Trúng mùa, được giá
5ha lúa OM18 được ông Nguyễn Hữu Trí (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng) gieo sạ trong vụ HT năm nay vừa cho thu hoạch. Nhờ thời tiết tương đối thuận lợi, sâu, bệnh gây hại ít, năng suất đạt gần 7 tấn/ha. Với giá 6.400 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí, ông có lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng/ha. Ông Trí chia sẻ: “So với vụ HT năm 2022, năm nay, năng suất và giá lúa đều tăng, nông dân có lợi nhuận cao”.
Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tân Hưng, vụ HT 2023, toàn huyện xuống giống gần 37.000ha, đến nay, đã thu hoạch trên 20.000ha, giá bán dao động từ 6.200-7.600 đồng/kg, tùy từng loại giống và thời điểm bán. So với vụ HT 2022, giá lúa năm nay tăng từ 300-1.000 đồng/kg. Nông dân có lợi nhuận từ 15-20 triệu đồng/ha.
Toàn tỉnh đã thu hoạch gần 60.000ha lúa Hè Thu 2023
Vừa thu hoạch xong 1,5ha lúa HT 2023, anh Nguyễn Văn Lợi (xã Thạnh Hưng, huyện Tân Hưng) cho biết: Gia đình tôi vừa thu hoạch lúa cách nay vài ngày, vụ này nhờ thời tiết thuận lợi, sâu, bệnh gây hại ít nên năng suất đạt hơn 6,5 tấn/ha, với giá bán 6.700 đồng/kg (cao hơn 1.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước), sau khi trừ chi phí, lợi nhuận còn hơn 20 triệu đồng/ha.
Tại huyện Vĩnh Hưng, nông dân trên địa bàn huyện cũng đang tất bật thu hoạch lúa HT 2023. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, toàn huyện đã thu hoạch được 6.000ha lúa HT. Thời tiết thuận lợi, giá vật tư nông nghiệp giảm nên nông dân rất phấn khởi. Số diện tích lúa đã thu hoạch đạt năng suất từ 6,2-7,3 tấn/ha, giá bán lúa dao động từ 6.200 - 7.100 đồng/kg, tùy từng loại giống.
Ông Đỗ Thành Trí (xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng) bộc bạch: “Vụ này, lúa có giá và năng suất tương đối cao nên tôi và nhiều hộ dân ở đây có lợi nhuận từ 15-20 triệu đồng/ha, cao hơn so cùng kỳ. Với trên 2ha sạ giống OM18, tôi thu hoạch trên 6,5 tấn lúa, tăng hơn 1 tấn so với vụ HT 2022. Lúa ngay sau thu hoạch bán với giá 6.800 đồng/kg, cao hơn khoảng 1.000 đồng/kg so với vụ HT 2022”.
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng - Lê Quốc Bổn thông tin: Hiện diện tích lúa HT 2023 còn lại trong giai đoạn trổ, chín, nông dân đang tích cực chăm sóc. Ngành Nông nghiệp huyện khuyến cáo nông dân cần thường xuyên thăm đồng, kịp thời phát hiện sâu, bệnh để có biện pháp phòng trừ bảo đảm năng suất trong vụ HT năm nay. Bên cạnh đó, trước những diễn biến phức tạp của tình hình thời tiết, nhất là ảnh hưởng của những cơn bão, ấp thấp nhiệt đới,... nông dân cần tập trung thu hoạch nhanh, gọn diện tích lúa chín, tránh tình trạng lúa bị ngã do mưa sẽ gây thất thoát và tăng chi phí khi thu hoạch.
Nông dân phấn khởi thu hoạch lúa Hè Thu vì trúng mùa, được giá
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh đã thu hoạch được gần 60.000ha lúa HT 2023, năng suất ước đạt 64,3 tạ/ha, sản lượng gần 400.000 tấn. Tuy nhiên, do mưa, bão, nhiều ngày qua, nông dân thu hoạch lúa HT bị ảnh hưởng. Theo thống kê, toàn tỉnh có gần 4.800ha lúa ở huyện: Vĩnh Hưng, Thạnh Hóa, thị xã Kiến Tường,... bị ngã.
Anh Nguyễn Hữu Cầu (xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng) cho biết, 5ha lúa của gia đình anh chuẩn bị thu hoạch thì gặp mưa lớn, chi phí thu hoạch vì vậy mà tăng thêm khoảng 200.000 đồng/ha. Cũng gặp tình trạng tương tự như anh Cầu, anh Trần Văn Nhàn (xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng) chia sẻ: “Trước ngày thu hoạch thì gặp mưa lớn, gần 2ha lúa giống OM5451 của gia đình tôi bị ngã. Tuy diện tích lúa bị ngã không nhiều nhưng vẫn phải chịu thêm chi phí cho máy cắt, năng suất lúa cũng giảm do thất thoát trong thu hoạch. Vụ này, năng suất lúa của gia đình tôi chỉ đạt 6 tấn/ha, bán với giá 6.700 đồng/kg, lợi nhuận khoảng 15 triệu đồng/ha”.
Còn tại các huyện phía Nam, nhiều diện tích lúa HT 2023 gieo sạ sớm cũng đã bắt đầu thu hoạch. Ông Lê Văn Đúng (xã Tân Bửu, huyện Bến Lức) tâm sự: “Vụ HT này, tôi trồng 1,5ha lúa giống ST24. Thời tiết thuận lợi cộng với việc áp dụng các kiến thức đã học từ lớp IPM giúp tôi giảm chi phí sản xuất gần 7 triệu đồng. Tôi ước tính, vụ này, năng suất lúa đạt khoảng 7 tấn/ha, sau khi trừ chi phí, tôi còn lợi nhuận trên 20 triệu đồng/ha”.
Tập trung chăm sóc, phòng, trừ sâu, bệnh
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình sâu, bệnh thời gian gần đây có chiều hướng giảm: Bệnh cháy bìa lá tổng diện tích nhiễm trên đồng ruộng hiện nay là 1.698ha (giảm 222ha so với tuần trước), tỷ lệ nhiễm phổ biến từ 10-15%, tập trung chủ yếu trên trà lúa giai đoạn đòng trổ ở các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Thạnh Hóa, Thủ Thừa, Đức Huệ, thị xã Kiến Tường và TP.Tân An.
Ngoài ra, còn có các đối tượng sinh vật gây hại như bệnh lem lép hạt (795ha), bệnh khô vằn (645ha), bệnh đạo ôn cổ bông (351ha), bệnh vàng lá chín sớm (335ha), rầy phấn trắng (287ha), chuột (285ha), rầy nâu (220ha), sâu đục thân (87ha), sâu cuốn lá nhỏ (70ha), ngộ độc phèn (40ha),... xuất hiện trên lúa giai đoạn đẻ nhánh, đòng trổ ở hầu hết các địa phương.
Nông dân chăm sóc lúa Hè Thu 2023
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tiến Phát (xã Thuận Nghĩa Hòa, huyện Thạnh Hóa) cho biết: “Toàn hợp tác xã có 50ha lúa, trong đó, có 36ha sản xuất lúa giống (giống IR4625) cho Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh. Hiện các trà lúa trong giai đoạn đòng trổ, đây là giai đoạn rất dễ bùng phát các loại dịch bệnh nên tôi và các thành viên hợp tác xã đã chủ động phòng bệnh cho lúa”.
Theo dự báo của ngành Nông nghiệp tỉnh, các loại sâu, bệnh như bệnh đạo ôn lá, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, rầy nâu, chuột, rầy phấn trắng,... có khả năng gia tăng diện tích nhiễm trên các trà lúa giai đoạn đẻ nhánh. Bệnh cháy bìa lá, đạo ôn cổ bông, lem lép hạt, vàng lá chín sớm,... có khả năng gia tăng diện tích nhiễm trên các trà lúa giai đoạn đòng trổ, trổ chín.
Bên cạnh lúa HT, tại một số huyện, nông dân đã gieo sạ vụ lúa Thu Đông (TĐ) 2023 ngay sau khi thu hoạch lúa HT sớm. Đến nay, toàn tỉnh gieo sạ 38.256ha lúa TĐ, tập trung ở các huyện: Tân Hưng, Tân Thạnh, Thạnh Hóa và thị xã Kiến Tường. Do đang vào mùa mưa nên các sinh vật gây hại trên cây lúa dễ phát sinh, phát triển, nhất là các loại sâu, bệnh: Đạo ôn lá, cháy bìa lá, rầy nâu,...
Nông dân cần chủ động phòng, trừ sâu, bệnh trên lúa Hè Thu và Thu Đông
Để vụ lúa HT và TĐ 2023 đạt thắng lợi, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh đề nghị các địa phương tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng một số sinh vật gây hại trên cây lúa và biện pháp phòng, trừ.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện thông tin: “Đối với sản xuất lúa vụ TĐ 2023, căn cứ điều kiện của từng địa phương, linh hoạt điều chỉnh theo tình hình thực tế để xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể. Phấn đấu sản lượng lúa vụ TĐ của tỉnh đạt 285.800 tấn, trong đó, các huyện vùng Đồng Tháp Mười đạt 230.300 tấn và các huyện phía Nam đạt 55.500 tấn.
Theo đó, vùng có đê bao, vùng gò tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh, vụ TĐ cần xuống giống vào cuối tháng 5, tháng 6 và 7 với diện tích khoảng 35.200ha. Còn tại các huyện phía Nam, cần gieo sạ vụ TĐ từ giữa tháng 8 và kết thúc trước ngày 20-9-2023 với diện tích khoảng 22.000ha.
Khi bố trí thời vụ gieo sạ lúa TĐ 2023, các địa phương cần lưu ý không để ảnh hưởng đến gieo sạ lúa vụ Đông Xuân 2023-2024; đồng thời, nên ưu tiên sử dụng những giống lúa có tính chống chịu với rầy nâu, vàng lùn và lùn xoắn lá, bệnh cháy lá, cháy bìa lá và có độ cứng cây để hạn chế bị ngã.
Riêng các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh cần chủ động đề phòng khả năng có lũ sớm gây ngập úng cục bộ; các địa phương tăng cường vận động người dân không tiếp tục gieo sạ lúa TĐ ở những nơi không có đê bao an toàn, tập trung cày đất ngâm lũ chuẩn bị sản xuất vụ Đông Xuân 2023-2024”./.
Bùi Tùng