Rác thải nguy hại được các doanh nghiệp gom vào vị trí riêng để chờ đơn vị chức năng vận chuyển và xử lý
Giảm áp lực cho địa phương
Vấn đề xử lý rác thải tại K,CCN luôn được các cấp lãnh đạo quan tâm. Các DN ý thức được việc bảo vệ môi trường nên tự giác chấp hành, thông qua chủ đầu tư hạ tầng hoặc ký hợp đồng trực tiếp với công ty đủ chức năng. DN phân loại rác đầu nguồn (chủ yếu theo tính chất mỗi loại chia thành rác thông thường), đơn vị thu gom đến thu gom và đưa về nơi xử lý theo quy định.
Rác thải ở K,CCN không còn là vấn đề “nóng” ở Đức Hòa như thời gian trước; việc xử lý không gây nhiều áp lực đối với địa phương. Theo UBND huyện, thời gian qua, Nhà máy Xử lý rác thải Tâm Sinh Nghĩa (huyện Thạnh Hóa) ngưng tiếp nhận rác sinh hoạt của địa phương nên xảy ra tình trạng tồn, ứ rác ở một số nơi, chủ yếu là nguồn rác thải sinh hoạt của người dân. Tỉnh, huyện phối hợp để giải quyết tình trạng trên và cơ bản tạm ổn. Đối với K,CCN hoạt động trên địa bàn, rác thải tại đây không gây áp lực cho việc quản lý nhà nước bởi các đơn vị ý thức cao và tự giác chấp hành xử lý rác thải.
Rác thải sinh hoạt gây áp lực cho một số địa phương trong việc quản lý
Tuy nhiên, một số nơi gần K,CCN phát sinh chợ tự phát nên hình thành bãi rác, gây phản cảm và ban đêm, một số đơn vị thu gom đổ trộm rác thải trên vài tuyến đường. Huyện tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh nhằm xử lý dứt điểm tình trạng trên.
Tại KCN Hải Sơn (huyện Đức Hòa), không chỉ chủ đầu tư ký hợp đồng thu gom mà hầu hết rác thải (chủ yếu nguy hại) của DN thứ cấp được thu gom và xử lý riêng. Các DN thực hiện nghiêm túc việc bảo vệ môi trường, chủ đầu tư còn trồng thêm cây xanh để tạo cảnh quan cho toàn khu.
Rác thải thông thường tại các khu, cụm công nghiệp được xử lý tốt, không gây áp lực trong công tác quản lý (đội ngũ thu gom rác thải thông thường tại khu công nghiệp Nhựt Chánh thu gom rác vứt bừa bãi về đúng nơi quy định)
Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hải Sơn, chủ đầu tư hạ tầng KCN Hải Sơn - Phan Thanh Phong cho biết: “Rác thải thông thường trong khu được Công ty TNHH MTV Công trình đô thị Đức Hòa thu gom, xử lý. Đơn vị có nhà chứa rác thải nguy hại, ký hợp đồng với công ty đủ chức năng để xử lý. Một số DN thứ cấp còn ký riêng với công ty khác để xử lý rác thải nguy hại, bảo đảm theo quy định. Hiện nay, lượng rác thải của khu (không tính các DN thứ cấp) hơn 5,7 tấn/năm, trong đó, rác thông thường khoảng 5,4 tấn, rác nguy hại trên 300kg (thống kê năm 2016 báo cáo về Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT)).
Huyện Cần Giuộc gần như không phải chịu áp lực xử lý rác thải công nghiệp. Theo Phó Trưởng phòng TN&MT huyện - Nguyễn Thị Mộng Thu, huyện có 5 KCN đang hoạt động, số lượng rác thải của các khu rất ít. Toàn huyện có khoảng 50 tấn rác sinh hoạt/ngày đêm, trong đó, các DN hoạt động sản xuất chiếm khoảng 10% lượng rác thải. Rác từ các KCN được xử lý tốt nên không xảy ra tình trạng ứ đọng. Tuy nhiên, không vì thế mà huyện lơ là kiểm tra, quản lý. Hiện nay, huyện chịu áp lực lớn từ rác sinh hoạt của người dân, trung bình một năm cần khoảng 14 tỉ đồng để thu gom và xử lý rác nhưng tiền thu từ người dân chỉ khoảng 2,7-3 tỉ đồng/năm.
Rác thải nguy hại được các doanh nghiệp gom vào vị trí riêng để chờ đơn vị chức năng vận chuyển và xử lý
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, tất cả DN hoạt động tại K,CCN trên địa bàn đều có hợp đồng thu gom và xử lý rác thải. Mỗi ngày, rác thải tại K,CCN gần 61 tấn, trong đó, rác thông thường hơn 49 tấn rác, nguy hại hơn 11 tấn; thu gom và xử lý đạt 100%. |
Xử lý tốt
Hiện nay, tất cả K,CCN hoạt động trên địa bàn tỉnh đều có hợp đồng thu gom và xử lý rác thải đúng quy định, ý thức bảo vệ môi trường của các DN được cải thiện. Một số nơi chủ động phối hợp ngành chức năng, địa phương thực hiện tốt việc xử lý rác thải, trồng cây xanh để bảo vệ môi trường.
Theo Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Dịch vụ Thương mại Kiến Thành, chủ đầu tư hạ tầng CCN Kiến Thành (huyện Cần Đước) - Châu Văn Phe, việc thu gom và xử lý rác thải của cụm được bảo đảm tốt.
Huyện Bến Lức luôn xác định bảo vệ môi trường là tiêu chí hàng đầu. Từ đầu năm, huyện triển khai nhiều giải pháp bảo đảm xử lý tốt rác thải từ hoạt động công nghiệp trên địa bàn. Phối hợp các sở, ban, ngành tỉnh tăng cường kiểm tra các hoạt động xả thải, thu gom và xử lý rác thải của các DN. Bên cạnh đó, giáo dục ý thức, kêu gọi cộng đồng cùng tham gia bảo vệ môi trường, nhất là trong việc thu gom, xử lý rác thải.
Tại KCN Nhựt Chánh (xã Nhựt Chánh huyện Bến Lức), việc xử lý rác thải khá thuận lợi. Chủ đầu tư hạ tầng trang bị đầy đủ thùng rác trên các tuyến đường trong khu nhằm tập kết rác thải thông thường và đơn vị chức năng đến để đưa đi xử lý. Phối hợp ngành chức năng giám sát, kiểm tra việc xử lý rác thải nguy hại của các DN thứ cấp đúng quy định.
Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh Yến, chủ đầu tư hạ tầng KCN Nhựt Chánh - Huỳnh Thanh Bảo chia sẻ: “Hiện, có trên 20 DN hoạt động trong khu, lượng rác thải phát sinh rất ít. Rác thải thông thường được công ty ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Cấp nước và Đô thị Bến Lức, mỗi tuần 3 lần đến thu gom và xử lý. Trong khu có riêng đội ngũ chuyên thu gom rác thải trên các tuyến đường về đúng vị trí. Các DN thứ cấp có đầy đủ hợp đồng thu gom và xử lý rác thải nguy hại với đơn vị đủ chức năng để xử lý”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Lê Thành Út thông tin: “Lượng rác thải từ hoạt động công nghiệp không nhiều. Trên địa bàn có 6 KCN, 5 CCN đang hoạt động, tất cả có hợp đồng thu gom và xử lý, thực hiện nghiêm túc. Từ đầu năm đến nay, huyện không phát hiện trường hợp vi phạm nào. Huyện không chủ quan, lơ là mà chủ động trong việc kiểm tra, giám sát các đơn vị, bảo đảm xử lý tốt rác thải tại K,CCN”.
Phó Giám đốc Sở TN&MT - Nguyễn Tân Thuấn đánh giá, việc xử rác thải tại K,CCN trên địa bàn tỉnh tương đối tốt. Hầu hết DN đều có hợp đồng thu gom và xử lý. Sở thường xuyên phối hợp các địa phương tăng cường giám sát, kiểm tra vấn đề này nhằm bảo đảm thực hiện tốt hơn nữa.
"Các sở, ban, ngành, địa phương liên quan phải quản lý chặt chẽ vấn đề thu gom và xử lý rác thải tại các K,CCN. Sở TN&MT kiểm tra tình hình các bãi rác lộ thiên trên địa bàn, tăng cường phối hợp địa phương có nhiều K,CCN và làm việc với các đơn vị ký hợp đồng thu gom để kiểm tra tận nơi việc thực hiện đúng như hợp đồng đã ký. Cảnh sát môi trường phải tham gia cùng sở, ngành, địa phương liên quan kiểm tra các DN trong K,CCN, xác định chính xác khối lượng rác thải nguy hại của từng đơn vị để giám sát và có biện pháp xử lý kịp thời - nếu đơn vị vi phạm hoặc cố tình gian dối khi kê khai." Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh
|
Thanh Mỹ