Tiếng Việt | English

03/11/2020 - 22:30

Nông dân dám nghĩ, dám làm

Hơn 6 năm trước, nông dân trên địa bàn huyện Tân Trụ, tỉnh Long An đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nhất là ở những vùng đất trồng lúa kém hiệu quả. Trong khi nhiều nông dân Tân Trụ chọn trồng thanh long vì phù hợp với thổ nhưỡng và có giá trị kinh tế cao thì ông Đỗ Tấn Bình (SN 1959, ngụ ấp Bình Đông, xã Tân Bình) lại quyết định trồng bưởi da xanh.

Vườn bưởi giúp ông Đỗ Tấn Bình nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình

Vườn bưởi giúp ông Đỗ Tấn Bình nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình

Nghĩ là làm, ông Bình cải tạo 0,4ha đất ruộng và vườn tạp quanh nhà để trồng 300 gốc bưởi da xanh với chi phí đầu tư ban đầu khoảng 20 triệu đồng/0,1ha.

Bước đầu chuyển sang canh tác bưởi, gặp không ít khó khăn về kỹ thuật nên ông thường xuyên đi học hỏi người quen trồng bưởi ở tỉnh Bến Tre, tham gia các lớp tập huấn trồng bưởi do tỉnh, huyện tổ chức. Sau đó, ông trồng xen 350 gốc ổi nữ hoàng để hạn chế bệnh, sinh vật gây hại cho vườn bưởi.

Cùng với đó, ông tận dụng diện tích mương nước giữa các liếp để thả cá. Hiện nay, vườn bưởi của ông được 5 năm tuổi, đang trong giai đoạn thu lợi nhuận.

Ông Bình cho biết: “Hơn 2 năm nay, tôi thu hoạch bưởi từ 3-4 đợt/năm, thu lợi nhuận trên 200 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa”. Với hiệu quả từ mô hình, nhiều năm liền, ông đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh, huyện.

Bà Phạm Thị Lan Châu - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Bình, cho biết: Ông Bình rất chịu khó học hỏi kỹ thuật trồng bưởi, khi đã nắm vững kinh nghiệm trồng, ông nhiệt tình chia sẻ với những người muốn trồng bưởi. Hiện ông là Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng bưởi da xanh của xã Tân Bình, có 9 thành viên trồng 9,6ha bưởi. Mô hình trồng bưởi phát huy hiệu quả kinh tế trên vùng đất lúa kém hiệu quả./.

Kim Tuyền

Chia sẻ bài viết