Tiếng Việt | English

30/03/2016 - 16:23

Siết chặt quản lý kinh doanh dịch vụ văn hóa

Kinh tế phát triển, đời sống tinh thần của nhân dân được nâng lên. Vui chơi, giải trí là nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên, hiện nay, những xe kẹo kéo hát nhạc lưu động, nhạc sống gây ồn ào hay những trò chơi điện tử mang tính chất cờ bạc trá hình,... đang là vấn đề “đau đầu” cơ quan quản lý và cộng đồng dân cư.


Game bắn cá thu hút cả người lớn lẫn trẻ em

Khi cờ bạc “núp bóng” trò chơi điện tử

Thời gian gần đây, nhiều cơ sở kinh doanh (CSKD) trò chơi điện tử (TCĐT) tổ chức loại hình TCĐT có thưởng (thực chất là đánh bạc) trên máy như: Đua ngựa, đua chó, quay số, bắn bi,... mà phổ biến nhất là trò chơi “bắn cá”. Các máy trò chơi này có màn hình màu, bên trong có ổ cứng và hệ thống vi mạch được cài đặt, điều khiển hoạt động trên máy. Khách đến chơi dùng tiền để mua điểm trực tiếp trên máy hoặc đồng tiền quy ước (gọi là đồng xèng) có mệnh giá so với đồng tiền Việt Nam theo thỏa thuận của người chơi và chủ kinh doanh. Người chơi dùng số điểm mua trên máy hoặc dùng đồng xèng để đặt chơi, tùy theo thắng hoặc thua, máy sẽ thưởng hoặc trừ điểm. Số điểm thưởng đa phần được người chơi mang ra bán thu tiền (có nơi, chủ máy tổ chức mua lại) hoặc 2 người chơi ăn thua sát phạt nhau trực tiếp trên máy.

Đánh bạc núp bóng TCĐT, phổ biến nhất là game bắn cá xuất hiện nhiều nơi, từ thành thị đến nông thôn. Trước tình hình trên, tháng 2-2014, UBND tỉnh ban hành Công văn số 455/UBND-VX về việc tăng cường công tác quản lý hoạt động kinh doanh TCĐT mang tính chất đánh bạc. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, kiểm tra và lập thủ tục thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (ĐKKD) - cấp trước đây, với các CSKD TCĐT mang tính chất đánh bạc.

Sau khi ban hành công văn, các huyện triển khai rất quyết liệt. Đến tháng 11-2014, sau khi kiểm tra tại 190 CSKD TCĐT trên toàn tỉnh thì chỉ còn 60 cơ sở có giấy phép hoạt động. Qua đó, tình hình trò chơi bắn cá tạm lắng xuống. Đến tháng 9-2015, chỉ còn 30 CSKD TCĐT có giấy phép đang hoạt động. TP.Tân An và Bến Lức là 2 địa phương có nhiều CSKD TCĐT nhất trong tỉnh. Các địa bàn còn lại cơ bản xử lý khá triệt để.


Game bắn cá thu hút nhiều người chơi

Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Đức Hòa - Phùng Văn Đức cho biết: Đức Hòa có nhiều xã giáp TP.HCM và Tây Ninh. Nếu 2 địa phương này siết chặt kiểm tra thì chủ các cơ sở TCĐT sẽ di chuyển đến các xã giáp ranh trên địa bàn huyện nên tình hình TCĐT cờ bạc trá hình càng phức tạp. Do đó, các cơ quan chức năng phải thường xuyên kiểm tra, rà soát, quản lý chặt chẽ loại hình cờ bạc “núp bóng” TCĐT, nhất là những khu vực tập trung nhiều khu, cụm công nghiệp như thị trấn Đức Hòa và các xã vùng hạ của huyện. Công nhân từ nhiều nơi đổ về, quá sa đà vào các trò đỏ đen sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại địa phương. Năm 2015, Đội kiểm tra liên ngành Văn hóa-Thông tin - Truyền thông Đức Hòa tổ chức được khoảng 50 đợt kiểm tra các CSKD dịch vụ karaoke, nhà nghỉ, Internet, TCĐT,... Trong đó, với 20 đợt kiểm tra về TCĐT, đội lập biên bản, tịch thu 34 máy bắn cá, xử lý vi phạm hành chính với số tiền gần 60 triệu đồng.

Theo Chánh Thanh tra Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) - Nguyễn Tấn Quốc, hoạt động TCĐT (game offline) do Bộ VH-TT&DL quản lý là loại hình TCĐT sử dụng các máy không kết nối với mạng Internet (bao gồm máy TCĐT, máy vi tính, băng đĩa, linh kiện có nội dung để chơi TCĐT). Do sự phát triển của khoa học-công nghệ, các trò chơi ngày càng đa dạng. Một số loại hình TCĐT biến tướng mới xuất hiện nhanh chóng thu hút đông đảo người chơi nhưng chưa được điều chỉnh, quản lý, chưa có chế tài rõ ràng, đủ sức răn đe. Các quy định về điều kiện, đối tượng và thủ tục kinh doanh cũng chưa có hướng dẫn cụ thể tại các văn bản pháp luật hiện hành.

