Tiếng Việt | English

03/05/2021 - 08:55

Nghị quyết 02 - “Tô điểm” đô thị Tân An

Hơn một thập kỷ xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố vui mừng đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì và quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Tân An đạt đô thị loại II, đô thị Tân An hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Thành quả đó là minh chứng cho những nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền và người dân thành phố, đồng thời cũng là kết quả từ một nghị quyết đúng đắn.

Đường Vành đai TP.Tân An - Công trình trọng điểm của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI

Nghị quyết hợp lòng dân

Nghị quyết 02-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An (khóa IX) về “Xây dựng và phát triển TP.Tân An giai đoạn 2011-2020” ra đời trong điều kiện thành phố còn nhiều khó khăn khi xây dựng từ thị xã lên thành phố. 

Sau 10 năm triển khai, thực hiện, những chỉ tiêu cơ bản đề ra của nghị quyết được thành phố thực hiện đạt những kết quả tích cực, nhiều chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra: Tỷ lệ lấp đầy khu, cụm công nghiệp, mật độ dân số khu vực nội thành, tỷ lệ hộ nghèo, hộ sử dụng điện, nước sinh hoạt hợp vệ sinh, cán bộ chủ chốt đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định, tỷ lệ lao động qua đào tạo, tỷ lệ người luyện tập thể dục - thể thao thường xuyên, xã đạt tiêu chí nông thôn mới, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia...; công tác quy hoạch và quản lý đô thị được chú trọng hơn về hiệu quả và chất lượng; hệ thống cấp điện, thông tin liên lạc được chỉnh trang, từng bước ngầm hóa; giữ vững ổn định diện tích đất sản xuất phù hợp cho phát triển nông nghiệp,...

Bên cạnh đó, thành phố đang triển khai xây dựng, phát triển đô thị theo quy chế quản lý kiến trúc đô thị, đạt chuẩn đô thị kiểu mẫu; một số tuyến đường chính trên địa bàn thành phố đang tiến hành lập thiết kế đô thị, bảo đảm công tác vệ sinh môi trường đô thị,... góp phần tạo nên một thành phố với nhiều diện mạo tươi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng lên, tạo điểm nhấn quan trọng trong sự phát triển của thành phố - một thành phố trẻ năng động xứng tầm là đô thị hạt nhân của tỉnh; là cầu nối giữa 2 vùng đô thị lớn là Đồng bằng sông Cửu Long và vùng TP.HCM.

Đó là tuyến đường Hùng Vương, Trương Định, Huỳnh Văn Nhứt, Nguyễn Huệ,... Các cửa hàng tiện ích, khu thương mại - dịch vụ: Hệ thống ngân hàng, Co.opMart, Trung tâm thương mại Vincom Plaza, Điện máy Xanh, Bách hóa Xanh, Khu trung tâm Chính trị - Hành chính tỉnh,... Đặc biệt, công trình đường Vành đai thành phố đang được khẩn trương thực hiện. Công trình này khi hoàn thành sẽ tạo trục giao thông liên hoàn, xuyên suốt nối liền giữa đô thị trung tâm thành phố với khu đô thị phía Bắc và khu đô thị phía Nam; đồng thời, tạo mối quan hệ gắn kết, giúp vận chuyển hàng hóa thuận tiện, thúc đẩy thương mại, dịch vụ phát triển, kết nối với tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch,... 

Vui mừng trước sự đổi thay của thành phố, bà Nguyễn Thị Bạch, ngụ phường 2, chia sẻ: “Đường sá được mở rộng, người dân ai cũng cảm thấy phấn khởi. Bởi từ đây giúp thành phố kết nối được nhiều địa phương lân cận”.

Theo Chủ tịch UBND thành phố - Nguyễn Quang Thái, trên cơ sở Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh Long An đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, TP.Tân An tập trung xây dựng, rà soát điều chỉnh, bổ sung các đồ án quy hoạch phát triển KT-XH, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng,... phù hợp với nhu cầu phát triển của các khu vực đô thị và khu vực nông thôn. Theo đó, một số đồ án, định hướng quy hoạch được tỉnh, thành phố chú trọng thực hiện hiệu quả: Quy hoạch trục đô thị Tân An - Bến Lức; quy hoạch phát triển mạng lưới chợ kết hợp phát triển hệ thống trung tâm thương mại - siêu thị; hoàn thiện đồ án quy hoạch xã nông thôn mới; đẩy mạnh quy hoạch phân khu kết hợp lập thiết kế đô thị các trục đường khu vực nội thành;... Đây là nền tảng cơ bản giúp thành phố không phá vỡ cảnh quan, không gian kiến trúc đô thị; thực hiện bố trí, sắp xếp phát triển các ngành, lĩnh vực theo một trật tự thống nhất, có định hướng.

Không chỉ ở nội ô đô thị Tân An mà kết cấu hạ tầng nông thôn ở các xã, phường của thành phố cũng được đầu tư đồng bộ, khang trang. Đặc biệt, thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới được phát động từ cuối năm 2010, Tân An đã tranh thủ mọi nguồn lực để xây dựng và ngày càng hoàn thiện về hệ thống giao thông, trường học, điện, cơ sở vật chất văn hóa, y tế,... góp phần giúp thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019.

Xây dựng đô thị hiện đại

Với cơ chế tài chính riêng để đầu tư kết cấu hạ tầng trên địa bàn, đến nay, thành phố huy động nguồn vốn từ ngân sách, nhân dân và các nhà đầu tư với tổng số tiền trên 12.400 tỉ đồng để đầu tư kết cấu hạ tầng KT-XH, kiến trúc đô thị. 

Thành phố quan tâm đến cuộc sống người dân qua chương trình xây dựng nông thôn mới, xã văn hóa, phường văn minh đô thị. Nội ô thành phố với các công trình vui chơi, giải trí được xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hóa. Vóc dáng thành phố ngày càng khang trang, hiện đại với nhiều khu đô thị mọc lên; những tuyến phố văn minh được “dệt” nên từ sự chung tay, góp sức của những cư dân đô thị. Những dịch vụ tiêu dùng hiện đại chọn thị trường TP.Tân An để “đứng chân”,... Tất cả bắt nhịp cùng nhau, tạo nên một nhịp sống đô thị sôi động.

Để hoàn thiện sau khi được công nhận đô thị loại II, thành phố tiếp tục nâng chất các chỉ tiêu, kêu gọi đầu tư để phát triển đô thị, trong đó tập trung các dự án đô thị mới; quan tâm đầu tư xây dựng Chính quyền điện tử; nâng chất các loại hình thương mại - dịch vụ; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; phát triển công nghiệp sạch;... hướng đến xây dựng thành phố thông minh, phát triển bền vững.

UVBTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy - Lê Công Đỉnh cho biết, để tiếp tục triển khai, thực hiện đạt kết quả thiết thực Nghị quyết 02 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, giai đoạn tiếp theo, thành phố cần quản lý chặt chẽ quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng hạ tầng KT-XH bám sát vào các chỉ tiêu, tiêu chí đô thị loại I và các chỉ tiêu trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025; củng cố, tăng cường tiềm lực khoa học - công nghệ của thành phố, từng bước xây dựng và phát triển thành phố trở thành trung tâm ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ của tỉnh,...

Nhịp phố hiện đại mang theo niềm tin vào tương lai phía trước về sự bứt phá của đô thị trẻ năng động, đang phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đưa Tân An trở thành đô thị loại I./.

Thành phố duy trì tốc độ tăng giá trị sản xuất của các ngành chủ yếu ở mức cao, tốc độ gia tăng giá trị sản xuất giai đoạn 2016-2020 đạt 10,9%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng thương mại - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng và nông nghiệp. Thương mại - dịch vụ từng bước phát triển, thành phố có trên 900 doanh nghiệp, 9.240 hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động sản xuất, kinh doanh với tổng số vốn trên 3.560 tỉ đồng, trong đó có 40 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động địa phương.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết