Bà Mary Barra, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của hãng General Motors công bố hãng Chevrolet bắt đầu thử nghiệm đội xe tự lái Bolt tại Michigan trong một cuộc họp báo tại Detroit - Ảnh: Reuters
Xe hơi tự lái
Mặc dù các sản phẩm xe hơi tự lái vẫn còn đang trong giai đoạn thử nghiệm ở nhiều hãng, tuy nhiên thời gian qua dư luận đã chứng kiến những bước tiến dài trong lĩnh vực này.
Một trong những sự kiện nổi bật nhất là việc công ty Google của Alphabet nâng cấp một bộ phận chuyên nghiên cứu về xe hơi tự lái của họ trở thành một công ty độc lập có tên Waymo. Động thái này xúc tiến chỉ hai tuần trước khi năm 2017 bắt đầu.
Kể từ đó tới nay Waymo đã công bố chương trình hợp tác với hãng xe hơi Fiat Chrysler để thử nghiệm công nghệ xe hơi tự lái của họ trên 600 chiếc xe tải của Fiat.
Hai bên cũng đã thiết lập một chương trình đưa đón miễn phí tại bang Arizona cho những người đăng ký sử dụng phương tiện này để đi lại hàng ngày.
Waymo hướng tới mục tiêu cuối cùng sẽ thu được lợi nhuận từ ứng dụng công nghệ của họ thông qua các dịch vụ cho thuê xe tự lái và bán bản quyền công nghệ của họ cho các nhà sản xuất ô tô.
Mặc dù giành được nhiều chú ý thời gian qua, nhưng dẫn đầu trong cuộc cách mạng xe hơi không người lái lại là một gương mặt "cũ" trong ngành công nghiệp ô tô, đó là Ford.
Ford đang lắp ráp đội xe hơi tự lái gồm từ 30-90 chiếc của họ vào cuối năm nay và thậm chí còn nâng cấp lại một trong các nhà máy sản xuất xe hơi của họ thành cơ sở chuyên lắp ráp xe hơi không người ái.
Tất cả những động thái này đi kèm với việc Ford đầu tư 1 tỉ USD vào công ty ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo Argo AI trong vòng 5 năm tới.
Argo đang thiết kế hệ thống xe hơi không người lái cho Ford để các nhà sản xuất xe hơi có thể tung ra các sản phẩm xe hơi hoàn toàn không cần người lái vào năm 2021.
Cả Ford và Alphabet đều đang dốc tiền của và tâm sức "đặt cược" vào thị trường xe hơi không người lái đang rất phát triển, dự kiến đạt tổng giá trị ước tính 77 tỉ USD vào năm 2035.
Tuy nhiên cả hai hãng cũng đang đầu tư vào thị trường chia sẻ phương tiện đi lại khi con người có thể cho thuê các phương tiện không người lái của họ. Đây là thị trường theo ước tính của hãng Morgan Stanley sẽ có giá trị khoảng 2,6 tỉ USD vào năm 2030.
Robot AILA ứng dụng AI tại hội chợ máy tính CeBit ở Hanover - Ảnh: Reuters
Trí tuệ nhân tạo
Thuật toán machine learning đã mau chóng trở thành một cụm từ thông dụng, được nhắc tới rất nhiều trong năm nay.
Cùng với sự phát triển của thị trường AI, thuật toán machine learning đang làm thay đổi cách thức các công ty xử lý thông tin.
Nếu căn cứ vào những phát biểu của ông Jeff Bezos, giám đốc điều hành của Amazon, hồi đầu năm nay thì có thể thấy, thuật toán này đang có ảnh hưởng tới mọi việc mà công ty ông đang làm, trong đó bao gồm nền tảng điện toán đám mây Amazon Web Services (AWS).
AWS hiện đang cung cấp các dịch vụ ứng dụng thuật toán machine learning như phân tích hình ảnh, xử lý ngôn ngữ tự nhiên và tạo ra tiếng nói cho các app.
Thị trường AI rộng lớn hơn đang phát triển rất nhanh. Hãng Tractica ước tính các thu nhập cụ thể từ AI sẽ nhảy vọt từ mức gần 1,4 tỉ USD năm 2016 lên 59,8 tỉ USD vào năm 2025.
Các thiết bị công nghệ thực tế ảo - Ảnh: Reuters
Thực tế ảo và thực tế tăng cường
Đã có quá nhiều bước tiến lớn trong lĩnh vực thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) trong năm 2017 tới mức người ta không thể phớt lờ.
Một trong những sự kiện đó phải kể tới hội nghị F8 của Facebook diễn ra vào tháng 5 năm nay. Tại đó hãng công nghệ Mỹ đã trình làng một loạt những tính năng tăng cường thực tế cho ứng dụng Facebook quan trọng của họ.
Ông chủ Facebook, Mark Zuckerberg, từng gọi VR là nền tảng điện toán tiềm năng tiếp theo trong tương lai và Facebook đã dấn thêm một bước nữa theo hướng đi đó khi giới thiệu ứng dụng Spaces của họ tại F8.
Ứng dụng này cho phép người dùng tương tác với các bạn bè trên Facebook của họ trong môi trường VR. Tất nhiên hiện nó mới chỉ là phiên bản beta.
Cùng với Facebook, Apple cũng đang có những bước tiến lớn trong lĩnh vực AR. Hãng công nghệ này ra mắt bộ phát triển phần mềm AR mới (SDK) trong Hội nghị các nhà phát triển toàn cầu gần đây.
SDK là gói công cụ giúp các nhà phát triển có thể sáng tạo các tính năng AR và xây dựng các ứng dụng cho hệ điều hành iOS 1.
Điều này được cho là rất quan trọng vì nếu Apple cập nhật phần mềm của họ trên hàng triệu thiết bị, họ sẽ tạo ra một nền tảng AR lớn nhất và có thể tạo điều kiện thích ứng với công nghệ ngày mau chóng hơn.
Cũng có những tin đồn đáng chú ý cho biết Apple đang thiết kế một tai nghe AR hoặc kính AR của riêng họ. Chuyên gia phân tích Steven Milunovich của hãng UBS tin rằng Apple có thể sử dụng điện thoại iPhone để xử lý tất cả các dữ liệu AR cho kính của họ./.
Theo tuoitre.vn