Tiếng Việt | English

26/07/2021 - 13:35

Nông dân "trông mưa, trông nắng,..." để sản xuất hiệu quả

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)), vụ mùa và vụ Thu Đông ở các tỉnh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (trong đó có Long An) được dự báo sẽ bị đe dọa và ảnh hưởng lớn bởi các hiện tượng thiên tai: Mưa, bão, lũ, triều cường,... Do đó, ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân chủ động theo dõi thông tin dự báo khí tượng, thủy văn để sản xuất nông nghiệp hiệu quả.

Thiên tai vẫn gây thiệt hại nặng

Mùa khô năm 2020-2021, hạn, xâm nhập mặn xảy ra làm thiệt hại khoảng 165ha lúa tại huyện Bến Lức, Thủ Thừa. Các diện tích này hầu hết đều do người dân tự ý gieo sạ ngoài lịch khuyến cáo của ngành Nông nghiệp huyện. Ước tổng thiệt hại trên 1,06 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, có khoảng 160ha mạ non của người dân thuộc một số ấp của xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước bị phèn, mặn nên mất trắng. Nguyên nhân được ngành chức năng xác định là người dân chủ quan, tự phát gieo sạ sớm, không theo đúng lịch thời vụ và không phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cần Đước - Nguyễn Hồng Chương cho biết: “Long Hựu Đông là xã vùng hạ của huyện, có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt chỉ sản xuất được lúa mùa (từ tháng 7, 8 hàng năm) nhưng vừa qua, do đầu mùa có những cơn mưa sớm, người dân chủ quan và tự phát gieo sạ dẫn đến thiệt hại”.

Nông dân tích cực chăm sóc lúa Thu Đông. Ảnh: Bùi Tùng

6 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 8 điểm sạt lở tại các huyện: Châu Thành (2 điểm), Bến Lức, Cần Đước, Tân Trụ, Thạnh Hóa, thị xã Kiến Tường, TP.Tân An (mỗi địa phương 1 điểm) làm 6 căn nhà nằm sát bờ sông bị hư hại, sụp lún, sạt lở xuống sông Vàm Cỏ Tây; tổng chiều dài sạt, lở của các điểm ước khoảng 470m, diện tích khoảng 2.000m2; làm thiệt hại nhiều tài sản, mất hàng ngàn khối đất, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân.

Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phát triển nông thôn tỉnh - Võ Kim Thuần cho biết: “Tại các địa phương bị thiệt hại, ảnh hưởng do thiên tai đã được UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn kịp thời hỗ trợ kinh phí cho người dân,… Mùa mưa, bão, lũ, triều cường năm nay rất cần sự tập trung thực hiện của các ban, ngành, địa phương trong công tác phòng, tránh thiên tai, nhằm hạn chế ảnh hưởng tính mạng, tài sản và sản xuất nông nghiệp”.

Theo kế hoạch, vụ lúa Thu Đông 2021, toàn tỉnh gieo sạ 45.600ha, đến nay xuống giống được hơn 34.000ha. Lúa đang trong giai đoạn mạ đẻ nhánh, phát triển khá tốt, ít sâu, bệnh. Vụ lúa này, ngành Nông nghiệp tỉnh chỉ đạo các địa phương tăng cường ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, với mục tiêu hạn chế tác hại do thiên tai, giảm giá thành và nâng cao chất lượng nông sản.

Đề phòng lũ về sớm

Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, lũ thượng nguồn sông Mekong năm nay sẽ về sớm, với dự báo lưu lượng cao hơn so với những năm gần đây. Theo đó, cuối tháng 7/2021, mực nước dự báo đạt 2-3m tại Tân Châu, mực nước lũ đầu vụ không cao, chỉ tập trung ở các huyện đầu nguồn của tỉnh An Giang và Ðồng Tháp.

Dự báo đến giữa tháng 8, mực nước lớn nhất có thể đạt từ 2,5-2,8m, với mức lũ đầu vụ như dự báo, ít có nguy cơ ảnh hưởng đến các diện tích sản xuất trong đê bao. Tuy nhiên, các diện tích sản xuất ngoài đê bao có nguy cơ bị ảnh hưởng, do đó, các địa phương cần xem xét và điều chỉnh lịch thời vụ xuống giống lúa Thu Đông thích hợp để phòng ngừa lũ xuất hiện sớm, gây ảnh hưởng đến sản xuất.

Các địa phương cần chủ động gia cố đê bao, phòng lũ về sớm

Khoảng cuối tháng 9 và đầu tháng 10/2021, lũ chính vụ sẽ xuất hiện ở Ðồng bằng sông Cửu Long. Mực nước đỉnh lũ tại Tân Châu xấp xỉ trung bình nhiều năm, cao nhất có thể đạt 3,8m, xấp xỉ đỉnh lũ năm 2019, cao hơn đỉnh lũ năm 2020 khoảng 0,5-0,9m.

Tại các huyện đầu nguồn của tỉnh An Giang, Ðồng Tháp, mực nước có thể diễn biến từ 3,4-4,3m, những khu vực khác mực nước lớn nhất dưới 3,4m. Nhìn chung, với mức lũ này, khả năng hệ thống đê bao, bờ bao vẫn bảo đảm sản xuất, tuy nhiên cần gia cố các ô bao, bờ bao. Cùng với đó, triều cường những tháng này cũng được dự báo ở mức cao và khi kết hợp với lũ sẽ có nguy cơ gây mất an toàn đối với một số khu vực sản xuất thuộc vùng giữa và vùng ven biển Ðồng bằng sông Cửu Long.

Anh Nguyễn Văn Bình, ngụ xã Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng, chia sẻ: “Sau khi thu hoạch lúa Hè Thu sớm, gia đình tôi đã cày ải và phơi đất 3 tuần trước khi gieo sạ vụ Thu Đông. Vụ này được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh và nguy cơ lũ về sớm, vì vậy, gia đình tôi đang thận trọng trong việc sản xuất cũng như thường xuyên cập nhật tình hình thủy văn để chủ động ứng phó kịp thời”.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Chí Thiện cho biết: “Các địa phương sản xuất vụ mùa, vụ Thu Đông cần theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn do các cơ quan chuyên ngành cung cấp; thông tin dự báo nguồn nước, chất lượng nước, ngập lũ nội đồng do các cơ quan chuyên môn cung cấp để chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó, phù hợp với tình hình của địa phương. Ngoài ra, các địa phương cũng cần thực hiện nghiêm các phương án phòng, chống ngập, úng nhằm chủ động ứng phó, bảo vệ sản xuất nông nghiệp,...”./.

B.Tùng

Chia sẻ bài viết