Thủ Thừa hiện có 610 hộ chăn nuôi bò thịt với 1.241 con, trong đó, số bò cái trong giai đoạn sinh sản là 740 con, tập trung tại các xã: Bình Thạnh, Mỹ Phú, Mỹ An, Mỹ Lạc, Mỹ Thạnh, Nhị Thành, Bình An,... Hiện tại, phần lớn các hộ dân nuôi bò theo hướng truyền thống, tự học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau và có thu nhập ổn định.
Tiềm năng đất đai, nguồn thức ăn cho bò khá dồi dào, nguồn lao động nông thôn cùng tính cần cù của người dân chính là những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đàn bò thịt trong thời gian tới. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm từ chăn nuôi đang được mở rộng, thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi hộ gia đình, tiến tới thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã chăn nuôi bò thịt.
Chương trình Phát triển đàn bò thịt nhằm tận dụng nguồn thức ăn sẵn có, lao động nhàn rỗi để tăng thu nhập, phát triển kinh tế hộ gia đình
Khó khăn hiện tại của Thủ Thừa là đa phần các hộ chăn nuôi tự phát, tính cạnh tranh không cao, thiếu vốn, chưa áp dụng quy trình khoa học-kỹ thuật trong chăn nuôi một cách hiệu quả, chưa tận dụng triệt để nguồn phân chuồng để nuôi trùn quế, bón cây trồng,... Ngoài ra, vấn đề quản lý ô nhiễm môi trường còn hạn chế. Công tác tiêu độc, khử trùng, phòng ngừa dịch bệnh chưa được chú trọng. Việc khai thác, tận dụng phế phẩm nông nghiệp trong chăn nuôi chưa được quan tâm. Đầu ra sản phẩm còn tự tiêu thụ là chính, chưa hình thành chuỗi liên kết trong chăn nuôi an toàn.
Do đó, Huyện ủy xây dựng Nghị quyết phát triển đàn bò thịt nhằm tận dụng, phát huy lợi thế sẵn có, khắc phục những hạn chế hiện tại, khơi dậy vai trò chủ thể của người dân và cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân trong thời gian tới. Chỉ tiêu chủ yếu của nghị quyết là phát triển mới 400 hộ dân tham gia chăn nuôi bò thịt; 100% số hộ được hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi bò và áp dụng các kiến thức về phương pháp dự trữ, chế biến phế phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho bò. Đồng thời, phấn đấu đến năm 2020, tổng đàn bò thịt trên địa bàn huyện có khoảng 5.000 con.
Khó khăn hiện tại của Thủ Thừa là đa phần các hộ chăn nuôi tự phát, tính cạnh tranh không cao, thiếu vốn, chưa áp dụng quy trình khoa học-kỹ thuật trong chăn nuôi một cách hiệu quả
Trong các xã của Thủ Thừa thì Bình An được chọn làm điểm để chỉ đạo triển khai thực hiện, tổ chức rút kinh nghiệm và nhân rộng trên địa bàn huyện. Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình An - Lê Văn Nâu cho biết, khi được chọn thực hiện mô hình điểm, Hội Nông dân xã lập tờ trình xin vay vốn từ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, đồng thời, giải ngân cho 13 hộ có đủ điều kiện chăn nuôi với số vốn 400 triệu đồng. Hội thành lập tổ chăn nuôi bò, họp và trao đổi kinh nghiệm hàng tháng.
Đồng thời, các hội viên được tham dự lớp kỹ thuật gieo tinh bò, được cán bộ khuyến nông tập huấn chăn nuôi bò. Hội cũng tìm mua con giống tốt cho nông dân và phối hợp thú y xã tiêm phòng dịch bệnh. 13 hộ sau khi được vay vốn đã mua 16 con bò. Sau 2 quí, bò cái sinh thêm 5 bê con. Tổng đàn bò trên địa bàn xã hiện tại là 110 con/40 hộ. Đây là mô hình bền vững, giúp nông dân phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho hộ gia đình.
Ông Bùi Hữu Nghĩa (ấp An Hòa 2, xã Bình An) cho biết: "Tôi vay vốn từ Trung ương Hội được 30 triệu đồng và mua 1 bò cái. Sau đó, bò cái sinh sản được 1 bê con. Được chọn hỗ trợ vay vốn, chúng tôi rất phấn khởi vì có điều kiện tăng gia sản xuất, tận dụng lao động nhàn rỗi và đất để trồng cỏ nuôi bò. Tôi cũng hy vọng lãi suất hỗ trợ chăn nuôi thấp hơn để người dân tăng lợi nhuận, có điều kiện tiếp tục phát triển đàn bò và vận động các hộ khác tham gia".
Phó Chủ tịch UBND huyện Thủ Thừa - Phan Văn Tới thông tin, nhiệm vụ thời gian tới, để nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, các ngành cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong hệ thống chính trị và nhân dân. Chính quyền địa phương cần xác định đối tượng tham gia là những người có sự quyết tâm, tự nguyện tham gia chương trình. Nguồn vốn thực hiện là từ vốn của nhân dân, chính sách Trung ương, của tỉnh về hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ 2015-2020 và vốn huy động từ xã hội. Chương trình cũng nhằm phát huy lợi thế kết quả từ Dự án Heifer. Bên cạnh đó, công tác tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật gắn với mục tiêu, yêu cầu đề ra và phù hợp với xu hướng phát triển, đặc thù của huyện.
Với chương trình này, Thủ Thừa cũng khuyến khích, định hướng xây dựng tổ hợp tác chăn nuôi ở từng địa bàn dân cư các xã, thị trấn. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư các dự án gia trại, trang trại phù hợp với quy hoạch chăn nuôi của huyện và tiếp nhận các đề tài, dự án hỗ trợ từ Trung ương đến tỉnh,... nhằm phát huy hiệu quả chương trình trên địa bàn huyện, qua đó, góp phần tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi một cách phù hợp./.
Phạm Ngân