Tiếng Việt | English

18/06/2018 - 18:03

Sử dụng công nghệ điện mặt trời Tiết kiệm điện năng, bảo vệ môi trường

Hiện nay, trong khi giá thành các nguồn năng lượng truyền thống cao, nguồn cung không ổn định thì xu hướng nhiều nguồn năng lượng thay thế được các nhà khoa học quan tâm, đặc biệt là nguồn năng lượng mặt trời.

Sản phẩm tấm pin của Mặt trời Đỏ Long An được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam năm 2016 (Trong ảnh: Các tấm pin mặt trời tại Sở Khoa học và Công nghệ Long An)

Sản phẩm tấm pin của Mặt trời Đỏ Long An được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam năm 2016 (Trong ảnh: Các tấm pin mặt trời tại Sở Khoa học và Công nghệ Long An)

Công nghệ điện mặt trời là loại hình năng lượng sạch, thuộc lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư. Điện mặt trời có nhiều ưu điểm: Tiếp cận năng lượng sạch, xanh, tăng tính chủ động sử dụng điện với độ bền của hệ thống, hệ thống pin năng lượng mặt trời đạt hiệu suất trên 85% trong tối thiểu 15 năm đầu và kéo dài tuổi thọ khoảng 25 năm. Tuy nhiên, hiện nay, mức đầu tư ban đầu cho hệ thống điện mặt trời tương đối cao, khoảng 35 triệu đồng/kWp.

Trang bị những kiến thức cơ bản về công nghệ điện mặt trời

Công ty (Cty) Điện lực Long An phối hợp Cty TNHH Năng lượng Mặt Trời Đỏ Long An tổ chức tập huấn phổ biến kiến thức về hệ thống điện năng lượng mặt trời cho cán bộ, công nhân viên nhằm trang bị những kiến thức cơ bản để áp dụng vào thực tế trong thời gian tới.

Cty TNHH Năng lượng Mặt trời Đỏ Long An là doanh nghiệp tiên phong và có những đóng góp hiệu quả vào ngành năng lượng mặt trời. Cty vừa tích cực tham gia sản xuất, vừa nghiên cứu, tìm tòi các công nghệ mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Hiện, Cty có khoảng 30% sản phẩm tấm pin năng lượng mặt trời được tiêu thụ trong nước (chủ yếu các khu vực vùng sâu, vùng xa, hải đảo và những nơi chưa có điện lưới quốc gia); 70% xuất khẩu sang các nước: Mỹ, Pháp và khu vực ASEAN. Mô hình hoạt động theo nguyên lý hòa lưới, năng lượng điện thu được từ các tấm thu biến đổi trực tiếp thành nguồn AC, được điều khiển tự động hòa vào hệ thống mạng lưới điện hiện hữu thông qua một thiết bị chuyên dụng hòa lưới. Khi bị mất điện lưới, hệ thống tự động ngắt nhằm bảo đảm an toàn. Hòa lưới sử dụng kết hợp giữa điện lưới và điện mặt trời, khi điện mặt trời không đủ cung cấp thì hệ thống sẽ nhận bổ sung từ điện lưới. Trường hợp lượng điện sinh ra từ hệ thống điện mặt trời dư thừa sau khi cung cấp cho tải sẽ trả ngược ra điện lưới, có thể lắp công tơ đo đếm giao nhận 2 chiều để quan sát hoạt động của hệ thống.

Trưởng phòng Giám sát mua bán điện, Cty Điện lực Long An - Phan Quốc Việt cho biết: "Cty TNHH Năng lượng Mặt Trời Đỏ Long An giới thiệu thành phần cấu thành hệ thống, nguyên lý hoạt động; tư vấn thiết kế, thi công, vận hành và bảo trì hệ thống điện mặt trời; chia sẻ các kinh nghiệm thực tế và giải đáp các câu hỏi liên quan đến hoạt động thi công, chi phí vận hành và bảo trì, sửa chữa hệ thống điện mặt trời;... Đây là bước chuẩn bị của Cty trong xu hướng phát triển hệ thống điện mặt trời trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, công nhân viên về lợi ích của việc sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời như một nguồn năng lượng tại chỗ thay thế các dạng năng lượng truyền thống. Đây là nguồn năng lượng sạch góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và bảo vệ môi trường".

Hiệu quả thiết thực

Hệ thống pin năng lượng mặt trời được rất nhiều nước tiên tiến và các thành phố lớn đầu tư như một giải pháp tận dụng nguồn năng lượng sạch, góp phần giúp tiết kiệm điện năng, bảo vệ môi trường. Tại Long An, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh về đẩy mạnh ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và tiến bộ công nghệ vào sản xuất, đời sống và mục tiêu phấn đấu tiết kiệm từ 3% trở lên trên tổng mức tiêu thụ năng lượng trong giai đoạn 2017-2020, ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) xây dựng các mô hình sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng các loại năng lượng mới, năng lượng tái tạo vào sản xuất, sinh hoạt. Năm 2017, sở giao Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN thực hiện dự án Xây dựng mô hình ứng dụng tấm quang điện mặt trời vào cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Long An thuộc chương trình Ứng dụng và phát triển hệ thống thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời vào sản xuất và đời sống thuộc phạm vi tỉnh Long An. Qua gần 7 tháng sử dụng, hệ thống năng lượng mặt trời sản sinh hơn 25.000kWh điện, trung bình gần 100kWh/ngày, giúp Sở KH&CN tiết kiệm hơn 30% số điện năng tiêu thụ mỗi ngày. Với tổng đầu tư thiết bị khoảng 700 triệu đồng, giá điện áp dụng mức thấp nhất khoảng 1.755 đồng/kWh cho cơ quan hành chính nhà nước và hiệu quả thực tế như trên, dự kiến, thời gian hoàn vốn khoảng 10 năm, trong khi tuổi thọ hệ thống thiết bị sử dụng được 25 năm. Trường hợp áp dụng mức giá điện cho sản xuất, kinh doanh 4.233 đồng/kWh, thời gian hoàn vốn hơn 4 năm.

Sơ đồ kết nối hệ thống điện năng lượng mặt trời tại Sở Khoa học và Công nghệ

Sơ đồ kết nối hệ thống điện năng lượng mặt trời tại Sở Khoa học và Công nghệ

Theo đánh giá chung, hệ thống pin năng lượng mặt trời hoạt động khá ổn định, sản lượng điện sản xuất đủ đáp ứng, phục vụ tốt hoạt động của cơ quan. Đây là mô hình rất phù hợp để đầu tư và nhân rộng ở những công trình công cộng, công sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vì không chỉ giúp giảm chi phí tiền điện cho ngân sách mà còn chủ động được nguồn điện cho các hoạt động khác. Từ những kết quả khả quan này, thời gian tới, Sở KH&CN tham mưu UBND tỉnh cho phép tiến hành nhân rộng mô hình sử dụng năng lượng mặt trời tại các cơ quan hành chính nhà nước ở 4 huyện: Tân Thạnh, Đức Huệ, Thủ Thừa, Tân Trụ và các lĩnh vực sản xuất phù hợp khác. Theo đánh giá của Sở KH&CN, điện của hệ thống pin năng lượng mặt trời tùy thuộc vào thời tiết. Những ngày nắng nhiều, lượng ánh sáng lớn, hệ thống pin năng lượng mặt trời không chỉ sản xuất đủ nguồn điện cho các thiết bị mà còn dư điện năng. Nguồn điện dư này sẽ tự động hòa vào lưới điện quốc gia để tránh lãng phí.

Dự án ứng dụng công nghệ điện từ tấm quang điện mặt trời vào cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp là mô hình mang lại hiệu quả thiết thực. Mô hình này cần được nhân rộng, đặc biệt tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và vùng khó khăn về lưới điện./.

Theo đánh giá chung, hệ thống pin năng lượng mặt trời hoạt động khá ổn định, sản lượng điện sản xuất đủ đáp ứng, phục vụ tốt hoạt động của cơ quan. Đây là mô hình rất phù hợp để đầu tư và nhân rộng ở những công trình công cộng, công sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vì không chỉ giúp giảm chi phí tiền điện cho ngân sách mà còn chủ động được nguồn điện cho các hoạt động khác.

Song Hồng

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích