Việc cần làm
Phân loại rác tại nguồn có ý nghĩa quan trọng, nhất là trong lúc lượng rác thải sinh hoạt trong dân không ngừng tăng lên như hiện nay. Một số địa phương trên địa bàn tỉnh bắt đầu thực hiện các giải pháp hạn chế rác thải sinh hoạt cũng như tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phân loại rác tại nguồn nhằm giảm lượng rác thải, chi phí và không gây ảnh hưởng đến môi trường.
Rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh vẫn gom chung, chưa được phân loại là một trong những nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong phân loại rác tại nguồn
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, dù còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện nhưng phân loại rác tại nguồn vẫn là việc cần làm. Trước hết là về môi trường, khi giảm khối lượng rác thải sinh hoạt phải chôn lấp, khối lượng nước rỉ rác sẽ giảm. Nhờ đó, rủi ro trong quá trình xử lý nước rỉ rác, ô nhiễm nguồn nước ngầm, nước mặt,... cũng giảm. Về mặt xã hội, việc phân loại rác tại nguồn sẽ góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường. Về góc độ kinh tế, việc làm này sẽ tạo ra nguồn nguyên liệu để sản xuất phân hữu cơ hoặc tái chế để phục vụ các ngành công nghiệp khác. Tuy nhiên, để làm được việc này, tỉnh cần có những giải pháp đồng bộ.
Theo lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đức Hòa, thực hiện phân loại rác tại nguồn cần bắt đầu từ việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân; hỗ trợ kinh phí mua thùng đựng rác phân loại, xe chuyên dụng chở rác sau khi phân loại và cuối cùng là phải có nhà máy xử lý rác đã phân loại.
Vẫn còn gặp khó
Hiện nay, lượng rác thải, nhất là rác sinh hoạt của các hộ dân trên địa bàn tỉnh ngày càng nhiều. Do đó, việc thu gom, xử lý khiến các ngành chức năng và các địa phương đông dân cư như TP.Tân An, Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước,... “đau đầu”.
Góp phần giải quyết “vấn nạn” về rác thải sinh hoạt, một số địa phương trong tỉnh huy động sự vào cuộc của các hội, đoàn thể, người dân,... cùng xây dựng một số mô hình để giữ gìn cảnh quan môi trường.
Phụ nữ thị trấn Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Hưng phân loại rác tại nguồn
Sọt rác hộ gia đình - mô hình của phụ nữ thị trấn Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Hưng là một trong những mô hình thiết thực. Chị Vũ Thị Bích Thủy, ngụ khu phố 4, chia sẻ: “Thực tế phân loại rác tại nguồn không phải là vấn đề mới nhưng để thực hiện được, tôi thấy còn rất nhiều khó khăn. Gia đình chúng tôi cùng một số hộ dân tham gia mô hình ngoài được hướng dẫn cách phân loại rác, còn được hỗ trợ 2 sọt rác/hộ.
Tôi dành một góc nhỏ phía trước nhà đặt một sọt đựng rác hữu cơ; sọt còn lại đựng rác vô cơ. Những loại rác có thể tái chế, tôi để riêng, bán lấy chút tiền ủng hộ kinh phí hoạt động của chi hội. Tuy nhiên, khi mình phân loại rác xong, nhân viên đến lấy rác đổ chung hết vào một thùng, tôi thấy rất lãng phí công sức!”.
Tại Cần Giuộc, mỗi ngày thải ra khoảng 55-60 tấn rác sinh hoạt. Gặp khó về việc xử lý rác, một số địa phương trong huyện thực hiện mô hình xây lò đốt rác. Bà Đoàn Thị Kim Xinh, ngụ ấp Ngoài, xã Phước Hậu, nói: “Chúng tôi được hướng dẫn xử lý, đào hố chôn lấp và đốt rác. Rác sinh hoạt được phân loại trước khi đem đốt theo hướng dẫn của ngành chuyên môn. Những loại rác có thể tái chế, sử dụng lại, chúng tôi để riêng và bán phế liệu; những loại rác còn lại thì đốt. Nhưng tôi nghĩ, đây chỉ là biện pháp trước mắt, về lâu dài, ngành chuyên môn cần có giải pháp căn cơ bởi không phải người dân nào cũng tuân thủ đúng quy định phân loại rác tại nguồn trước khi đem đốt hoặc chôn lấp”.
