Tiếng Việt | English

27/02/2024 - 15:01

Phát huy hiệu quả vườn thuốc Nam mẫu

Hiện nay, vườn thuốc Nam mẫu tại Trạm Y tế xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc có 64/70 loại thuốc theo danh mục cây thuốc Nam do Bộ Y tế ban hành

Vườn thuốc Nam mẫu là một trong những tiêu chí của Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã. Vì vậy, việc phát triển vườn thuốc Nam tại các trạm y tế (TYT) xã đã và đang được quan tâm thực hiện, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho người dân và gìn giữ, phát triển nền y học cổ truyền.

Theo Chủ tịch Hội Đông y tỉnh - Phạm Thị Đẹp, Hội Đông y các cấp trong tỉnh Long An vận động hội viên củng cố các vườn thuốc Nam mẫu nhằm tuyên truyền để người dân biết sử dụng “cây nhà lá vườn” điều trị một số bệnh thông thường theo phương châm “Thầy tại nhà, thuốc tại vườn” và đưa Đông y vào cộng đồng, góp phần cùng ngành Y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong đó, những vườn thuốc Nam mẫu tại các TYT xã là mô hình tiềm năng trong việc nâng cao chất lượng y tế cơ sở.

TYT xã Long Thượng là một trong những TYT có vườn thuốc Nam mẫu tiêu biểu của huyện Cần Giuộc với nhiều loại cây khác nhau. Theo Quyền Trưởng TYT xã Long Thượng - Đặng Thị Vân Anh, vườn thuốc Nam mẫu được trồng từ năm 1997. Những năm đầu, vườn chỉ có vài loại cây nhưng đến nay, có 64/70 loại thuốc theo danh mục cây thuốc Nam do Bộ Y tế ban hành. Vườn được trồng nhằm giới thiệu, hướng dẫn người dân trong xã biết công dụng chữa bệnh thông thường của từng loại cây thuốc Nam.

Với diện tích 85m2, mỗi nhóm cây thuốc Nam tại vườn được trồng vào những ô riêng, có gắn bảng tên, công dụng nên người dân dễ quan sát, tìm kiếm và sử dụng. Trong đó, có nhiều loại rất quen thuộc như lá lốt (trị phong thấp), sen cạn (giúp an thần), sâm đất (bổ âm), mã đề (lợi tiểu), tía tô (trị cảm, phong hàn), húng chanh (chữa cảm, ho, viêm họng, khản tiếng, chảy máu cam),... Vườn thuốc Nam mẫu này chủ yếu do các thành viên của Tổ Đông y (thuộc TYT xã) thay phiên nhau chăm sóc.

“Trạm chú trọng phát triển vườn cây thuốc Nam kết hợp với các phương pháp cổ truyền trong điều trị bệnh cho người dân. Những loại cây thuốc Nam này cũng được khuyến khích trồng trong cộng đồng để tăng cường nguồn thuốc Nam phục vụ điều trị bệnh” - bà Đặng Thị Vân Anh chia sẻ.

TYT xã Long Thượng được công nhận đạt tiên tiến về y học cổ truyền từ năm 2015. Theo thống kê, năm 2023, Trạm khám, chữa bệnh cho 6.701 lượt người, trong đó, khám bằng y học cổ truyền cho 3.605 lượt người (chiếm 53,79%). Qua đó cho thấy, vườn thuốc Nam mẫu được chăm sóc, phát triển trở thành nguồn dược liệu hỗ trợ hiệu quả việc điều trị Đông - Tây y kết hợp./.

Khánh Duy

Chia sẻ bài viết