Hàng loạt gameshow “chọc cười” khán giả xuất hiện dày đặc trong thời gian gần đây. Hiện nay, có khoảng 30 chương trình hài với mật độ phủ sóng dày đặc trên các kênh truyền hình với nội dung na ná nhau. Nhiều chương trình thể hiện tính cẩu thả trong làm việc, nghệ sĩ thích gì làm nấy, mặc kệ hàng triệu khán giả đang xem truyền hình khó chịu với cách diễn thô thiển, dung tục.
Một thời, cũng là hài nhưng công chúng có được những tiếng cười ý nhị, cũng là nhạc nhưng công chúng tìm thấy sự tinh tế, thăng hoa. Thời nay, hài thì dễ dãi, thô thiển, nhạc thì ồn ào, khó hiểu. Vì sự nở rộ của các gameshow hài vô bổ không mang ý nghĩa giáo dục, làm tiếng cười trở nên nhạt nhẽo. Khi các cơ quan báo chí lên tiếng, nói về việc hài nhảm, hài tục thì các gameshow có cải thiện nội dung nhưng không mang tính bền vững. Thực chất, gameshow chỉ mang tính giải trí nhưng không phải vì thế mà người nghệ sĩ dễ dãi trong lời ăn, tiếng nói, cách diễn của mình.
Một khía cạnh khác, nhiều cuộc thi tìm kiếm tài năng, một số nghệ sĩ chưa thật sự nghiêm túc, thiếu chuyên môn trong việc nhận xét phần thi của thí sinh, phần trình diễn gây hài bởi những chiêu thô tục, nhưng giám khảo lại cho đó là nghệ thuật gây cười. Các gameshow hiện nay đang đi vào lối mòn, khi thường xuyên sử dụng câu chuyện, ngôn ngữ dung tục cũng như luôn mang chuyện tình cảm đời tư lên sân khấu, bằng những từ ngữ trống rỗng không mang tính giáo dục, chỉ nhằm mang đến tiếng cười dễ dãi từ người xem. Đặc biệt, điều đó còn ảnh hưởng đến nhận thức, cách hành xử của giới trẻ.
Từ lâu, hài chiếm lĩnh vị trí nhất định trong lòng khán giả, thế nhưng, các nhà sản xuất nên có sự tôn trọng họ và sớm điều chỉnh lại nội dung chương trình của mình; nghệ sĩ nên ý thức việc diễn đạt từ ngữ, sử dụng sự thông minh, trí tuệ để sáng tạo và biểu diễn những tác phẩm hài đúng nghĩa./.
Kim Thoa