Tiếng Việt | English

15/05/2023 - 10:34

Súc vật thả rông, tiềm ẩn tai nạn giao thông

Tình trạng thả rông, chăn dắt súc vật (trâu, bò) trên các tuyến đường giao thông nông thôn diễn ra ngày càng phổ biến, gây nguy hiểm cho người và phương tiện khi tham gia giao thông.

Đàn bò trên chục con đi chắn ngang đường, xe gắn máy, ôtô phải nhường đường cho chúng đi

Theo ghi nhận của phóng viên, tình trạng thả rông súc vật diễn ra khá phổ biến ở các tuyến đường giao thông nông thôn, thậm chí cả quốc lộ, đường tỉnh, nơi phương tiện lưu thông đông đúc, gây nguy hiểm cho người đi đường. Nhiều trường hợp do đàn trâu, bò quá đông nên từ xe máy đến ôtô buộc phải dừng lại, nhường đường cho súc vật đi.

Gần đây, chúng tôi có dịp tham gia giao thông trên tuyến đường liên ấp (thuộc ấp Bưng Ràm, xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An), một đàn bò trên 10 con đi chắn ngang đường, xe ôtô, xe gắn máy phải nhường đường cho chúng đi qua.

Người dân sống dọc tuyến đường này cho biết, hàng ngày, có rất nhiều đàn súc vật do người dân địa phương thả ra, không chăn dắt, vô tư đi lại, giăng kín cả lòng đường, thậm chí nằm nghỉ ngơi và phóng uế bừa bãi dọc đường gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan. Thời gian qua, có không ít vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện không làm chủ được tay lái khi phải tránh đàn trâu, bò đi nghênh ngang trên đường.

Chăn nuôi súc vật không người trông coi, thả rông, gây mất an toàn giao thông

Chủ tịch UBND xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng - Trần Quốc Cường cho biết: "Những năm qua, do giá cả bán ra tương đối ổn định nên nhiều hộ dân đầu tư mở rộng mô hình chăn nuôi trâu, bò, từ đó, số lượng tăng lên từng năm. Hiện toàn xã có 177 hộ nuôi trâu, bò với số lượng trên 3.200 con. Việc phát triển chăn nuôi là điều rất đáng khuyến khích vì tạo việc làm và thu nhập cho người dân vùng nông thôn. Tuy nhiên, tình trạng chăn nuôi súc vật không có chỗ nuôi nhốt, người trông coi, nuôi thả rông gây mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan, gây bức xúc trong dân".

“Xã nhiều lần mời các hộ chăn nuôi trâu, bò để tuyên truyền, vận động và ký cam kết không được thả rông làm ảnh hưởng giao thông, hư hỏng cây trồng, phóng uế bừa bãi gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan. Tuy nhiên, việc chăn nuôi trâu, bò thả rông vẫn tiếp diễn. Thời gian tới, UBND xã tiếp tục tuyên truyền đến người dân; những trường hợp không thực hiện đúng như cam kết, địa phương sẽ có biện pháp xử lý thích hợp” - ông Trần Quốc Cường nói.

Mặc dù pháp luật có quy định về xử phạt hành chính về lĩnh vực này nhưng trong thực tế, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương rất khó để xử phạt, bởi tình trạng này phổ biến và khó để thay đổi tập quán chăn thả của người dân.

Để hạn chế và giải quyết tình trạng thả rông súc vật trên đường, ngành chức năng và chính quyền địa phương cần tích cực nhắc nhở, tuyên truyền hộ chăn nuôi về ý thức chấp hành các quy định của pháp luật; đồng thời, xử phạt nghiêm những hộ dân cố tình vi phạm./.

Trung Kiên

Chia sẻ bài viết