Tiếng Việt | English

07/03/2020 - 14:14

OPEC và các nước liên minh không đồng thuận về giảm thêm sản lượng

Nga và một số nước sản xuất dầu liên minh với OPEC không ủng hộ việc cắt giảm thêm sản lượng dầu do còn quá sớm để dự đoán về tác động của dịch COVID-19 đối với nhu cầu dầu thế giới.

Công nhân công ty dầu Aramco làm việc tại nhà máy chế dầu Abqaiq của Saudi Arabia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Công nhân công ty dầu Aramco làm việc tại nhà máy chế dầu Abqaiq của Saudi Arabia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hai nguồn tin từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) ngày 6/3 cho hay tổ chức này và các nước sản xuất dầu liên minh đã không đạt được sự nhất trí về việc cắt giảm thêm và mạnh hơn sản lượng "vàng đen."

Nga và một số nước sản xuất dầu liên minh với OPEC, còn gọi là OPEC+, đã không ủng hộ việc cắt giảm thêm sản lượng dầu với lý do là còn quá sớm để dự đoán về tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đối với nhu cầu dầu thế giới.

Giá dầu Brent đã giảm xấp xỉ 33% kể từ đầu năm 2020 đến nay, xuống còn 47 USD/thùng, khiến các nước phụ thuộc vào lĩnh vực dầu mỏ cũng như nhiều công ty khai thác dầu đá phiến của Mỹ cũng như các doanh nghiệp năng lượng khác rơi vào tình trạng khó khăn.

Trước đó, trong cuộc họp nội bộ, các nước thành viên OPEC ngày 5/3 đã nhất trí cắt giảm sản lượng thêm 1,5 triệu thùng/ngày trong quý 2/2020 nhằm hỗ trợ giá dầu, nhưng với điều kiện Nga tham gia vào nỗ lực này, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang lan rộng trên thế giới ảnh hướng xấu đến nhu cầu tiêu thụ năng lượng toàn cầu.

Triển vọng nhu cầu dầu mỏ đã bị ảnh hưởng do các biện pháp kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19, khiến các nhà máy phải đóng cửa, người dân phải hạn chế đi lại cũng như làm chậm lại các hoạt động kinh doanh khác. Do đó, dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thô năm 2020 đã được điều chỉnh giảm.

Nhu cầu dầu mỏ đã chịu ảnh hưởng nặng nề do sự bùng phát dịch COVID-19. Hồi đầu tháng 2/2020, OPEC đã đề xuất cắt giảm sản lượng 600.000 thùng/ngày do nhu cầu của Trung Quốc giảm sút vì dịch COVID-19.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng mức cắt giảm trên vẫn chưa đủ do Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ dầu lớn, vẫn đang chật vật đối phó với dịch COVID-19, trong khi dịch bệnh đang lây lan nhanh sang nhiều nước trên thế giới./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết