Tôi rất thống nhất với ý kiến: “Tuyên truyền phòng, chống thanh, thiếu niên (TTN) vi phạm pháp luật” đăng trên Báo Long An thứ ba, ngày 14/11/2017, của bạn đọc Tuấn Anh, bởi thời gian qua, số vụ vi phạm pháp luật do TTN gây ra có chiều hướng ngày càng tăng, trong đó, nhiều vụ có tính chất, mức độ nghiêm trọng.
Ngoài những hành vi trộm cắp, đánh nhau, gây mất an ninh, trật tự,... cũng có những trường hợp TTN phạm vào các tội nguy hiểm: Cướp tài sản, buôn bán ma túy,... Không chỉ ở đô thị mà cả nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các đối tượng này cũng gây ra nhiều vụ án nghiêm trọng. Hầu hết các TTN phạm tội có trình độ học vấn thấp, không việc làm, lười lao động, sớm rời khỏi sự quản lý, giáo dục của gia đình và nhà trường. Có trường hợp do tuổi đời còn nhỏ, thiếu hiểu biết về pháp luật, nên không ý thức được hậu quả mình gây ra.
Để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng TTN vi phạm pháp luật, cần quan tâm, tăng cường mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong công tác quản lý, giáo dục học sinh. Tuyên truyền, vận động các gia đình quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống và thường xuyên liên hệ nhà trường trong việc quản lý, giáo dục con em. Nhà trường, ngoài việc truyền thụ kiến thức, cần quan tâm giáo dục pháp luật, đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh; đổi mới phương pháp tuyên truyền về kiến thức pháp luật, phòng ngừa việc học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật và bạo lực học đường.
Tuổi trẻ là tương lai đất nước. Đất nước sẽ ra sao nếu TTN không được học hành, dạy bảo tử tế và liên tiếp gây ra các vụ vi phạm pháp luật? Vì vậy, gia đình, nhà trường và các cơ quan chức năng, bằng nhiều hình thức cần tuyên truyền kiến thức pháp luật; giáo dục và rèn luyện nhân cách cho TTN ngay từ khi còn nhỏ để ý thức được hành vi của mình, không vi phạm pháp luật, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phát triển, tiến bộ./.
Huỳnh Huy