Tiếng Việt | English

30/07/2018 - 13:46

Phòng, chống bạo lực gia đình - Chuyện không của riêng ai

10 năm thực hiện Luật phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ), số vụ bạo hành trên địa bàn tỉnh Long An giảm đáng kể. Các cấp, các ngành cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để hệ lụy của BLGĐ không còn xảy ra. Đây không chỉ là trách nhiệm của các thành viên trong gia đình mà còn của toàn xã hội.

Nơi “trút nỗi lòng”

Lập gia đình khi tuổi đời còn khá trẻ, lúc đầu, vợ chồng chị V.T.D., ngụ xã Thuận Bình, huyện Thạnh Hóa, rất yêu thương nhau. Ở xã biên giới, điều kiện sống còn khó khăn nhưng cả hai đều tích cực lao động, chăm lo cuộc sống; thế nhưng, khi anh H. - chồng chị D., bị tai nạn, anh thay đổi tính tình. Từ một người chồng, người cha hiền lành, có trách nhiệm, anh sa vào rượu chè. Sau mỗi cuộc nhậu, anh về đập phá đồ đạc và “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ. Chị D. nhiều lần nhẫn nhịn, khuyên can chồng nhưng vẫn không thay đổi được gì. Mỗi lần tham gia sinh hoạt phụ nữ (PN) tại ấp, chị đều giấu chuyện bị chồng bạo hành, thế nhưng, sau một trận đòn “thừa sống thiếu chết”, chị tìm đến nhà bà Tống Thị Hồng để lánh nạn.

Sinh hoạt các câu lạc bộ phụ nữ giúp phụ nữ chia sẻ những vướng mắc trong cuộc sống gia đình, góp phần hạn chế bạo lực gia đình

Sinh hoạt các câu lạc bộ phụ nữ giúp phụ nữ chia sẻ những vướng mắc trong cuộc sống gia đình, góp phần hạn chế bạo lực gia đình

Ngoài việc cho chị ở nhờ, bà Hồng còn tìm cách khuyên nhủ, giúp vợ chồng chị hàn gắn tình cảm. Ở vùng quê này, bà Hồng được biết đến là người hòa giải thành nhiều vụ mâu thuẫn gia đình. Bà nói: “Bản thân là người vợ, người mẹ nên tôi hiểu và thông cảm với PN. May mắn được nhiều người tín nhiệm nên trong khả năng của mình, tôi muốn giúp PN xây dựng gia đình để vợ chồng, các con của họ cùng chung sống trong một mái nhà ấm êm, hạnh phúc”.

Nhiều năm là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN) xã Long Cang, huyện Cần Đước, chị Nguyễn Thị Thu Thủy giúp không ít gia đình “gương vỡ lại lành”. Bản thân là thành viên Ban Hòa giải xã, mỗi lần hàn gắn được tình cảm của các cặp vợ chồng, chị thấy rất vui. Không biết tự bao giờ, gia đình chị trở thành “địa chỉ tin cậy”, được những nạn nhân BLGĐ đến “trút nỗi lòng”.

Chị kể, trong nhiều vụ hòa giải thành, chị ấn tượng nhất với trường hợp của chị N. và anh M. Hai người có với nhau 2 mặt con và mâu thuẫn bắt đầu khi chị N. đi làm công nhân. Áp lực công việc khiến tình cảm vợ chồng chị N. rạn nứt. Anh M. hay ghen tuông vô cớ, tỏ thái độ hằn học với vợ, con. Chị N. bỏ về nhà mẹ ruột. Mâu thuẫn ngày càng khó hóa giải, vợ chồng dự định ly hôn. Thấy con của chị N. thường sang nhà mình than buồn vì chuyện của cha mẹ, không muốn bọn trẻ phải sống chia lìa, chị Thủy tìm gặp anh M. và chị N. để khuyên can. Từ đó, cả hai vợ chồng đều nhận ra phần lỗi của mỗi người, trở về bên nhau và chung sống hạnh phúc đến ngày nay.

“Nếu như không được giải quyết kịp thời, BLGĐ sẽ để lại nhiều hệ lụy và những đứa trẻ trong gia đình sẽ chịu nhiều thiệt thòi. Tham gia hòa giải nhiều vụ, nếu vụ nào có thể cứu vãn được, tôi đều khuyên họ bao dung, tha thứ cho nhau” - chị Thủy chia sẻ.

Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, từ khi có Luật Phòng, chống BLGĐ, công tác phòng, chống BLGĐ trong tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác phối hợp truyền thông, giáo dục, vận động cộng đồng tham gia phòng, chống BLGĐ từng bước đi vào chiều rộng lẫn chiều sâu với nhiều loại hình hoạt động phong phú. Đặc biệt là công tác hòa giải, tư vấn, can thiệp, bảo vệ, ngăn chặn và đề nghị xử lý các vụ BLGĐ được các địa phương, cơ sở phối hợp thực hiện qua hoạt động của các ban, tổ hòa giải cơ sở, hoạt động của các nhóm phòng, chống BLGĐ, các câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững và địa chỉ tin cậy tại cộng đồng ngày càng đạt hiệu quả, góp phần làm giảm số vụ BLGĐ.

Chung tay đẩy lùi bạo lực gia đình

Theo Hội LHPNVN tỉnh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến BLGĐ, trong đó, chủ yếu là những mâu thuẫn trong gia đình chưa được hóa giải; trình độ nhận thức và sự hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế; những người có hành vi BLGĐ cho là chuyện riêng của gia đình, không muốn người khác can thiệp; bất bình đẳng giới trong gia đình không được phát hiện sớm và giải quyết triệt để; khó khăn về kinh tế; các tệ nạn xã hội; lạm dụng rượu, bia làm thay đổi suy nghĩ và mất đi tính tự chủ làm con người trở nên thô bạo hơn,... Đáng chú ý nhất, đa số nạn nhân BLGĐ thường cam chịu, không trình báo với các cơ quan chức năng vì nhiều lý do. Từ đó làm cho hành vi BLGĐ có cơ hội tiếp diễn với tính chất và mức độ nguy hiểm hơn.

Xây dựng gia đình hạnh phúc để không còn bạo lực gia đình

Xây dựng gia đình hạnh phúc để không còn bạo lực gia đình 

Phó Chủ tịch Hội LHPNVN tỉnh - Đỗ Thị Kim Thắm cho biết, BLGĐ không chỉ gây tổn thương đến đời sống tình cảm, tâm lý, danh dự, tính mạng của các nạn nhân mà còn làm rạn nứt, suy giảm sự bền vững của gia đình hay tan vỡ hạnh phúc gia đình dẫn đến ly hôn, ảnh hưởng đến tâm lý, quá trình học tập và trưởng thành của con trẻ; gây tác động tiêu cực đến sự ổn định và phát triển của xã hội, vi phạm các chuẩn mực đạo đức và tiếp tay cho sự gia tăng các tệ nạn xã hội.

Hàng năm, các ngành đều thống kê số vụ BLGĐ nhưng con số này còn khá khiêm tốn, thường là PN bị bạo hành. PN thường là những người cam chịu, âm thầm che giấu vì nhiều nguyên nhân.

Thời gian tới, để tiếp tục hạn chế tình trạng BLGĐ, bà Thắm cho rằng, PN là người vun vén, chăm lo cho gia đình, vì vậy, PN cần có cách cư xử khéo léo, giữ gìn đạo đức, lối sống, làm gương nuôi dạy các con. PN cần mạnh dạn, kịp thời thông tin, phản ánh những biểu hiện liên quan BLGĐ đến chính quyền địa phương, hội cơ sở để có biện pháp hỗ trợ. Ngoài ra, PN tránh những ảnh hưởng từ mặt trái cơ chế thị trường; tích cực học tập, lao động sáng tạo để có thêm kiến thức, sự hiểu biết, tạo “kháng thể” bảo vệ cho mình,...

Phòng, chống BLGĐ không chỉ là trách nhiệm của các thành viên cùng vun vén cho tổ ấm mà còn là của cộng đồng và xã hội. Các cấp, các ngành cần quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Phòng, chống BLGĐ.

Cuộc sống gia đình không phải lúc nào cũng ngọt ngào mà đôi khi “cơm không lành, canh không ngọt”, những lúc như thế, người PN cần bình tĩnh, dung hòa mâu thuẫn trong gia đình và cần nhận thức rõ vai trò của bản thân, tự cứu mình nhằm hạn chế tình trạng BLGĐ./.

Bạo hành gia đình là một dạng thức của bạo lực xã hội, là “hành vi cố ý của các thành viên gia đình gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại... với các thành viên khác trong gia đình”. (Điều 1, Luật Phòng, chống BLGĐ).

10 năm qua, toàn tỉnh xảy ra khoảng 5.200 vụ BLGĐ (phụ nữ bị BLGĐ chiếm tỷ lệ cao nhất). Số vụ BLGĐ được phát hiện giảm qua các năm (năm 2009: Hơn 1.200 vụ, năm 2017: 135 vụ).

Từ năm 2008 đến nay, chính quyền, các ngành chức năng và tổ hòa giải ở cơ sở hòa giải trên 2.000 vụ BLGD; đưa ra cộng đồng dân cư góp ý, phê bình hơn 1.800 trường hợp; áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc 14 đối tượng có hành vi BLGĐ; áp dụng biện pháp giáo dục 91 đối tượng; xử phạt hành chính 524 đối tượng; xử lý hình sự 65 đối tượng có hành vi BLGĐ nghiêm trọng.

Hiện nay, toàn tỉnh có 2 cơ sở bảo trợ xã hội và 911 cơ sở khám, chữa bệnh; trên 680 nhóm phòng, chống BLGĐ (gần 4.500 thành viên), 714 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững (khoảng 10.600 thành viên), trên 1.000 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng,... tham gia can thiệp, bảo vệ, hỗ trợ giúp đỡ nạn nhân BLGĐ. Từ năm 2009 đến nay, toàn tỉnh hỗ trợ, tư vấn trên 2.000 lượt nạn nhân BLGĐ,...

(Nguồn UBND tỉnh)

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết