Tiếng Việt | English

23/11/2022 - 18:40

Phòng, chống bạo lực học đường

Một buổi sinh hoạt dưới cờ tại Trường THCS Lý Tự Trọng (phường 4, TP.Tân An, tỉnh Long An), thay vì đánh giá lại việc thực hiện nề nếp học tập của các lớp trong tuần qua, Ban Giám hiệu nhà trường lại tổ chức tuyên truyền, tư vấn, đối đáp với học sinh (HS) về phòng, chống tệ nạn xã hội và bạo lực học đường (BLHĐ).

Một buổi sinh hoạt dưới cờ lồng ghép tuyên truyền phòng, chống bạo lực học đường tại Trường THCS Lý Tự Trọng

Đây cũng là một trong những hoạt động thường xuyên được Trường THCS Lý Tự Trọng thực hiện. Tại buổi sinh hoạt, nguyên Phó Trưởng Công an TP.Tân An - Nguyễn Văn Nghiêm tuyên truyền cho HS về những hậu quả của BLHĐ. Ông dẫn chứng một số vụ việc BLHĐ xảy ra trong thời gian gần đây cũng như giải đáp những thắc mắc của HS. Qua đó, giúp HS hiểu một cách đầy đủ, nhận biết về hành vi bạo lực và cách phòng tránh.

Ngoài ra, những vấn đề liên quan đến tâm lý, giới tính, sức khỏe sinh sản tuổi vị thành niên,... cũng được Tổ tư vấn tâm lý học đường của trường quan tâm, can thiệp kịp thời. Phụ trách chính hoạt động này là Tổng phụ trách Đội - Trần Thị Liên Minh.

20 năm làm Tổng phụ trách Đội, cô Liên Minh cho rằng, muốn phòng, chống BLHĐ cần quan tâm tư vấn tâm lý cho HS. Hoạt động này tại trường thường được lồng ghép trong việc tuyên truyền về quyền trẻ em. Không chỉ sinh hoạt dưới cờ theo chủ đề, chủ điểm của tuần, tháng, giáo viên chủ nhiệm còn đưa vấn đề về BLHĐ vào hoạt động ngoại khóa, những tiểu phẩm, xử lý tình huống. Điều đó giúp những giờ tư vấn, tuyên truyền về BLHĐ không chỉ là đọc văn bản mà còn được minh họa cụ thể.

Em Võ Bằng An (HS lớp 8/6) chia sẻ: “Em nhận thấy những buổi sinh hoạt dưới cờ khá vui với những hoạt động thú vị được cô Tổng phụ trách Đội dẫn dắt. Bên cạnh đó, trường có tổ tư vấn tâm lý, các thầy, cô rất gần gũi nên khi cần lời khuyên, chúng em sẽ mạnh dạn giãi bày, thoải mái chia sẻ như với những người bạn. Nhiều vấn đề khúc mắc trong cuộc sống gia đình, việc học tập, các mối quan hệ thầy cô, bạn bè, tình cảm,... được giáo viên lắng nghe, chia sẻ, gợi ý giải pháp trên nguyên tắc giữ bí mật, tôn trọng quyền quyết định của HS”.

Tại Trường THCS Lý Tự Trọng, số điện thoại của Tổng phụ trách Đội được công khai. Khi HS gặp vấn đề có thể trực tiếp gặp cô Liên Minh để được tư vấn hoặc có thể giải đáp gián tiếp qua mạng xã hội như Zalo, Facebook.

“Góp phần ngăn chặn tình trạng BLHĐ không chỉ có vai trò của Ban Giám hiệu mà còn có sự hỗ trợ nhiệt tình của giáo viên chủ nhiệm. Các thầy, cô chủ nhiệm là người theo sát, nắm rõ hoàn cảnh gia đình cũng như tâm lý HS. Vì vậy, khi có những biểu hiện, mâu thuẫn nhỏ giữa HS, giáo viên chủ nhiệm sẽ có biện pháp can thiệp kịp thời” - cô Liên Minh nói.

Trường THCS Lý Tự Trọng có trên 1.060 HS với 25 khối lớp. Thời gian qua, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, tư vấn,... trường chưa xảy ra tình trạng BLHĐ ở trong và ngoài nhà trường. Phó Bí thư Thành Đoàn Tân An - Huỳnh Thị Thùy Linh cho biết, Thành Đoàn phát động đến tất cả trường học trên địa bàn thành phố thực hiện phong trào “Xây dựng tình bạn đẹp - nói không với BLHĐ”. Đồng thời, xây dựng diễn đàn tuyên truyền tại các trường THPT hoặc THCS, trong đó, Trường THCS Lý Tự Trọng là một trong những đơn vị thường xuyên thực hiện sân khấu hóa bằng các mẩu chuyện đời thường về Bác Hồ, tình bạn, các chủ đề phòng, chống BLHĐ,... qua đó, ít nhiều hạn chế được tình trạng BLHĐ./.

Nguyệt Nhi

Chia sẻ bài viết