Một nghiên cứu gần đây về những đặc điểm của núi lửa trên bề mặt hành tinh đỏ cho thấy lớp trầm tích nham thạch trên khu vực Elysium Planitia dường như xuất hiện rất gần đây, ở khoảng 50.000 năm.
Theo sự vận hành địa chất, đây là khoảng thời gian vô cùng ngắn. Điều đó tức là sao Hỏa có tiềm năng sinh sống được trong khoảng thời gian rất gần đây với một số khu vực tương tự như các khu vực hoạt động núi lửa ở những nơi như Iceland, nơi mà các dạng sinh vật ái cực (extremophile – sinh vật có thể tồn tại trong những môi trường khắc nghiệt - ND) có thể phát triển.
Lớp trầm tích sao hỏa quanh một vết nứt ở Cerberus Fossae. Ảnh: NASA
"Đây có lẽ là lớp trầm tích núi lửa trẻ nhất từng được ghi nhận trên sao Hỏa. Nếu chúng ta nén lại lịch sử địa chất trên sao Hỏa xuống chỉ còn 1 ngày, hiện tượng này xảy ra có lẽ chính vào giây cuối cùng", nhà thiên văn học David Horvath thuộc Viện Khoa học Hành tinh và Đại học Arizona cho hay.
Gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra nhiều điều bất ngờ trên sao Hỏa, chẳng hạn như những khối đá vụn khô với một số đường rãnh như bằng chứng cho thấy hoạt động của núi lửa.
Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy sự hiện diện của nước ở thể lỏng dưới bề mặt sao Hỏa và điều đó cho thấy nhiệt độ bên trong hành tinh đang nóng lên có lẽ đã khiến nước dưới bề mặt không bị đóng băng. Năm ngoái, một nghiên cứu khác cũng cho thấy một thiên thạch sao Hỏa có chứa bằng chứng của đối lưu núi lửa trong lớp mantle sao Hỏa.
Hiện nay, sử dụng dữ liệu vệ tinh, một nhóm các nhà thiên văn học do nhà khoa học Horvath dẫn đầu đã cho thấy bằng chứng mới về lớp trầm tích núi lửa trên Elysium Planitia, một vùng đồng bằng rộng lớn nằm ngay phía bắc đường xích đạo của sao Hỏa.
Hầu hết các đặc điểm núi lửa trên bề mặt sao Hỏa là từ dòng chảy của nham thạch trên bề mặt chứ không phải các vụ phun trào núi lửa mặc dù các đặc điểm phun trào núi lửa vẫn chưa được làm rõ. Điều khiến phát hiện của đội ngũ nghiên cứu này trở nên đáng chú ý là lớp trầm tích núi lửa trên nằm trên những dòng nham thạch xung quanh khác, tức là nó xảy ra trong thời gian gần đây hơn.
"Vụ phun trào này có thể phun ra cột tro cao tới 10 km trên bầu khí quyển sao Hỏa. Elysium Planitia là nơi có những hệ thống núi lửa trẻ nhất trên sao Hỏa, có niên đại từ cách đây 3 triệu năm".
Phát hiện mới này có thể giúp vạch ra những sứ mệnh tương lai trên sao Hỏa, nơi mà các dấu hiệu của sự sống có thể được tìm ra./.
VOV.VN(Theo: Science Alert)