Cùng với công nghiệp và đầu tư công, tái cơ cấu ngành nông nghiệp được xác định là một hợp phần quan trọng của Đề án tái cơ cấu kinh tế tỉnh Long An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là quyết sách hết sức đúng đắn trong tháo gỡ những “nút thắt” trong nông nghiệp, tạo điều kiện tập trung khai thác, phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, phát triển bền vững lĩnh vực nông nghiệp.
Những kết quả bước đầu của tái cơ cấu nông nghiệp trong thời gian qua là những tín hiệu khả quan, động lực quan trọng để tiếp tục thực hiện đề án. Bình quân 5 năm qua, sản lượng lúa đạt 2,75 triệu tấn/năm, tỷ trọng lúa chất lượng cao tăng; dự án 40.000ha lúa chất lượng cao đã quy hoạch xong và triển khai thực hiện. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất lúa và lĩnh vực thủy sản bước đầu mang lại hiệu quả ổn định. Mô hình “cánh đồng lớn” gắn với liên kết “4 nhà” mang lại hiệu quả cho nông dân. Chương trình xây dựng nông thôn mới có nhiều khởi sắc; hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH được cải thiện, kinh tế nông nghiệp không ngừng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên, diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới,...
Tuy nhiên, tăng trưởng ngành nông nghiệp thiếu bền vững, công nghiệp chế biến nông sản chưa gắn kết chặt chẽ với việc xây dựng vùng nguyên liệu nên việc tiêu thụ nông sản còn bấp bênh, tính rủi ro cao. Kinh tế hợp tác chưa trở thành động lực thúc đẩy, tạo mối liên kết để nâng cao hiệu quả sản xuất của nông hộ. Hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Ngoài cây lúa, vẫn còn thiếu chính sách hỗ trợ đầu tư cơ giới hóa vào các khâu thiết yếu đối với các cây trồng khác, ảnh hưởng đến việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả trong sản xuất. Sự gắn kết giữa các ngành và địa phương trong công tác dự báo thị trường, xúc tiến thương mại và tiêu thụ nông sản còn một số hạn chế nhất định,...
Điều hết sức vui mừng là Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 xác định “Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành” là 1 trong 2 chương trình đột phá. Nghị quyết cũng khẳng định giữ vững tốc độ tăng trưởng ngành nông-lâm-ngư nghiệp, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng,... tổ chức phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị trên cơ sở thúc đẩy phát triển kinh tế gia trại, trang trại, phát triển liên kết “4 nhà” ở các vùng sản xuất hàng hóa, có thị trường tiêu thụ ổn định,...
Với hiệu quả mang lại lớn, xuất phát từ cơ sở thực tiễn và yêu cầu cấp bách trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh, được soi sáng bởi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh phù hợp với quy hoạch phát triển KT-XH gắn với bảo vệ môi trường; đồng thời hướng tới xây dựng một nền nông-lâm-ngư nghiệp bền vững, toàn diện, tập trung phát triển sản xuất nông sản hàng hóa lớn, chủ lực, có lợi thế cạnh tranh nhằm bảo đảm tăng trưởng ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo và phát triển bền vững.
Khi lĩnh vực nông nghiệp được xác định là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, chắn chắn sẽ được quan tâm đầu tư, hỗ trợ nguồn lực cần thiết và có những bước đi, chính sách phù hợp. Vấn đề quan trọng là ngành nông nghiệp phải phát huy vai trò tham mưu, tổ chức điều hành; chẳng những là “ngọn hải đăng” soi sáng cho những “con thuyền” nông dân trên biển lớn mà còn là “bạn của nhà nông” luôn luôn sâu sát, cận kề bám ruộng đồng cùng nông dân để Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X sớm đi vào cuộc sống, lan tỏa tận vùng sâu, vùng xa.
Xét cho cùng, cơ sở để đánh giá hiệu quả của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp chính là bữa cơm của nông dân, chứ không phải ở văn bản hành chính./.
Kim Quy