Tiếng Việt | English

21/03/2018 - 10:35

Nước về vùng hạ

Thời gian qua, hàng loạt công trình cung cấp nước sạch (NS) được thực hiện, tập trung tại những xã vùng hạ của 3 huyện: Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ, tỉnh Long An đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt cho người dân, nâng tỷ lệ người sử dụng nước hợp vệ sinh (HVS) toàn tỉnh lên 96,4%.

Không còn “khát” nước vào mùa khô

Nhiều năm qua, tình trạng “khát” nước sinh hoạt của người dân vùng hạ vào cao điểm mùa khô luôn là vấn đề bức xúc của 3 huyện: Cần Giuộc, Cần Đước và Tân Trụ. Để giải bài toán khó này, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia NS - Vệ sinh môi trường nông thôn và lồng ghép từ các nguồn vốn khác, đến nay, tỉnh thực hiện các công trình cấp nước sinh hoạt, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn.

Công ty TNHH MTV Cầu Nổi đầu tư 1 giếng nước, vị trí được xây dựng tại UBND xã Long Hựu Tây

Công ty TNHH MTV Cầu Nổi đầu tư 1 giếng nước, vị trí được xây dựng tại UBND xã Long Hựu Tây

Đến xã Long Hựu Tây, huyện Cần Đước, chúng tôi được nghe nói nhiều về những đổi thay từ khi thực hiện các công trình đầu tư khai thác nguồn nước phục vụ sinh hoạt của 4 xã vùng hạ. Hiện nay, Long Hựu Tây có 2.653 hộ dân nhưng chỉ có 6 giếng nước cung cấp nước sinh hoạt, tập trung chủ yếu ở các ấp: Long Hưng, Mỹ Điền. Riêng ấp Hựu Lộc và một phần ấp Tây, do điều kiện thiên nhiên và thổ nhưỡng nên không có nguồn nước ngầm. Bí thư Huyện ủy Cần Đước - Nguyễn Việt Cường cho biết: “Trước những khó khăn của người dân vùng hạ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI (nhiệm kỳ 2015-2020) tập trung vào chương trình đột phá đầu tư khai thác nguồn nước ngầm phục vụ người dân, trong đó có xã Long Hựu Tây. Năm 2017, Công ty TNHH MTV Cầu Nổi đầu tư 1 giếng nước tại UBND xã Long Hựu Tây với công suất 20m3/giờ, phục vụ nước sinh hoạt cho khoảng 1.000 hộ dân. Hàng năm, huyện bố trí kinh phí cải tạo, nâng cấp hệ thống cấp nước. Tuy nhiên, nguồn kinh phí hạn chế nên mới chỉ đáp ứng cơ bản về nước HVS chứ NS còn thiếu. Hướng tới, huyện phối hợp các sở, ngành tỉnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cấp nước vùng hạ của UBND tỉnh, sớm hoàn thành đưa NS phục vụ người dân”. Hiện nay, người dân nơi đây vui mừng khi Công ty TNHH MTV Cầu Nổi lắp đặt đường ống trên Hương lộ 82 với chiều dài khoảng 1.400m và 5 nhánh rẽ ở các đường giao thông nông thôn (2 nhánh về ấp Tây và 3 nhánh về ấp Hựu Lộc) giải quyết về tình trạng “khát” nước sinh hoạt của người dân, nâng tổng số hộ sử dụng nước HVS của xã lên 1.592/2.653 hộ.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện và kế hoạch của UBND huyện Cần Giuộc về xây dựng hệ thống cung cấp nước HVS cho các xã vùng hạ của huyện giai đoạn 2016-2020, các cấp, các ngành nỗ lực đưa NS về phục vụ người dân. Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc - Nguyễn Tuấn Thanh thông tin: “Đến nay, huyện hoàn thành hệ thống mạng lưới cấp nước cho 6/7 xã vùng hạ của huyện, cụ thể, dẫn nước từ huyện Nhà Bè, TP.HCM về phục vụ người dân các xã: Long Hậu, Phước Lại và một phần của xã Phước Vĩnh Đông; khai thác, xử lý nước ngầm, dẫn nước phục vụ các xã: Long Phụng, Đông Thạnh, Phước Vĩnh Tây, Tân Tập. Như vậy, năm nay, huyện cơ bản thoát được tình trạng thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô. Tuy nhiên, lượng nước ngầm vẫn chưa bảo đảm, chờ nguồn nước Sawaco từ TP.HCM dẫn về trên tuyến Quốc lộ 50 sẽ bổ sung nguồn nước cấp cho các trạm, bảo đảm trữ lượng phục vụ”.

Tại huyện Tân Trụ, các ngành chức năng thực hiện nhiều biện pháp giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại các xã vùng hạ trong những tháng cao điểm của mùa khô, nhất là tại ấp 4, ấp 5, xã Tân Phước Tây và các xã: Đức Tân, Bình Trinh Đông, Nhựt Ninh; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cấp nước trên địa bàn các xã vùng hạ do Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Long An cung cấp. Hiện, đường ống chính kéo đến xã Bình Trinh Đông được đưa vào vận hành. Lúc mới vận hành, nước được tính với giá 42.000 - 43.000 đồng/m3, sau đó giảm xuống còn 20.000 - 23.000 đồng/m3. Người dân kiến nghị cần tiếp tục giảm giá nước xuống còn 10.000 - 11.000 đồng/m3. Dự án nước các trạm trên địa bàn huyện như Trạm Cấp nước Tân Lợi đang thi công, đến cuối năm 2018 đưa vào hoạt động, bảo đảm cung cấp nước một phần xã Nhựt Ninh và Đức Tân. Dự kiến cuối tháng 3, Nhà máy Nước Tân Trụ đấu nối nước từ Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Long An cung cấp nước sạch cho toàn bộ thị trấn và ấp Nhựt Hòa (xã Nhựt Ninh), ấp Tân Hòa (xã Đức Tân), một phần ấp Bình Hòa (xã Bình Tịnh).

