Tiếng Việt | English

08/03/2017 - 19:14

Nông dân Việt Nam sản xuất lúa gạo bền vững theo chuẩn quốc tế

Thu hoạch lúa Đông Xuân ở quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Ngày 08/3, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tập đoàn Lộc Trời phối hợp với Công ty Tài chính quốc tế (IFC) - thành viên của Ngân hàng Thế giới tổ chức lễ khởi động Chương trình sản xuất lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế tại Việt Nam.

Chương trình này do Chính phủ Canada tài trợ vốn thông qua IFC, nhằm mở rộng việc áp dụng các tiêu chuẩn canh tác nông nghiệp bền vững, gia tăng lợi nhuận cho nông dân và giá trị hạt gạo xuất khẩu.

Theo đó, trong 2 năm tới, IFC sẽ hỗ trợ Lộc Trời thực hiện sản xuất lúa gạo theo đúng bộ tiêu chuẩn của Diễn đàn lúa gạo bền vững quốc tế (SRP) cùng với sự tham gia điều phối về kỹ thuật của các nhà khoa học đến từ Viện nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI).

Khoảng 4.000 nông dân ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ được tập huấn về các tập quán canh tác mới nhằm nâng cao chất lượng, năng suất sản xuất.

Theo ông Joey Janiya, chuyên gia cấp cao của IRRI, với 46 tiêu chí và 8 chủ đề, bộ tiêu chuẩn canh tác của SRP khá khó khăn cho nông dân khi áp dụng.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm nhiều năm đã tham gia sản xuất trong mô hình chuỗi lúa gạo khép kín của Tập đoàn Lộc Trời, nông dân Việt Nam đã nhanh chóng làm theo và làm tốt.

Từ đó, tiết giảm chi phí sản xuất, gia tăng lợi nhuận khi chất lượng hạt gạo được cải thiện, tăng cường sử dụng hiệu quả tài nguyên đất và nước.

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời cho biết, chương trình này không chỉ giúp doanh nghiệp tạo ra sản phẩm lúa gạo chất lượng cao, có thể truy xuất được nguồn gốc mà sản phẩm còn được đặt trong bối cảnh môi trường, sức khỏe của cộng đồng, tài nguyên được bảo vệ.

Khi đó, thương hiệu lúa gạo sẽ có được cả về tiêu chí kinh tế, tiêu chuẩn về an toàn và lợi ích toàn cục lâu dài, bền vững.

Sáng kiến này hướng Lộc Trời trở thành nhà sản xuất lúa gạo chất lượng cao hơn cho các thị trường ngách trên thế giới.

Dự án này được đánh giá phù hợp với Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chương trình nhằm nâng cao tính cạnh tranh cho hạt gạo Việt, tận dụng tốt hơn các cơ hội trên thị trường quốc tế, đặc biệt với mặt hàng gạo chất lượng cao; đồng thời, kết nối nông dân Việt với chuỗi cung ứng lúa gạo toàn cầu, từ đó giúp họ cải thiện sinh kế trên cơ sở sản xuất bền vững./.  

H.Chung/TTXVN

Chia sẻ bài viết