Tiếng Việt | English

30/08/2017 - 08:47

Quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh

Năm học mới bắt đầu, học sinh các cấp háo hức đến trường. Trong bộn bề nỗi lo đầu năm học mới, với thầy, cô giáo và phụ huynh thì nỗi lo về trẻ em hư, vi phạm pháp luật, học sinh cá biệt luôn canh cánh trong lòng.

Cùng với sự quan tâm, đầu tư của toàn xã hội, kết quả và chất lượng giáo dục nước nhà không ngừng được nâng lên. Nhưng điều mà nhiều người chưa an tâm là môi trường xã hội chưa an toàn, còn nhiều tệ nạn, game đen, tai nạn giao thông, bạo hành trong gia đình,... ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống và sự phát triển nhân cách của học sinh. Bạo lực xâm nhập học đường, nhiều vụ học sinh đánh nhau, gây thương tích, vi phạm pháp luật, xúc phạm thầy, cô giáo vẫn còn xảy ra. Chính vì vậy, bên cạnh giáo dục tri thức, văn hóa, nhà trường cần hết sức quan tâm dạy làm người, giáo dục phẩm chất đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh. Qua đó, góp phần xây dựng những “chủ nhân tương lai của đất nước” phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học; phát triển nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước.

Năm học 2017-2018, ngành Giáo dục và Đào tạo Long An xác định: Tiếp tục tăng cường nề nếp, kỷ cương; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh; tập trung nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học và trình độ đào tạo; quan tâm phát triển phẩm chất, năng lực người học; chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống và ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh, sinh viên. Như vậy, bên cạnh chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh nhà rất quan tâm việc xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức thức chấp hành pháp luật cho học sinh. Đó là những mục tiêu hết sức thiết thực và tốt đẹp.

Bên cạnh nhà trường, cần sự chung tay của gia đình và xã hội trong việc giáo dục con em. Mỗi gia đình phải luôn xây dựng môi trường thân thiện, hạnh phúc, quan tâm, chăm sóc lẫn nhau, dành thời gian, điều kiện tốt nhất để nuôi dạy con cháu. Với xã hội, cần phát huy trách nhiệm của cộng đồng, đoàn thể trong tuyên truyền, vận động, xây dựng môi trường an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất bạo lực, xâm hại trẻ em; xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, bài trừ tệ nạn xã hội; phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; giáo dục ý thức chấp hành pháp luật và bảo vệ trẻ em an toàn khi tham gia giao thông; triệt phá các băng, nhóm tội phạm liên quan đến trẻ em; xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh game có nội dung độc, xấu;...

Khi nói chuyện với học sinh, Bác Hồ dạy: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Vì vậy, giáo dục đạo đức cho học sinh luôn là công việc quan trọng./.

Kim Quy

Chia sẻ bài viết