Rà soát, kiểm tra tiến độ các dự án cấp nước

Vào cao điểm mùa khô, người dân các ấp: Hựu Lộc, ấp Tây, xã Long Hựu Tây, (huyện Cần Đước); Đông Bình, Đông An, Thạnh Trung, xã Phước Vĩnh Đông (huyện Cần Giuộc) phải “bấm bụng” đổi nước với giá cao gấp 5-10 lần so với giá thông thường. Ông Nguyễn Văn Trung, ngụ ấp Tây, xã Long Hựu Tây, huyện Cần Đước, chia sẻ: “Vào mùa khô, chúng tôi phải đổi nước với giá cao từ 80.000-100.000m3. Vừa qua, huyện cải tạo các giếng nước tại địa bàn nhưng vẫn chưa cung cấp đủ nước sinh hoạt”.

Theo thông tin từ Chủ tịch UBND xã Phước Vĩnh Đông - Nguyễn Việt Hùng, nước sinh hoạt là khó khăn lớn của địa phương. Mặc dù, thời gian qua, việc cung cấp NS từ xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM qua trạm tăng áp Vĩnh Thạnh giải quyết tình trạng thiếu nước cho 400/500 hộ dân ấp Vĩnh Thạnh nhưng vào cao điểm mùa khô thì 3 ấp còn lại là Đông Bình, Đông An, Thạnh Trung sẽ thiếu nước cục bộ do dự án Công ty Cổ phần Nước và Môi trường Bằng Tâm thực hiện chậm tiến độ vì Đường tỉnh 830 đang thi công nên chưa thể đấu nối đường ống dẫn nước đến các ấp còn lại của xã.

Hiện nay, dự án tiếp nhận nguồn nước của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) qua 2 huyện Cần Giuộc và Cần Đước vẫn còn chậm do tuyến ống dẫn nước vướng ở vị trí giáp ranh giữa huyện Cần Giuộc và huyện Bình Chánh, TP.HCM vẫn chưa thi công xong.

Để người dân vùng hạ có nước sạch sử dụng

Theo số liệu thống kê từ Trung tâm NS và Vệ sinh môi trường nông thôn Long An, có 4.703/17.619 hộ dân các xã vùng hạ Cần Giuộc và 2.881/18.380 hộ dân các xã vùng hạ Cần Đước được cung cấp NS đạt QCVN 02:2009/BYT từ các dự án NS.

Hiện tại, người dân các xã vùng hạ sử dụng trực tiếp nguồn nước cấp của Công ty Cổ phần Cấp nước Nhà Bè bảo đảm tiêu chuẩn NS. Riêng đối với các khu vực sử dụng nước ngầm của Công ty Cổ phần Nước và Môi trường Bằng Tâm chỉ đạt ở mức nước HVS. Sau khi tiếp nhận nguồn nước đạt tiêu chuẩn nước sạch Sawaco từ TP.HCM bảo đảm trữ lượng nước cấp cho các xã, hạn chế khai thác và sử dụng nước ngầm để chuyển qua sử dụng NS. Được biết, năm 2018, Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Cần Đước tiếp tục hỗ trợ 3 tỉ đồng cho 2 xã Long Hựu Đông và Long Hựu Tây thực hiện chương trình NS và nhà vệ sinh, mỗi hộ vay tối đa 12 triệu đồng. Bên cạnh đó, tổ chức phi chính phủ Habitat với đầu mối là Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ 1 tỉ đồng cho người dân 2 xã này.

Nguồn nước cung cấp với công suất 20m3/giờ phục vụ nước sinh hoạt cho khoảng 1.000 hộ dân xã Long Hựu Tây

Nguồn nước cung cấp với công suất 20m3/giờ phục vụ nước sinh hoạt cho khoảng 1.000 hộ dân xã Long Hựu Tây

Các dự án cấp nước trên địa bàn các xã vùng hạ của 3 huyện: Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ được xã hội hóa sử dụng nguồn vốn của doanh nghiệp để thực hiện dự án. Đối với các công trình cấp nước được xây dựng sử dụng từ nguồn ngân sách sẽ bàn giao cho các đơn vị có năng lực khai thác, quản lý kèm theo lộ trình hoàn vốn cho Nhà nước thông qua giá nước được duyệt. Hiện nay, giá nước bình ổn từ 10.000-11.000 đồng/m3.

Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Long An, năm 2017, tỷ lệ người dân toàn tỉnh sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh lên đến 96,4% và tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch là 24,8%. Trong đó, tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh ở Cần Giuộc là 90,6%, Cần Đước 93,6%, Tân Trụ 98,9%; tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch ở Cần Giuộc là 34,8%, Cần Đước 19,3% và Tân Trụ 33,0%./.

Hùng Anh

Chia sẻ bài viết