Karaoke “tự phát”, bao giờ “tự giác”?

Ca hát, giải trí là nhu cầu văn hóa tinh thần không thể thiếu đối với người dân, đặc biệt khi mức sống ngày càng được nâng cao. Hiện nay, người đi đường rất dễ bắt gặp những dàn loa, ampli “khủng”, nhạc sống rộn rã từ đường làng tới phố thị, nhất là những ngày cuối tuần, đám tiệc. Hoặc thậm chí chẳng có sự kiện gì đặc biệt, chỉ cần... "hứng" lên là hát. Theo báo cáo sơ bộ của Sở VH-TT&DL, toàn tỉnh có khoảng 861 hộ kinh doanh loại hình “nhạc sống, karaoke lưu động”. Trên thực tế, con số còn lớn hơn rất nhiều.


Người đi đường rất dễ bắt gặp những dàn loa, ampli “khủng”, nhạc sống từ đường làng tới phố thị

Vấn đề nhạc sống mở quá giờ, âm lượng lớn, gây ảnh hưởng đến cộng đồng, thậm chí gây bức xúc trong nhân dân ngày càng phổ biến. Nguyên nhân chính xuất phát từ ý thức người dân và công tác tuyên truyền, quản lý của chính quyền địa phương chưa tốt. Anh Nguyễn Văn Vĩnh (ấp Long Thành, xã Long Trì, huyện Châu Thành) bức xúc: “Ở xóm tôi, nhà nào cũng có một dàn karaoke hoành tráng. Lúc rảnh, họ lại rủ nhau hát. Tiếng nhạc rất lớn làm ảnh hưởng đến nhiều người. với tôi, ca hát bất kể giờ giấc, gây bất lợi trong sinh hoạt của người khác là một thảm họa. Tôi mong rằng, bà con cần có ý thức tự giác, vui chơi nhưng không gây phiền hà đến người khác. Ngoài ra, chính quyền địa phương, các ngành chức năng cần có những biện pháp hiệu quả nhằm tuyên truyền, giáo dục trong cộng đồng dân cư”.

Vấn đề này, cấp cơ sở chính là “chìa khóa” tháo gỡ tình trạng ồn ào, phiền nhiễu đến những người xung quanh. UBND, đoàn thể cấp xã cần tăng cường tuyên truyền cho người dân và ban nhạc hiểu các quy định của Nhà nước. Theo đó, trách nhiệm của cấp xã vô cùng quan trọng vì sâu sát với người dân địa phương.

Phó Chủ tịch UBND xã Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh - Nguyễn Thị Mỹ Miều thông tin: Xã thường xuyên tổ chức kiểm tra nhằm bảo đảm việc ca hát, vui chơi nhưng không ảnh hưởng đến đời sống người dân. Khi hoạt động, các CSKD nhạc sống phải có giấy phép kinh doanh. Các ban nhạc không được hát những bài hát cấm lưu hành, nhạc chế. Âm thanh không vượt quá độ ồn cho phép; không mở nhạc trước 6 giờ sáng và sau 22 giờ đêm,... Bên cạnh đó, chúng tôi cũng yêu cầu CSKD ký cam kết về một số quy định của pháp luật, thông tin về mức xử phạt khi vi phạm các vấn đề về đăng ký kinh doanh, thời gian hoạt động, bài hát, âm lượng cho phép,...

Giám đốc Sở VH-TT&DL - Phạm Văn Trấn cho biết: Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng được thường xuyên tăng cường. Đối với game bắn cá, sở triển khai Công văn số 354/UBND-VX, ngày 27-1-2016 của UBND tỉnh về việc thực hiện Công văn số 96/BVHTTDL-KHTC đến tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh (Công văn 295/SVHTTDL-TTr, ngày 11-3-2016).

Trong đó, tập trung vào 3 nhóm giải pháp chính: Thứ nhất, thực hiện các biện pháp nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động TCĐT, bảo đảm việc kinh doanh TCĐT là hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh và không có thưởng theo quy định của pháp luật. Thứ hai, tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh TCĐT trái phép, không bảo đảm các điều kiện kinh doanh, kinh doanh các sản phẩm TCĐT có nội dung vi phạm pháp luật. Thứ ba, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động các tổ chức, cá nhân kinh doanh TCĐT chấp hành quy định pháp luật.

Đồng thời, vận động nhân dân nâng cao tinh thần tự giác, thông báo kịp thời các hành vi vi phạm cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định. Sở VH-TT&DL sẽ tổng hợp, báo cáo Bộ VH-TT&DL và UBND tỉnh về kết quả thực hiện. Đối với hoạt động kinh doanh “nhạc sống, karaoke lưu động”, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở VH-TT&DL dự thảo và đang trình UBND tỉnh xem xét, ban hành văn bản quản lý, kịp thời chấn chỉnh những hoạt động này trong thời gian tới./.

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết