Tiếng Việt | English

05/05/2023 - 10:10

Sản xuất bưởi theo hướng hữu cơ

Chuyển đổi sang sản xuất sạch, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, nâng cao giá trị nông sản, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất,... là cách nhiều nông dân trồng bưởi đang áp dụng.

Ông Đào Văn Thành áp dụng hệ thống tưới tiên tiến

Ứng dụng hệ thống tưới tiên tiến

Trước đây, với 5.000m2 đất trồng bưởi, ông Đào Văn Thành (ấp Bình Hòa, xã Bình Trinh Đông, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) phải thuê 2 người tưới nước xuyên suốt trong 2 giờ, chi phí 100.000 đồng/lần, bình quân tưới 3 lần/tuần. Từ khi ứng dụng hệ thống tưới tiên tiến, ông chỉ cần ở nhà bấm nút là cả vườn bưởi đều được tưới nước với khoảng thời gian 30 phút, tốn khoảng 6.000 đồng/lần.

Ông nhẩm tính: “So với cách tưới truyền thống thì chi phí đầu tư hệ thống tưới tự động không quá cao. Nếu tưới theo phương thức truyền thống, gia đình bỏ ra trên 19 triệu đồng/năm còn chi phí vật tư lắp đặt hệ thống tưới tiên tiến cho 5.000m2 vườn bưởi gần 20 triệu đồng. Như vậy, chỉ 1 năm sử dụng hệ thống tưới tiên tiến là nhà vườn có thể hoàn vốn. Những năm tiếp theo, chỉ bỏ ra chi phí điện và khấu hao hệ thống tưới khoảng 4,2 triệu đồng/năm. Tính ra, hệ thống tưới tiên tiến tiết kiệm hơn cách tưới truyền thống rất nhiều”.

Ngoài lợi ích về kinh tế, khi sử dụng hệ thống tưới tiên tiến, lượng nước tưới được cung cấp đều đặn, ẩm độ được phân bố đều trong tầng đất canh tác và tiết kiệm được khoảng 40% lượng nước tưới; giảm 75% thời gian tưới; giảm 100% công lao động ở khâu tưới nước; không gây xói mòn đất. Nông dân có thể pha loãng dinh dưỡng ở dạng hòa tan để bón cho cây thông qua hệ thống tưới, nhờ đó, dinh dưỡng thấm từ từ vào đất, giúp cây hấp thu hiệu quả hơn.

Hệ thống tưới tiên tiến được xem là giải pháp hữu hiệu giảm chi phí sản xuất, nhân công lao động, nhất là thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn. Do đó, ông Thành hy vọng mô hình này được nhân rộng để nông dân trồng cây ăn trái có thể áp dụng rộng rãi hơn.

Sản xuất sạch vì sức khỏe người tiêu dùng

Ông Hồ Văn Xộn trồng bưởi theo hướng hữu cơ

Thay vì chạy theo năng suất, ông Hồ Văn Xộn (xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức) chọn cách sản xuất theo hướng hữu cơ để nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, hướng đến nền nông nghiệp sạch. Ông Xộn thông tin: “Trồng bưởi hữu cơ năng suất sẽ thấp hơn trồng bưởi vô cơ nhưng đổi lại, tuổi thọ cây rất lâu và chất lượng trái được cải thiện, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, từ đó, được người tiêu dùng đón nhận. Hiện 450 gốc bưởi của gia đình đều có thương lái đến bao tiêu đầu ra, bán với giá cao hơn thị trường từ 15.000-20.000 đồng/kg”.

Theo ông Xộn, sản xuất theo phương thức hữu cơ được thực hiện bằng việc thay thế phân bón hóa học thành phân bò ủ với các loại thuốc vi sinh khác; thuốc trừ sâu từ các chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường. Nhằm tạo môi trường thuận lợi cho côn trùng có ích sinh sống, điều hòa cân bằng sinh thái trong vườn, các loại cỏ mọc được giữ lại để giữ độ ẩm cho gốc, trường hợp cần thiết chỉ sử dụng biện pháp thủ công để cắt tỉa, tuyệt đối không dùng thuốc diệt cỏ. Sản xuất sạch, hữu cơ, ban đầu sẽ khó khăn và vất vả hơn vô cơ nhưng thời gian sau, vườn phát triển tốt, ít sâu, bệnh, chất lượng trái được nâng lên.

Câu chuyện đầu ra cho nông sản luôn là bài toán khó với các cấp, các ngành. Do đó, nông dân phải hướng đến sản xuất sạch để “chiều lòng” người tiêu dùng và góp phần khẳng định thương hiệu nông sản địa phương./.

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết