Rác và xử lý rác thải đang là vấn đề làm “đau đầu” các nhà quản lý xã hội. Do thói quen xấu, nhiều người vứt rác bừa bãi ra ngoài gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị. Ở nông thôn, tiêu chí môi trường, trong đó có vấn đề thu gom, xử lý các loại rác luôn “làm khó” chính quyền các cấp trong công nhận xã nông thôn mới.
Vấn đề thu gom, xử lý rác thải đã được bàn bạc, mổ xẻ rất nhiều nhưng hiện chưa có giải pháp xử lý căn cơ, triệt để. Muốn giải quyết vấn nạn này, cần nhiều giải pháp từ nhận thức, kiểm soát lẫn nguồn lực (con người, phương tiện, kinh phí)...
Trước hết, về ý thức, trong xã hội vẫn còn nhiều người có thói quen xấu là tiện tay vứt rác ở bất cứ nơi đâu. Từ đó, rác, nhất là bịch nylon xuất hiện ở mọi nơi: Đường phố, vỉa hè, kênh rạch, chợ, công viên, bến xe,... tạo cảnh nhếch nhác, phản cảm, gây ách tắc dòng chảy, phải mất rất nhiều thời gian, công sức để xử lý, khắc phục. Ngoài ra, các hộ gia đình chưa có thói quen phân loại rác tại nguồn làm cho việc phân loại, xử lý, tái chế của nhà máy rác khó khăn rất nhiều. Một số gia đình không ký hợp đồng thu gom rác, ném rác bừa bãi ra môi trường.
Ở nông thôn, nhiều nơi xe thu gom rác không đến được, rác được tự xử lý bằng cách chôn lấp, đốt. Riêng các loại rác từ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, rác vô cơ khó phân hủy đã góp phần gây ô nhiễm môi trường. Một số nơi, rác bị nước cuốn ra sông, rạch, biển,...
Do vậy, muốn xử lý rác, cần thay đổi thói quen, tập quán sống, nâng cao ý thức bảo vệ cảnh quan, môi trường trong nhân dân, nhất là học sinh. Cần tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các mô hình thu gom, xử lý rác như: Thay bịch nylon bằng lá, giấy, giỏ xách,...; tổ chức vệ sinh môi trường (Ngày Chủ nhật xanh, chiến dịch hè tình nguyện), xây dựng các tuyến đường hoa, lò đốt rác gia đình; xây dựng các điểm tập kết rác vô cơ, rác độc hại. Ở các nơi có hệ thống giao thông thuận tiện, cần tổ chức tốt công tác thu gom; tổ chức phân loại rác tại nguồn.
Bên cạnh đó, tăng cường giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vứt rác bừa bãi gây xấu cảnh quan, ô nhiễm môi trường. Giao trách nhiệm cho các đoàn thể, nhất là Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân trong tuyên truyền, vận động, xây dựng mô hình, phong trào về tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp, bảo vệ môi trường, thay đổi thói quen tiêu dùng, giữ gìn vệ sinh nơi công cộng,…
Bảo vệ môi trường phải bắt đầu từ hành vi đơn giản nhất là không xả rác bừa bãi, nhất là rác nylon, phân loại rác tại nguồn, thực hiện đúng, đủ nghĩa vụ về môi trường. Bảo vệ môi trường hôm nay chính là bảo vệ cuộc sống của chúng ta trong tương lai./.
Kim Quy