Nâng tầm các đô thị
Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 15 đơn vị hành chính trực thuộc, đến cuối năm 2020, tỉnh có 18 đô thị, gồm: 1 đô thị loại II là TP.Tân An; 6 đô thị loại IV là thị xã Kiến Tường, thị trấn Hậu Nghĩa, thị trấn Bến Lức, thị trấn Cần Đước, thị trấn Cần Giuộc, thị trấn Đức Hòa và 11 đô thị loại V gồm: Thị trấn Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Thủ Thừa, Tân Trụ, Tầm Vu, Đông Thành, Hiệp Hòa, Bình Phong Thạnh và đô thị Rạch Kiến. Những năm gần đây, với sự quan tâm đầu tư của các cấp, sự đồng thuận của người dân, các đô thị trên địa bàn tỉnh dần có bước phát triển vượt bậc, mang lại diện mạo mới khang trang, hiện đại hơn.
Bộ mặt các đô thị trên địa bàn tỉnh ngày càng có bước phát triển vượt bậc
Thị xã Kiến Tường - trung tâm phát triển KT-XH khu vực Đồng Tháp Mười của tỉnh, có tuyến Quốc lộ 62 chạy dài tới Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp, hứa hẹn phát triển kinh tế mậu biên với nước bạn Campuchia. Năm 2007, Kiến Tường được Bộ Xây dựng công nhận đạt chuẩn đô thị loại IV. Qua từng năm, hàng loạt công trình hạ tầng kỹ thuật được thị xã Kiến Tường tập trung thực hiện mang lại diện mạo mới cho thị xã. Trong đó, phải kể đến các tuyến đường giao thông kết nối như đường Bình Hiệp - Thạnh Trị, Tuyên Thạnh - Thạnh Hưng, Bình Hiệp - Bình Tân, xây dựng khu bờ kè thị xã và các công trình chỉnh trang vỉa hè, công viên, cây xanh, hệ thống chiếu sáng các tuyến đường nội ô,…
Ông Phạm Hải Dậu, ngụ khu phố 1, thị xã Kiến Tường, cho biết: “Quả thực, thị xã đã có bước phát triển mới, khang trang, sạch, đẹp. Nhiều công trình công cộng được xây dựng; đặc biệt, hệ thống công viên, cây xanh, đường giao thông được đầu tư mang lại không gian xanh cho thị xã. Chất lượng cuộc sống người dân cũng ngày một tốt hơn”.
Theo Chủ tịch UBND thị xã Kiến Tường - Nguyễn Văn Vũ, nhiệm kỳ qua, thị xã dành nhiều nguồn lực để đầu tư các công trình nhằm nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật, góp phần thúc đẩy tốc độ đô thị hóa phát triển nhanh, bền vững. Riêng trong nhiệm kỳ, Kiến Tường tập trung các nguồn lực thực hiện các công trình trọng điểm vừa phục vụ phát triển KT-XH, vừa chỉnh trang đô thị trên địa bàn như hội trường thị xã, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Truyền thanh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười, Trạm Kiểm soát Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp, bờ kè thị xã cùng các công trình chỉnh trang đô thị, cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp hệ thống giao thông nội thị, các tuyến đường trọng điểm gồm đường tránh thị xã, đường Lê Lợi nối dài, cầu Bà Kén và các trục giao thông quan trọng khác hoàn thành đã từng bước thay đổi diện mạo đô thị theo hướng xanh, sạch, đẹp.
“Đến nay, thị xã Kiến Tường đạt 55/59 tiêu chí của đô thị loại III. Trong nhiệm kỳ 2020-2025, thị xã cũng xác định chương trình huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ phát triển thị xã Kiến Tường lên đô thị loại III là chương trình đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XII” - Chủ tịch UBND thị xã Kiến Tường - Nguyễn Văn Vũ cho biết.
Ngoài thị xã Kiến Tường, tại các địa phương trong toàn tỉnh, nhất là TP.Tân An và các huyện phát triển công nghiệp - thương mại - dịch vụ như Bến Lức, Đức Hòa, Cần Đước, Cần Giuộc, tốc độ đô thị hóa đang có bước phát triển rất nhanh và vượt bậc theo hướng hiện đại, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Cần nhiều giải pháp thu hút nguồn vốn đầu tư phát triển đô thị
Theo đánh giá của Sở Xây dựng, mặc dù tốc độ đô thị hóa của tỉnh có bước phát triển song vẫn còn chậm so với các tỉnh lân cận trong vùng và cả nước, kết cấu hạ tầng vẫn còn thiếu. Hiện nay, để phát triển các đô thị theo kế hoạch chung của tỉnh thì nhu cầu nguồn vốn rất lớn nhưng nguồn lực còn nhiều hạn chế, nhất là việc cân đối, bố trí vốn cùng lúc cho nhiều chương trình nên tỉnh chưa có chính sách phân bổ nguồn vốn riêng cho đầu tư phát triển đô thị mà chỉ lồng ghép vào các chương trình khác, phụ thuộc vào việc phân bổ nguồn vốn trung hạn.
Giai đoạn 2016-2020, TP.Tân An huy động các nguồn lực với tổng số vốn 5.830 tỉ đồng đầu tư phát triển đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang, nâng cấp đô thị và chính thức được công nhận đạt chuẩn đô thị loại II vào năm 2019. Tuy nhiên, để phấn đấu đạt cơ bản các tiêu chí đô thị loại I vào năm 2025 theo hướng đô thị thân thiện, văn minh, hiện đại và được công nhận đô thị loại I trước năm 2030 thì nhu cầu về nguồn vốn rất lớn, dự kiến khoảng 17.000-18.000 tỉ đồng.
Để đạt mục tiêu hoàn thành cơ bản các tiêu chí đô thị loại I, trong giai đoạn 2020-2025, Chủ tịch UBND TP. Tân An - Nguyễn Quang Thái khẳng định, thành phố sẽ tập trung kêu gọi, thu hút, tạo vốn đầu tư phát triển KT-XH theo định hướng đẩy mạnh đầu tư phát triển thương mại - dịch vụ, nâng cao chất lượng công nghiệp - xây dựng và nông nghiệp cũng như tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế cùng ngân sách Nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế nhanh, bền vững với quyết tâm xây dựng TP.Tân An xứng tầm là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật của tỉnh.
Đô thị TP.Tân An khoác lên mình “bộ áo mới” của một đô thị phát triển hài hòa, nhiều không gian xanh cho người dân thành phố
Với vị trí là cửa ngõ nối liền giữa Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ, phía Đông giáp trung tâm đô thị lớn của cả nước là TP.HCM, Long An có nhiều tiềm năng để phát triển trong thời gian tới và đang có bước đột phá để trở thành địa phương có vị thế tương xứng trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Yêu cầu phát triển của Long An trong hiện tại và tương lai đặt ra tính cấp thiết phải xây dựng đô thị thông minh, xây dựng chính quyền điện tử nhằm thúc đẩy quá trình phát triển KT-XH nhanh và bền vững.
Theo Trưởng phòng Phát triển đô thị, Sở Xây dựng - Nguyễn Văn Trang, thời gian gần đây, tỉnh nhận thức rõ tầm quan trọng và triển khai, thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển đô thị thông minh, chính quyền điện tử trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Theo lộ trình chung của tỉnh về thực hiện công tác phát triển đô thị của tỉnh đến năm 2030, xây dựng đô thị thông minh là chủ trương của Đảng và Nhà nước, là xu thế chung mà các địa phương cần hướng đến trong thời gian tới. Theo đó, kết cấu hạ tầng trên địa bàn TP.Tân An và các đô thị được đầu tư, nhiều công trình trọng điểm được xây dựng hoàn thành trong giai đoạn 2015-2020, bộ mặt đô thị có sự đổi mới, hiện đại hơn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. Trong đó, TP.Tân An được chọn thực hiện mô hình điểm triển khai dịch vụ đô thị thông minh trong “Đề án phát triển dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh Long An đến năm 2025”.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Trang cũng cho biết, thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ tập trung phối hợp tốt các đơn vị liên quan thực hiện tốt các quy hoạch phát triển đô thị theo hướng đô thị xanh, kiến trúc xanh, quy hoạch không gian đô thị phải bảo đảm hài hòa cho sự phát triển bền vững của các hệ sinh thái trong đô thị, thân thiện với môi trường, hướng đến mục tiêu phát triển đô thị thông minh, tăng trưởng bền vững./.
Kiên Định