Minh họa: Kiều Oanh
Kết hôn chóng vánh
Tôi ít dự các phiên tòa dân sự, bởi phần nhiều là giải quyết các vụ tranh chấp đất đai, khiếu nại. Giữa tháng 11, khi đang lúi húi đọc lịch xét xử hình sự niêm yết tại Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh, một phụ nữ trạc tuổi 40, dáng vẻ thanh lịch trong bộ váy màu sắc thanh nhã, lầm lũi bước vào phòng xử án. Tôi cũng chẳng chú ý lắm! Nhưng, nhìn sang lịch xét xử dân sự, tôi biết, người phụ nữ bước vào phòng xử án lúc nãy đang chờ để ly hôn chồng - người mang quốc tịch Mỹ. Chị tên Nguyễn Hoàng H.T, ngụ huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Phiên tòa hôm ấy chỉ mình chị dự. 7 năm trước, chị và ông Lý Quang V. (50 tuổi), Việt kiều Mỹ, quen biết nhau và thực hiện thủ tục đăng lý kết hôn với mong muốn được ông V. bảo lãnh sang Mỹ sinh sống. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân vừa tròn một tháng cũng là lúc ông V. trở về Mỹ. Tình cảm vợ chồng phai nhạt dần kể từ đó! Ông V. cũng không thực hiện lời hứa đưa chị sang Mỹ cùng chung sống và cắt đứt liên lạc. Trong quá trình tìm hiểu, chị H.T biết được, sau khi trở về Mỹ, đầu năm 2012, ông V. làm thủ tục ly dị đơn phương tại Mỹ, có quyết định của tòa án địa phương. Trước thực tế vợ chồng không còn sống chung nhiều năm nay, TAND tỉnh quyết định để chị H.T ly hôn với chồng. Gần nửa tiếng trong phòng xét xử, đương sự không trả lời nhiều những câu hỏi, Hội đồng xét xử cũng làm các thủ tục cần thiết, bảo đảm của phiên tòa để kết thúc cuộc hôn nhân chóng vánh.
Tương tự, chị Đinh Thị N.D (37 tuổi), ngụ thị xã Kiến Tường, giữa năm 2005, sau thời gian ngắn quen biết với chàng Việt kiều Mỹ - Trần Việt H., trẻ hơn 3 tuổi, cả hai quyết định về chung một nhà vào đầu năm 2006, trong thời gian anh H. về Việt Nam công tác. Sau chuyến công tác hơn 1 tháng ấy, anh H. về Mỹ, để lại mỗi chị D. tại quê nhà. Suốt 2 năm đầu, chị và anh H. vẫn thường xuyên liên lạc qua điện thoại, email. Nhưng, khoảng cách địa lý, điều kiện đẩy hai người dần xa cách. Chia sẻ việc đệ đơn xin ly hôn của mình, chị N.D buồn bã nói, sau 2 năm xa cách, từ năm 2008 đến nay, anh H. không còn liên lạc dù chị cố gắng liên lạc với anh rất nhiều lần. Nhiều năm qua, tình cảm vợ chồng không còn, chị quyết định tiến hành thủ tục ly hôn để tìm hạnh phúc mới. Dường như, những cuộc hôn nhân này diễn ra rất vội. Cả hai đến với nhau không đơn thuần là mục đích hôn nhân. Và cái hậu sau đó, phụ nữ luôn là những người chịu thiệt thòi.
tan vỡ vì hôn nhân
Không tình yêu
Thống kê của TAND tỉnh cho thấy, từ đầu năm đến nay, tòa án 2 cấp tỉnh Long An thụ lý tổng cộng hơn 6.200 vụ ly hôn; trong đó, có 23 vụ ly hôn có yếu tố nước ngoài mà 100% người vợ là người Việt Nam. Điểm chung của các vụ ly hôn giữa phụ nữ Việt Nam với người nước ngoài tại Long An xuất phát từ một nguyên nhân chính: Cả vợ và chồng sau kết hôn đều không chung sống dưới một mái nhà. Điển hình, trường hợp bà Hồ Thị H. (61 tuổi), huyện Cần Đước và ông Trần Hồng V. (74 tuổi) - Việt kiều Mỹ, vừa được TAND tỉnh chấp thuận ly hôn. Tính đến ngày ly hôn, vợ chồng bà có 12 năm dưới danh nghĩa vợ chồng, thế nhưng, suốt khoảng thời gian ấy, ngày tháng bên nhau chẳng bao nhiêu. Là vợ chồng nhưng ông V. sống tại Mỹ còn bà H. ở Việt Nam. Không có thời gian gần gũi, chăm sóc nhau nên giữa năm 2017, bà H. chính thức xin được kết thúc hôn nhân với ông V.
Sau mỗi vụ xử ly hôn có yếu tố người nước ngoài, vài anh bạn của tôi - những thư ký phiên tòa dân sự, đều cho rằng, những cuộc hôn nhân như thế đến quá nhanh và cũng ra đi vội vã không kém. Có người, lấy chồng nước ngoài vì tình yêu chân thật, nhưng cũng có nhiều người lấy chồng nước ngoài vì mong “đổi đời” sau hôn nhân. “Có vụ, các đương sự tìm hiểu phân nửa còn lại của mình chưa đầy 1 tháng đã quyết định đi đến hôn nhân. Khác biệt văn hóa, ngôn ngữ, cưới nhau rồi mỗi người sống một nước thì làm sao hôn nhân bền chặt? Ly hôn sớm muộn cũng xảy ra vì họ đến với nhau không bắt đầu từ tình yêu” - một thư ký TAND tỉnh nhận định./.
Kiên Định