Tiếng Việt | English

01/08/2018 - 21:08

Sẵn sàng cơ động ứng phó sự cố, thiên tai những tháng cuối năm

Từ nay đến cuối năm 2018 sẽ có 4-5 cơn bão gây ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta, bên cạnh đó, dự báo tình hình thời tiết, khí hậu tiếp tục có những diễn biến phức tạp khó lường cần chủ động ứng phó.

Ban chỉ huy phòng chống thiên tai xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội tổ chức di dân đến nơi an toàn. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 264/TB-VPCP thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp tổng kết công tác của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn từ năm 2017 đến nay, triển khai công tác những tháng cuối năm 2018. 

Phó Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương tinh thần, trách nhiệm, hành động quyết liệt, kịp thời, có hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương, các thành viên Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn. 

Từ năm 2017 đến nay, tuy xảy ra nhiều vụ việc, sự cố phức tạp nhưng có sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, sự tích cực chủ động trong điều hành ứng phó của lãnh đạo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, sự phối hợp triển khai nghiêm túc của các bộ, ngành, địa phương nhất là vai trò của lực lượng cứu hộ, cứu nạn trong đó lực lượng vũ trang là nòng cốt, sự vào cuộc, trách nhiệm của người dân đã giảm thiểu rất lớn thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số tồn tại cần phải sớm khắc phục để đảm bảo yêu cầu cao nhất là bảo vệ tính mạng của người dân.

Cụ thể, nhận thức về phòng chống thiên tai, ứng phó sự cố, cứu hộ, cứu nạn của một bộ phận cán bộ, người dân chưa thật đầy đủ; công tác di dời hộ dân, sắp xếp nơi neo đậu tàu thuyền còn nhiều bất cập; trách nhiệm của cán bộ xã, thôn, bản, cụm dân cư có nơi chưa làm tốt công tác tuyên truyền, thông báo, cảnh báo nguy hiểm khi có tình huống bão, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất cho người dân… 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ rõ, từ nay đến cuối năm 2018, dự báo tình hình thời tiết, khí hậu tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường; thời tiết trên biển, vùng ven bờ tiếp tục có khả năng diễn biến phức tạp hơn, theo dự báo từ nay đến cuối năm có khoảng 8-10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hình thành trên Biển Đông, trong đó 4-5 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp vào nước ta.

Bên cạnh đó, các hoạt động sản xuất phục vụ phát triển kinh tế-xã hội cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tai nạn, sự cố. 

Để chủ động, hoàn thành tốt nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn từ nay đến cuối năm 2018, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm. 

Trước mắt các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ vừa qua theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung công tác tìm kiếm cứu nạn những người còn đang bị mất tích, phòng ngừa dịch bệnh, khôi phục sản xuất để sớm ổn định đời sống, sinh hoạt cho người dân vùng bị bão, mưa lũ, đặc biệt có phương án đề phòng mưa to gây lũ ống, lũ quét để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. 

Các đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 03/02/2016 của Thủ trướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn giai đoạn 2016-2020, các văn bản chỉ đạo có liên quan thuộc lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, đề cao trách nhiệm của các cấp các ngành trong công tác ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, không chủ quan trong nhận thức, đơn giản trong xây dựng kế hoạch, biện pháp thực hiện; nâng cao hiệu quả công tác dự báo, cảnh báo, ý thức phòng, tránh cho người dân để giảm thiểu tổn thất về tính mạng và tài sản. 

Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các phương án ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra trên từng địa bàn; đặc biệt các khu vực có nguy cơ cao về sự cố, thiên tai; kế hoạch, phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão; mưa lũ đặc biệt lớn, sạt lở đất trên diện rộng, động đất, sóng thần sát tình hình thực tế của từng địa phương; khẩn trương hoàn chỉnh Kế hoạch ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở các cấp; kế hoạch quốc gia ứng phó 12 tình huống cơ bản. 

Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương duy trì tốt các chế độ ứng trực về lực lượng, phương tiện; sẵn sàng cơ động ứng phó, xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống, nhất là ở các địa bàn trọng điểm; phối hợp tốt giữa các cơ quan, đặc biệt là giữa Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai trong công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. 

Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nước, thế giới vào lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; tham gia các hoạt động tập huấn, diễn tập song phương, đa phương với các nước trong khu vực và quốc tế. 

Phó Thủ tướng lưu ý ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các chỉ thị, công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; chủ động phối hợp hiệp đồng với các đơn vị lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn rà soát, bổ sung kế hoạch, phương án ứng phó; tổ chức diễn tập phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn an toàn, hiệu quả, đúng kế hoạch. 

Khi có bão mạnh đổ bộ vào đất liền, dự báo mưa lớn gây ngập úng, lũ ống, lũ quét cần chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân thu hoạch sớm hoa màu, thủy hải sản, di dời lồng bè, chằng chống nhà cửa, kiên quyết di dời dân sơ tán đến nơi an toàn; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả các tình huống sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn…/. 

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết