Tiếng Việt | English

07/04/2022 - 09:02

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ: Hướng đi hiệu quả, bền vững

Nông nghiệp hữu cơ (NNHC) là xu thế tất yếu hiện nay. Vì vậy, việc sản xuất NNHC để cung cấp thực phẩm an toàn, bảo vệ môi trường cũng như nâng cao giá trị sản phẩm,... là mục tiêu tỉnh Long An đang nỗ lực thực hiện để hướng tới phát triển ngành Nông nghiệp bền vững.

Nhiều mô hình tiêu chuẩn hữu cơ

NNHC không chỉ tạo ra những sản phẩm an toàn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong và ngoài nước mà đây còn là phương thức sản xuất giảm tác động đến môi trường, khai thác được thế mạnh của mỗi địa phương, góp phần bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững nền nông nghiệp được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh thực hiện.

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Nhơn Thạnh Trung - Nguyễn Thị Xiệt chăm sóc vườn bưởi da xanh trồng theo hướng hữu cơ cпa gia đình

Với mong muốn đưa thực phẩm sạch đến với người tiêu dùng, thời gian qua, HTX Nông nghiệp Nhơn Thạnh Trung (xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An) tích cực tuyên truyền, vận động các thành viên thay đổi phương thức sản xuất. Ban đầu, nhiều người còn e ngại việc sản xuất theo hướng hữu cơ, bởi chi phí đầu tư cao. Tuy nhiên, nhận thấy được hiệu quả của việc sử dụng phân bón sinh học giúp cây ít sâu, bệnh, cho năng suất, chất lượng cao nên nhiều thành viên tích cực tham gia. Hiện HTX có 10 thành viên sản xuất hơn 2ha bưởi da xanh hữu cơ.

Giám đốc HTX Nông nghiệp Nhơn Thạnh Trung - Nguyễn Thị Xiệt cho biết: “Phương pháp canh tác hữu cơ kết hợp tưới tiên tiến góp phần cải tạo đất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đặc biệt là mang đến sản phẩm an toàn cho sức khỏe. Nhờ đó, giá bưởi cao và ổn định hơn canh tác hóa học. Khi tham gia HTX, các thành viên được hỗ trợ cây giống, kỹ thuật sử dụng phân bón hữu cơ hiệu quả, xử lý ra hoa bằng cách cắt tỉa cành chứ không sử dụng thuốc kích thích,... Bên cạnh đó, HTX còn thu mua bưởi non và hoa bưởi để sản xuất tinh dầu với mong muốn khai thác triệt để giá trị của trái bưởi da xanh; đồng thời, tạo ra sản phẩm thuần thiên nhiên, thân thiện với môi trường từ nguồn nguyên liệu cho đến cách bảo quản”.

Nhờ đổi mới trong tư duy sản xuất cũng như các quy trình sản xuất sản phẩm hữu cơ, nhất là việc liên kết bao tiêu đầu ra cho nông sản, giờ đây, anh Trần Thanh Sang đã thành công với việc trồng rau thủy canh. Bước đầu, mô hình này mang lại hiệu quả, thu nhập cao và tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương.

Được sự giới thiệu của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, chúng tôi tìm gặp anh Trần Thanh Sang (ấp Cầu Đúc, xã An Lục Long) - người thành công với mô hình Trồng rau thủy canh trong nhà kính kết hợp nuôi cá tại địa phương.

Dù là kiến trúc sư, có công việc ổn định nhưng anh Sang có niềm đam mê với việc trồng rau. Đưa chúng tôi đi tham quan vườn rau xanh mướt, anh Sang chia sẻ: “Sau thời gian nghiên cứu, tìm hiểu kỹ thuật, tôi tự thiết kế và lắp đặt nhà kính, hệ thống Aquaponics (trồng thủy canh trong môi trường khép kín với sự tham gia của hệ vi sinh vật). Đây là quy trình trồng rau khép kín với các loại rau, cá và vi sinh vật cộng hưởng với nhau thuận theo tự nhiên. Bằng công nghệ mới hiện đại, mô hình này giúp các loại cải ngọt, cải thìa, dưa leo, cà chua, quế,... đạt năng suất cao và sinh trưởng tốt, đặc biệt là giảm được sức lao động và có thể trồng được trái vụ do kiểm soát được các yếu tố môi trường”.

