều này càng khẳng định, gia đình ông Bình, bà Yến xứng đáng là gia đình văn hóa tiêu biểu nhiều năm liền để các gia đình khác noi theo./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích