Ảnh báo chí giúp bổ sung thông tin, làm cho bài viết sinh động hơn
Ảnh thay cho lời nói
Ảnh chính là yếu tố đầu tiên thu hút sự chú ý của người đọc. Chính vì thế, các hình ảnh trên mỗi tin, bài đều có vị trí quan trọng trong trang báo. Hình ảnh bổ sung thông tin cho bài viết, giúp bài viết sinh động và hấp dẫn hơn. Một bộ ảnh kèm theo chú thích rõ ràng có thể đứng riêng thành một tác phẩm.
Đối với báo in, tùy bài viết, ảnh sẽ được trình bày khác nhau theo dụng ý của tòa soạn. Nội dung các bức ảnh đều mang đến cho người đọc những thông tin nhất định, đi thẳng vào vấn đề. Theo phóng viên Văn Đát (Báo Long An), hiện nay, hầu hết ảnh đăng báo là ảnh kèm theo tin, bài, có tính chất hỗ trợ thông tin. Mỗi bức ảnh là một câu chuyện, một hoàn cảnh, một trải nghiệm,... hoàn toàn khác nhau.
Ảnh được sử dụng trên báo điện tử mang đầy đủ đặc điểm của ảnh báo chí truyền thống và có thêm các đặc điểm của loại hình báo mạng điện tử: Tính đa phương tiện, được thể hiện ở hai dạng thức: Ảnh tĩnh và ảnh động; tính phi định kỳ, cho phép ảnh có thể xuất bản cập nhật, tức thời, thường xuyên và liên tục; tính tương tác cho phép có sự giao lưu giữa độc giả với tòa soạn, độc giả với nhà báo, độc giả với độc giả hay độc giả với nhân vật trong tác phẩm. Tuy báo điện tử là loại hình báo chí mới ra đời nhưng lại có tầm ảnh hưởng và mức độ quan trọng nhất hiện nay; có khả năng cung cấp thông tin sống động và ảnh xuất hiện trên trang báo có một vai trò quan trọng. Khi vào bất kỳ một tờ báo điện tử nào, chúng ta đều thấy hầu hết tin, bài đều có ảnh minh họa.
Phóng viên Thanh Hiểu (Phòng Báo Điện tử và Tư liệu, Báo Long An) chia sẻ: “Ảnh là yếu tố quan trọng thu hút sự chú ý của độc giả, tạo độ tin cậy cho thông tin bài viết. Không có ảnh, những vấn đề nêu trong bài viết sẽ khó thuyết phục độc giả. Đặc biệt là đối với báo điện tử, độc giả có tâm lý “lướt web”, những bài báo nào có hình ảnh sinh động sẽ thu hút độc giả nhiều hơn”.
Phóng viên cần trang bị kỹ năng chụp ảnh
Để thực hiện một phóng sự ảnh báo chí, ngoài tác nghiệp chụp ảnh, viết chapeaux và chú thích ảnh, phóng viên phải nắm rõ về kỹ thuật nhiếp ảnh, sử dụng thành thạo và am tường về máy ảnh kỹ thuật số. Ngoài ra, nó còn đòi hỏi phóng viên, đặc biệt là phóng viên ảnh phải có tay nghề, tư duy mạch lạc và phong phú về phóng sự, cùng với niềm đam mê và yêu nghề.
Phóng viên Hồng Phi (Báo Long An) cho biết: “Là phóng viên trẻ, nền tảng kiến thức về chính trị, văn hóa, xã hội, tư duy báo chí còn hạn chế, ngay cả các kỹ năng làm báo: Cách khai thác đề tài, phương pháp xây dựng một phóng sự ảnh, cách xử lý thông tin,... và kỹ thuật chụp ảnh cũng còn yếu. Vì vậy, thời gian qua, chúng tôi được tòa soạn đào tạo, bồi dưỡng dưới sự hướng dẫn của những phóng viên, biên tập viên giàu kinh nghiệm. Điều này cho thấy, để có ảnh báo chí đạt chất lượng thì chúng tôi phải cố gắng học hỏi rất nhiều”.
Theo nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đồng Đức Thành, mỗi tấm ảnh là một câu chuyện và người nhiếp ảnh phải có cái tâm, cái nhìn trong mỗi bộ ảnh. Đặc biệt, trong phóng sự ảnh, cần phải tìm những chi tiết cụ thể, nhấn mạnh những khoảnh khắc của sự kiện. Để có một bộ ảnh hay phóng sự ảnh thu hút bạn đọc, ảnh đó trước hết phải đẹp; muốn có một bộ ảnh, ảnh phóng sự và phóng sự ảnh, đòi hỏi nhà báo phải có tư duy và phương pháp.
Để nâng cao nghiệp vụ cho phóng viên, nhất là nghiệp vụ ảnh, tòa soạn cần thường xuyên tổ chức hội thảo về nghiệp vụ, kỹ năng chụp ảnh, công tác biên tập ảnh, tổ chức các buổi đi sáng tác, giao lưu nhiếp ảnh, mời các phóng viên ảnh có tay nghề cao đến chia sẻ kinh nghiệm cho các phóng viên trẻ, khuyến khích phóng viên, biên tập viên tự học, tự trau dồi nghiệp vụ, tích cực tham gia các cuộc thi ảnh báo chí và nghệ thuật để nâng cao tay nghề, tăng thêm niềm đam mê với nghệ thuật nhiếp ảnh./.
Huỳnh Phong