Bệnh nhân COVID-19 nặng giảm, còn 47 trường hợp đang thở oxy
Bộ Y tế cho biết, ngày 12/10 có 1.194 ca mắc COVID-19 mới, trong ngày có 406 bệnh nhân khỏi, 1 trường hợp tại Hà Nội tử vong. Đây cũng là ngày thứ 3 liên tiếp ghi nhận ca mắc mới vượt mốc 1.000 ca/ngày sau nhiều ngày đầu tháng 10 số mắc giảm dưới 1.000. Đồng thời, đây cũng là ngày thứ 2 liên tiếp ghi nhận ca tử vong.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.489.881 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 115/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.114 ca nhiễm).
Tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta đến nay là: 10.597.542 ca, trong số hơn 844.000 người mắc COVID-19 đang giám sát, theo dõi, số bệnh nhân đang thở ô xy là 47 ca, trong đó: Thở oxy qua mặt nạ: 43 ca; Thở oxy dòng cao HFNC: 2 ca; Thở máy xâm lấn: 2 ca. Con số này giảm khoảng 20 bệnh nhân nặng so với ngày trước đó và cũng là ngày có số bệnh nhân nặng thấp nhất trong 1 tuần qua.
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua ở nước ta là 1 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.155 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm. Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 138/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân, xếp thứ 28/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc COVID-19 nhiễm biến thể BA.5.1.7
Trước thông tin Trung Quốc đã ghi nhận biến thể phụ mới của Omicron là BA.5.1.7, có khả năng lây nhiễm cao và né tránh miễn dịch, trao đổi với Sức khoẻ & Đời sống sáng 13/10, đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết vẫn đang giám sát ngẫu nhiên ca mắc COVID-19 tại Việt Nam nhưng đến nay chưa ghi nhận chủng biến thể này.
Để chủ động kiểm soát tình hình dịch COVID-19 trong nước và đồng thời ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến chủng mới Omicron vào nước ta, hệ thống giám sát đã thường xuyên tăng cường giám sát, lấy mẫu giải trình tự gen các trường hợp nghi ngờ...
Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, hỗ trợ địa phương đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên; tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.
Tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện của các biến chủng mới; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới để cập nhật thông tin kịp thời, chính xác về các biến chủng./.
WHO kêu gọi cần hành động ngay để giải quyết tình trạng COVID-19 kéo dài
Tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới hơn 627,8 triệu ca, trên 6,56 triệu ca tử vong.
Ngày 11/10, các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết vẫn chưa có đủ bằng chứng để đưa ra khuyến nghị nên sử dụng các loại vaccine đặc hiệu chống biến thể Omicron thay cho các vaccine ngừa COVID-19 thế hệ đầu.
Những vaccine trên đều hiệu quả và an toàn, song điều quan trọng hơn là người dân cần tiêm vaccine để tạo kháng thể, dù là vaccine thế hệ mới hay cũ. Đây là điều tạo nên sự khác biệt trong công tác chống dịch COVID-19.
Trong bài viết cho báo The Guardian đăng ngày 12/10, Tổng giám đốc WHO kêu gọi hành động ngay lập tức để giải quyết tình trạng nhiễm COVID kéo dài.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng giám đốc WHO gọi COVID kéo dài là một cuộc khủng hoảng rất nghiêm trọng vì nó tàn phá cuộc sống và sinh kế của nhiều người, tác động đến hệ thống y tế cũng như nền kinh tế các nước.
Theo ông, các nước cần ngay lập tức khởi động và duy trì nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng "rất nghiêm trọng" này. Thế giới chưa bao giờ ở trong tình thế tốt hơn để kết thúc đại dịch COVID-19, nhưng cũng đối mặt thực tế rất rõ ràng rằng, nhiều người bệnh vẫn đang phải trải qua những di chứng COVID-19 kéo dài.
COVID-19 lây nhiễm cho hơn 600 triệu người và cướp đi sinh mạng của gần 6,5 triệu người trên toàn thế giới.
WHO ước tính, 10-20% những người sau khi đã khỏi bệnh vẫn bị các triệu chứng kéo dài như mệt mỏi, khó thở và rối loạn chức năng nhận thức. Trong đó, phụ nữ bị tình trạng này nhiều hơn nam giới.
|
Theo Sức khỏe và Đời sống