Người dân huyện Cần Giuộc xây dựng lò đốt rác để xử lý rác thải sinh hoạt
Thí điểm trở lại
Theo Phòng Quản lý đô thị TP.Tân An, hiện lượng rác thải ra mỗi ngày trên địa bàn thành phố khoảng 95-100 tấn. Cách đây khoảng 10 năm, thành phố thực hiện thí điểm Dự án phân loại rác tại nguồn do Tập đoàn phi Chính phủ Liên minh châu Âu phối hợp Sở Xây dựng triển khai tại phường 1, phường 2, phường 3 và phường 4. Mục tiêu của dự án nhằm làm giảm, tái chế và tái sử dụng rác thải, hướng tới bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc phân loại rác tại nguồn chưa đạt hiệu quả do công tác thu gom, xử lý rác còn bất cập. Trong khi người dân phân loại rác tại nguồn thì đơn vị thu gom lại đổ chung tất cả các loại rác vào một xe. Ông Phạm Công Tùng, ngụ khu phố Bình An, phường 3, bộc bạch: “Từ năm 2008-2009, chúng tôi được tập huấn, hướng dẫn việc phân loại rác tại nguồn và được cấp 2 thùng chứa rác. Chúng tôi nhận thấy việc làm này có ý nghĩa nên thực hiện. Thế nhưng, đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý không có phương tiện chuyên chở mà cho rác vào cùng một xe nên sau đó người dân không phân loại nữa”.
Bà Ngô Thị Trừ, ngụ phường 3, TP.Tân An, phân loại rác tại nguồn để lựa những loại rác tái chế được đem cho những người có hoàn cảnh khó khăn
Gần đây, tỉnh phối hợp Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) - Việt Nam thực hiện lại mô hình phân loại rác tại nguồn và chọn phường 3, TP.Tân An làm điểm. Bí thư Đảng ủy phường 3 - Võ Hồng Thảo thông tin, hiện tại, phường chọn khoảng 4.500 hộ dân để thực hiện mô hình này. Đến nay, địa phương phối hợp tích cực các ngành chuyên môn tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân thực hiện, hy vọng mô hình sẽ đạt hiệu quả.
Bà Ngô Thị Trừ, ngụ khu phố 3 cho hay, khu phố bà ở hiện được địa phương chọn để thí điểm trở lại việc phân loại rác tại nguồn. Bà đề nghị, để việc làm này mang lại hiệu quả, đơn vị thu gom phải có phương tiện chuyên chở hoặc chia thời gian để lấy từng loại rác. Đơn vị xử lý phải có thêm công đoạn, phân đoạn xử lý rác sau khi người dân phân loại.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - Nguyễn Tân Thuấn cho biết, hiện tỉnh chưa phân loại rác tại nguồn một cách cụ thể, rõ ràng do còn gặp nhiều khó khăn. Đợt thí điểm của Tổ chức WWF-Việt Nam lần này, ngoài việc phối hợp tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân cách phân loại (rác hữu cơ, vô cơ, rác tái chế), hỗ trợ người dân về chi phí ban đầu như thùng đựng rác tại gia đình, bao bì, sở cũng đề xuất đơn vị thu gom, vận chuyển thông báo thời gian cụ thể về ngày, giờ thu gom từng loại rác. Đồng thời, sở cũng làm việc với đơn vị xử lý nhanh chóng nâng cấp, hoàn thành công đoạn để việc xử lý đạt hiệu quả./.
Hiện nay, mỗi ngày, toàn tỉnh thu gom 570-590 tấn rác thải sinh hoạt. Nhà máy Xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa tiếp nhận, xử lý khoảng 250-260 tấn rác/ngày của TP.Tân An, các huyện: Châu Thành, Tân Trụ, Thạnh Hóa, Thủ Thừa, một phần huyện Đức Hòa và Bến Lức. Nhà máy Xử lý rác Đa Phước (TP.HCM) tiếp nhận, xử lý khoảng 130 tấn rác/ngày của các huyện: Cần Giuộc, Cần Đước và một phần huyện Bến Lức (khoảng 40 tấn/ngày). Khu Liên hiệp Phước Hiệp (huyện Củ Chi, TP.HCM) tiếp nhận, xử lý rác của huyện Đức Hòa khoảng 100-110 tấn/ngày. Số lượng còn lại được thu gom, vận chuyển và xử lý tại các bãi rác, lò đốt của một số địa phương. |
Thanh Nga