Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, là cái nôi hình thành và phát triển nhân cách của con người. gia đình chính là tổ ấm thân thiết, là nơi trú ngụ của những trái tim luôn quan tâm, chia sẻ, gắn kết, chăm sóc, che chở nhau.
Chính nơi đây, các thế hệ sống chung trong một mái nhà đã trao đổi, truyền nhận những kinh nghiệm, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. Tình yêu gia đình chính là nền tảng của tình yêu quê hương, phát triển lớn lên thành tình yêu đồng bào, Tổ quốc. Trong Tổ quốc có tổ ấm của mỗi người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nhiều gia đình cộng lại thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Từ đạo lý truyền thống nghìn đời của dân tộc, từ tư tưởng của Bác Hồ về gia đình, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 72/TTg, ngày 4-5-2001 chọn ngày 28-6 hằng năm là Ngày Gia đình Việt Nam nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo các cấp, các ngành, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong xu thế phát triển nhanh chóng của xã hội, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) đã ban hành Chỉ thị 49-CT/TW, ngày 21-2-2005 về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đảng, Nhà nước ta đã quan tâm, tăng cường phong trào xây dựng gia đình văn hóa, nếp sống văn minh nhằm củng cố, kế thừa, phát huy những giá trị tốt đẹp của gia đình, đồng thời tiếp thu có chọn lọc những giá trị mới, tiến bộ.
Ngày nay, trong vòng xoáy và mặt trái của cơ chế thị trường, một số giá trị tốt đẹp của gia đình bị lung lay, tình trạng bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em gia tăng; thậm chí chỉ vì tranh giành lợi ích nhỏ trong gia đình, họ tộc mà có những người rơi vào cảnh tù tội, ly tan; tình trạng ly hôn có xu hướng tăng nhanh kéo theo sau là những đứa trẻ không nơi nương tựa, bị tổn thương về tinh thần; vì chạy theo đồng tiền mà nhiều gia đình thiếu sự quan tâm nhau, không còn dành thời gian sum họp, bữa cơm gia đình vắng lạnh,... Những hệ lụy đó đang từng ngày, từng giờ tác động, xâm nhập vô từng gia đình, làm xói mòn gia phong, đạo đức, gây nguy cơ tan vỡ gia đình, tạo gánh nặng cho xã hội,...
Kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28-6 hằng năm chính là dịp nhắc nhở mọi người hãy quan tâm, dành tình cảm và thời gian chăm sóc gia đình mình, vì “Dù là vua hay dân cày, người nào tìm thấy sự yên ổn dưới mái ấm gia đình là kẻ sung sướng nhất”. Trong dòng chảy của cuộc sống, phải dành thời gian cho “Bữa cơm gia đình - ấm áp yêu thương”, đó là dịp sum họp để quan tâm, chia sẻ, bảo ban nhau; có nhiều bài học làm người bắt đầu từ những bữa ăn,...
Kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam cũng là sự kiện văn hóa nhằm đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các gia đình quan tâm đến công tác gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc để làm cho xã hội tốt đẹp hơn./.
Kim Quy