Lễ công bố cặp cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp-PrayVo
Phát huy lợi thế
Cửa khẩu Quốc gia Mỹ Quý Tây (huyện Đức Huệ) được công bố vào ngày 31-7-2007 và cửa khẩu Bình Hiệp (thị xã Kiến Tường) được nâng cấp lên cửa khẩu Quốc tế, được công bố cặp cửa khẩu Bình Hiệp-PrayVo vào ngày 11-1-2011, mở ra một hướng mới về phát triển kinh tế khu vực biên giới của tỉnh Long An.
Trong Dự án được Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế cửa khẩu Long An đến năm 2030, trong đó xây dựng khu kinh tế cửa khẩu Long An thành một cực phát triển kinh tế công nghiệp, thương mại, dịch vụ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Khu kinh tế cửa khẩu Long An có diện tích tự nhiên 3.080ha, gồm 1 cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp và 1 cửa khẩu phụ Long Khốt, gồm: Thị trấn Mộc Hóa (nay là phường 1, phường 2, thị xã Kiến Tường); xã Bình Hiệp; xã Bình Tân; ấp 1 (xã Thạnh Trị); ấp Bình Tây 1, Bình Tây 2 (xã Bình Hòa Tây); ấp Bình Châu, ấp Rạch Mây (xã Tuyên Bình) và ấp 1, 2 (xã Vĩnh Bình). Cấu trúc không gian khu kinh tế được hình thành theo mô hình đô thị trung tâm Kiến Tường và 2 hành lang đô thị (Kiến Tường - Bình Hiệp và Bình Hiệp-Vĩnh Bình) gắn với 2 cửa khẩu dựa trên các tuyến Quốc lộ 62, Quốc lộ N1 (Đường tỉnh 831) và Đường tỉnh 831C.
Về định hướng phát triển không gian cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, Quyết định nêu rõ, các khu công nghiệp có diện tích 425ha bao gồm: Khu công nghiệp-dịch vụ-thương mại tổng hợp có quy mô khoảng 279ha được bố trí tại xã Bình Hiệp, phía Đông sông Vàm Rồ, hai bên trục Quốc lộ N1 với 4 loại hình công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gồm: Công nghiệp chế biến nông sản, bánh kẹo, bột gạo, các sản phẩm từ ngũ cốc, kho nông sản, thiết bị chế biến nông sản, cơ khí nông nghiệp,...
Khu công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp có quy mô 146ha được bố trí tại phía Đông trung tâm thị xã Kiến Tường, sát sông Vàm Cỏ Tây, có 3 loại hình công nghiệp chính, gồm: Công nghiệp sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ phụ phẩm nông nghiệp và các mặt hàng khác; công nghiệp hàng tiêu dùng may mặc, giày da, bao bì và tiểu thủ công nghiệp đan lát, đồ thủ công mỹ nghệ.
Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp và cửa khẩu Quốc gia Mỹ Quý Tây tạo điều kiện thuận lợi trong việc liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng bằng sông Cửu Long và nước bạn Campuchia. Thời gian qua, chính quyền 2 tỉnh Long An và Svay Rieng (Campuchia) phối hợp tốt trong tăng cường giải quyết các vấn đề có ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, thương mại dựa trên nguyên tắc hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.
Việc hợp tác, trao đổi kinh nghiệm thường xuyên giữa Long An với các tỉnh của Campuchia trong hoạt động điều hành, quản lý tại các cửa khẩu, đã thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân hai bên biên giới trong hoạt động mua bán, trao đổi, thông quan hàng hóa.
Người dân hai bên biên giới mua bán, trao đổi hàng hóa dễ dàng hơn
Khai thác tiềm năng
Thời gian qua, chính quyền 2 tỉnh khảo sát, nâng cấp, đầu tư hạ tầng một số công trình tại khu vực biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa. Tình hình nhập lậu qua biên giới của tỉnh có giảm hơn so với các năm trước, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững.
Chủ tịch UBND huyện Đức Huệ - Võ Văn Hy cho biết: “Tại chợ biên giới Mỹ Quý Tây, trung bình mỗi ngày có khoảng 500 - 700 người Việt Nam và Campuchia sang mua bán, trao đổi hàng hóa, trong đó người Việt Nam chiếm khoảng 60%. Hoạt động buôn bán diễn ra khá nhộn nhịp, việc giao thương hàng hóa giữa 2 bên biên giới góp phần nâng cao đời sống người dân. Huyện cũng mong tỉnh tiếp tục hỗ trợ kinh phí để đẩy nhanh tiến độ xây dựng cửa khẩu Mỹ Quý Tây, xây dựng 2 tuyến đường Tho Mo-Chân Tốc và Tho Mo-Cốc Rinh; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thứ cấp vào khu thương mại khu vực cửa khẩu”.
Hoạt động thương mại qua biên giới của Long An có chiều hướng phát triển tốt, từng bước đáp ứng nhu cầu giao lưu hàng hóa giữa 2 nước. Các chợ ở khu vực biên giới luôn tấp nập kẻ bán người mua, nhất là vào thời điểm cuối năm. Tại chợ biên giới Tho Mo, xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, trong cơ cấu hàng hóa lưu thông tự do ở đây, hàng Việt Nam chiếm khoảng 60%, hàng Thái Lan khoảng 20%, còn lại là hàng hóa của nước bạn Campuchia.
Anh Võ Thành Sơn - Trưởng Ban quản lý chợ Tho Mo, cho biết: "Từ khi cửa khẩu Mỹ Quý Tây được nâng cấp lên cửa khẩu quốc gia, tạo thuận lợi cho người dân 4 xã của nước bạn Campuchia sát biên giới Tho Mo qua lại mua bán, trao đổi hàng hóa với nhân dân trong huyện. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số vấn đề bất cập như tình trạng người dân qua bên kia biên giới đánh bạc, nạn buôn lậu thuốc lá diễn ra khá phổ biến, gây mất an ninh trật tự khu vực biên giới, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân. Vì vậy, các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần tăng cường công tác quản lý, cải cách, rút ngắn thủ tục hành chính tạo điều kiện cho người dân hai nước qua lại buôn bán được dễ dàng hơn".
Với lợi thế về vị trí địa lý và tiềm năng sẵn có, trong tương lai, nếu được quy hoạch, đầu tư, đẩy mạnh phát triển thì 2 cửa khẩu Bình Hiệp, Mỹ Quý Tây sẽ là điểm dừng chân lý tưởng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước./.
Song Hồng