Tiếng Việt | English

14/10/2016 - 20:03

Sai lầm vì tự ý cho trẻ uống thuốc khi bị tiêu chảy

BS Hoàng Thị Năng, BV Đa khoa Medlatec: sai lầm đầu tiên đó là việc tự ý cho trẻ dùng thuốc chống nôn, thuốc cầm đi ngoài để hạn chế tiêu chảy.

Theo Ths.BS Hoàng Thị Năng, Khoa Nhi (BV Đa khoa Medlatec), nhiều bà mẹ sai lầm vì tự ý điều trị bệnh cho trẻ khi bị tiêu chảy khiến bệnh kéo dài và trở nặng hơn. Đó là tự ý cho trẻ uống thuốc, kiêng khem quá mức cần thiết hoặc đánh giá sai hoặc đoán nhầm bệnh của con.

Uống kháng sinh không đúng liều có nguy cơ làm trẻ bị ngộ độc

BS Năng cho biết, sai lầm đầu tiên đó là việc tự ý cho trẻ dùng thuốc chống nôn, thuốc cầm đi ngoài.

Việc làm này là rất nguy hiểm vì có thể dẫn đến tình trạng trẻ ngủ nhiều, không nôn, gây khỏi bệnh giả tạo, nhưng thực chất lại khiến bệnh lâu khỏi và trầm trọng hơn. Càng kéo dài càng khiến bệnh tiêu chảy trở nặng, trẻ bị mất nước nhiều và có thể tử vọng nếu không kịp thời chữa trị.

“Một số mẹ còn tự ý cho trẻ uống những loại thuốc nam không rõ nguồn gốc mà không biết chúng có thể ảnh hưởng đến gan và thận, nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng trẻ”, BS Năng cho biết.

Ngoài ra, rất nhiều bà mẹ có thói quen tự cho con mình uống thuốc kháng sinh khi bị tiêu chảy. Đây là cách chữa sai lầm vì uống kháng sinh không đúng liều lượng có nguy cơ làm trẻ bị ngộ độc, bị rối loạn tiêu hóa, dẫn đến tiêu chảy kéo dài.

Trẻ bị tiêu chảy cần được sự thăm khám của bác sĩ và xét nghiệm để tìm nguyên nhân.

BS Năng khuyến cáo, khi phát hiện trẻ bị mắc bệnh, bạn cần cho trẻ đến khám bác sĩ và uống thuốc kháng sinh theo đúng chỉ dẫn.

Dinh dưỡng cho trẻ khi bị tiêu chảy

Đối với việc kiêng ăn thịt, cá, trứng, sữa, chỉ ăn cháo trắng khi trẻ bị tiêu chảy, BS Năng cho rằng, quan điểm này chỉ khiến trẻ kiệt sức, lâu khỏi bệnh hơn.

Vì thế, khi trẻ bị tiêu chảy, những loại thực phẩm như: tôm, cá, thịt, trứng, sữa cần được bổ sung thường xuyên trong thực đơn hàng ngày để trẻ không bị kiệt sức vì thiếu chất, đồng thời tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch để trẻ có sức chiến đấu với bệnh tật. Các bà mẹ lưu ý nên chọn thực phẩm tươi ngon và chế biến kỹ để không làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa trẻ trong giai đoạn này.

Cuối cùng là việc cho trẻ uống oresol khi trẻ tiêu chảy, đây là việc nên làm, nhưng cần phải có sự tư vấn của người có chuyên môn. Dù dung dịch oresol có tác dụng bù nước cho trẻ bị tiêu chảy nhưng nếu trẻ uống với nồng độ đặc hoặc loãng quá sẽ khiến trẻ bị mất nước nhiều, làm tiêu chảy kéo dài hơn.

Đặc biệt, orsesol pha quá đặc sẽ khiến trẻ nạp thêm quá nhiều muối, tăng lượng muối có trong máu, khiến trẻ sốt cao, co giật, hôn mê,…

Không chủ quan với bệnh tiêu chảy

BS Hoàng Thị Năng khuyến cáo: tiêu chảy kéo dài do nhiều nguyên nhân: có thể do nhiễm khuẩn các vi khuẩn, do virus, ký sinh trùng, nấm... do chế độ ăn… Ngoài ra, tiêu chảy cũng có thể là triệu chứng của bệnh khác, không liên quan đến hệ tiêu hóa như: nhiễm khuẩn đường hô hấp, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, viêm tai giữa… Loại tiêu chảy này thường tự khỏi khi trẻ được điều trị xong bệnh chính.

Xét nghiệm phân có thể cho chính xác nguyên nhân trẻ bị tiêu chảy.

Bởi vậy, muốn trị bệnh tiêu chảy cho trẻ, cần tìm rõ nguyên nhân bằng cách cho trẻ đi khám và làm các xét nghiệm phân tại các cơ sở y tế để có cách điều trị đúng.
Tuy nhiên, trẻ tiêu chảy đi ngoài liên tục và yếu mệt lại cộng thêm với việc chờ đợi ở những nơi khám bệnh đông đúc sẽ rất bất tiện khiến trẻ mệt mỏi đồng thời lây chéo các bệnh tật khác. Vì thế, nhiều người lựa chọn cách lấy mẫu bệnh phẩm tại nhà.

Riêng về vấn đề này, BS Năng cho rằng, đó cũng là một phương pháp giúp con hạn chế tiếp xúc với môi trường bên ngoài, nhất là khi con đang bị bệnh. Tuy nhiên, trong thời gian lấy mẫu và chờ đợi kết quả, các bậc phụ huynh cần đặc biệt chú ý để trẻ.

“Khi có kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm, tìm ra được nguyên nhân gây bệnh từ đó các bác sĩ sẽ quyết định xem có nên cho trẻ điều trị nội trú hay chỉ cần điều trị ở nhà”, BS Năng cho hay./.

VOV.VN (Theo Gia đình Việt Nam)

Chia sẻ bài viết