Nhờ đổi mới trong tư duy sản xuất cũng như các quy trình sản xuất sản phẩm hữu cơ, anh Trần Thanh Sang đã thành công với nghề trồng rau thủy canh

An toàn, thân thiện với môi trường

Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng, các loại phân bón hóa học,... tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng cũng như sự phát triển bền vững của ngành Nông nghiệp. Vì vậy, thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh triển khai nhiều chương trình, dự án, khuyến khích xây dựng cánh đồng lớn, tạo điều kiện phát triển sản xuất NNHC; đồng thời, xây dựng các mô hình trình diễn, vận động nông dân tích cực cải tạo đồng ruộng, thay đổi tập quán canh tác.

Cũng như nhiều nông dân khác tại huyện Châu Thành, trước đây, anh Sang trồng 1ha thanh long theo phương thức truyền thống, hiệu quả chưa cao. Nhờ đổi mới trong tư duy sản xuất cũng như các quy trình sản xuất sản phẩm hữu cơ, nhất là việc liên kết bao tiêu đầu ra cho nông sản, giờ đây anh Sang đã thành công với việc trồng rau thủy canh. Bước đầu, mô hình này mang lại hiệu quả, thu nhập cao và tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương. “Bình quân mỗi ngày, tôi thu hoạch khoảng 100kg rau các loại. Nhờ tham gia chuỗi phân phối nông sản tại TP.HCM nên đầu ra ổn định.

Bên cạnh đó, tôi còn bỏ sỉ rau cho các tiệm tạp hóa tại địa phương để giúp người dân có thể sử dụng sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường nhưng giá thành tương đương với rau truyền thống. Đây là mong muốn lớn nhất của tôi khi bắt tay vào việc trồng rau thủy canh” - anh Sang cho biết thêm.

Sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ là xu thế tất yếu hiện nay

Một trong những điểm sáng trong sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường phải kể đến HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh (xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa). Nắm bắt thị trường, xu hướng phát triển và tận dụng những lợi thế về khí hậu, HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, sản xuất hữu cơ cho ra sản phẩm sạch. Với chất lượng bảo đảm, đạt tiêu chuẩn VietGAP nên các sản phẩm của HTX tạo được uy tín, có chỗ đứng trên thị trường. Dù mới thành lập từ năm 2018 với 26 thành viên nhưng đến nay, các sản phẩm rau, củ, quả của HTX đã đi vào hệ thống Co.opmart, chuỗi cung ứng thực phẩm tại Đồng Nai và các công ty phân phối nông sản tại TP.HCM.

Theo Giám đốc HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh - Nguyễn Quốc Cường, việc bảo đảm hài hòa giữa lợi ích kinh tế với bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp là mục tiêu mà HTX hướng tới. Thế mạnh của HTX hiện nay là sản xuất các loại rau, củ, quả như bầu, bí ăn non, đậu bắp, đậu đũa, khổ qua, dưa leo, mướp,... theo tiêu chuẩn VietGAP. Thời gian tới, HTX tiếp tục nghiên cứu tuyển chọn các giống cây trồng phù hợp để đưa vào sản xuất; ký hợp đồng liên kết với các HTX lân cận và tổ hợp tác của các huyện nhằm cung ứng đủ hàng hóa, đa dạng sản phẩm khi thời tiết bất lợi như sương muối, hạn, mặn,...

Cùng với xây dựng các chính sách, hiện tỉnh tập trung các giải pháp về tiêu thụ sản phẩm, kết nối thị trường. Đối với các sản phẩm OCOP, tỉnh tiếp tục duy trì và phát triển các HTX, tổ hợp tác gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Từ đó, hỗ trợ các cơ sở sản xuất nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ tham gia hội chợ, triển lãm xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, tạo đầu ra ổn định, tăng lợi nhuận cho nông dân.

Sản xuất nông nghiệp theo chứng nhận hữu cơ để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và người tiêu dùng, góp phần bảo vệ môi trường là hướng đi đúng đắn của ngành Nông nghiệp hiện nay. Để thúc đẩy sự phát triển NNHC, cần có những chính sách hỗ trợ của Nhà nước với mức tốt hơn để thu hút nhiều người tham gia hơn. Bên cạnh đó, người dân cần thay đổi thói quen sản xuất nông nghiệp sử dụng phân bón hóa học, thuốc kích thích tăng trưởng để tăng năng suất và lợi nhuận từ lâu nay./.

Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết